DANH MỤC

Thị trường chứng khoán phá đỉnh trong năm 2024: Kẻ cười, người khóc

Lãi tiết kiệm ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm mạnh giúp thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch tích cực. Nhiều người khoe lãi lớn từ vài chục tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có không ít người mong được “về bờ” sau thời gian dài nắm giữ khoản đầu tư của mình.

Nhà đầu tư hoan hỉ khoe lãi từ vài chục tới cả trăm triệu đồng

Thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa phiên giao dịch 22/3, VN-Index tăng 5,38 điểm (0,42%) lên 1.281,8 điểm. Với mức giá đóng cửa này, chỉ số VN-Index đã chính thức lập đỉnh mới trong năm 2024, vượt đỉnh cũ vừa lập trước đó ở mức 1.270,51 điểm trong phiên giao dịch 13-3 và tiệm cận vùng giá cao nhất tháng 8/2022.

“Khi mua mã cổ phiếu ngành chứng khoán, tôi nghĩ kiếm tiền mua cốc trà đá và chút rau dưa, mà ai ngờ được mời rượu vang liên tiếp” - Tài khoản cá nhân tên Xuân Hải.

Trong tuần giao dịch từ 18/3 - 22/3/2024, thanh khoản trên HoSE đạt 151.877,51 tỷ đồng, tăng mạnh 20,4% so với tuần trước. Đây là tuần giao dịch có thanh khoản ở mức kỷ lục khi trung bình hơn 30 nghìn tỷ đồng/phiên, khối lượng giao dịch hơn 1,1 tỷ cổ phiếu/phiên, chỉ thua kém tuần giao dịch cao nhất lịch sử là tuần 19/11/2021. Thể hiện mức độ xoay vòng nhanh, mạnh trong thị trường với nhiều cơ hội sinh lợi ngắn hạn tốt.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến tích cực trong phiên giao dịch ngày 22/3 vừa qua - Ảnh chụp màn hình

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến tích cực trong phiên giao dịch ngày 22/3 vừa qua - Ảnh chụp màn hình

“Mừng quá, định bụng kiếm tiền mua cốc trà đá và chút rau dưa, mà ai ngờ được mời rượu vang liên tiếp” - Tài khoản Xuân Hải đã chia sẻ. Nhà đầu tư này cho biết mua mã cổ phiếu của doanh nghiệp lĩnh vực chứng khoán, chứng kiến cổ phiếu này tăng liên tiếp trong 3 phiên và bật lên 62.500 đồng/CP trong phiên cuối tuần.

Niềm vui đến với nhà đầu tư trong tuần qua không chỉ ở một vài mã cổ phiếu đặc biệt, mà khá nhiều nhóm ngành cũng bật tăng mạnh như dầu khí, thép, chứng khoán... đặc biệt là sự thể hiện của 2 nhóm ngân hàng và bất động sản trong 3 phiên cuối tuần giúp VN-Index có lần đầu tiên trở lại cao điểm 1.280 sau hơn một năm rưỡi.

Trong số đó, đáng chú ý top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE có một nửa là các đại diện nhóm bất động sản với TCH, PDR, DIG, D2D, HPX. Trong đó, những mã cổ phiếu như TCH, PDR, DIG mang về niềm vui lớn cho các cổ đông khi ghi nhận mức tăng hơn 12% trong tuần giao dịch gần nhất. Không chỉ tăng về giá, thanh khoản của 3 mã cổ phiếu này cũng tích cực với trung bình hơn 20 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay mỗi phiên.

Nhà đầu tư khoe khoản lãi của mình khi xuống tiền vào sân chơi nóng

Nhà đầu tư khoe khoản lãi của mình khi xuống tiền vào sân chơi nóng

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng mang về niềm vui lớn cho các nhà đầu tư khi liên tục tăng mạnh suốt từ cuối năm 2023 đến nay. Trong đó các mã như ACB, BID, HDB thiết lập mức đỉnh giá mới; cổ phiếu CTG cũng giao dịch ngay sát đỉnh lịch sử. Rất nhiều nhà đầu tư đang hy vọng chứng khoán có thể vượt đỉnh 1.300 trong ngắn hạn.

Nhiều người vẫn “khóc” dù thị trường phá đỉnh

Dù thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục lập đỉnh mới (chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay), tuy nhiên không phải tất cả những nhà đầu tư đều nhận được niềm vui.

Nhìn danh mục đầu tư vẫn “đỏ lửa” trong quãng thời gian gần 2 năm qua, chị Hạnh một nhà đầu tư đến từ Thanh Hóa cho biết chỉ mong khoản đầu tư gần 400 triệu đồng của mình vào ông lớn ngành Thép sớm về bờ. “Tôi đang cầm hơn 12.000 cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã gần 2 năm, nhưng đến nay mức giá của mã cổ phiếu này chỉ loanh quanh 30.000-31.000đ/cổ phiếu khiến khoản đầu tư của tôi vẫn đang lỗ gần 10%”, chị Hạnh chia sẻ.

"Nếu mang hơn 100 triệu đồng đầu tư chứng khoán gửi tiết kiệm cách đây hơn một năm, tôi có thể thu được khoản lãi đáng kể. Tuy nhiên, đến nay khoản đầu tư vào sân chơi nóng của tôi vẫn ghi nhận khoản lỗ gần 30 triệu đồng", anh Chính, một nhà đầu tư.

Trong khi đó, anh Huấn một nhà đầu tư tại Bắc Ninh cũng cho biết dù thị trường ghi nhận tăng mạnh thời gian qua nhưng hơn 10.000 cổ phiếu NVL của anh vẫn đang lỗ lớn. Anh Huấn chia sẻ xuống tiền đầu tư vào mã cổ phiếu này khi NVL ghi nhận vượt mốc 20.000đ/cổ phiếu giai đoạn đầu tháng 9/2023, tuy nhiên đến nay mã cổ phiếu này vẫn chỉ loanh quanh mốc 16.000-17.000đ/cổ phiếu. “Nhiều người ghi nhận lãi từ vài chục tới cả trăm triệu đồng khi thị trường tăng mạnh, nhưng khi nhìn lại tài khoản của mình vẫn đang đỏ lửa nên bản thân không tránh khỏi chút thất vọng”, anh Huấn chia sẻ thêm.

Nhiều nhà đầu tư vẫn lỗ lớn dù thị trường tăng mạnh từ đầu năm 2024

Nhiều nhà đầu tư vẫn lỗ lớn dù thị trường tăng mạnh từ đầu năm 2024

Tương tự, anh Chính (Hà Đông - Hà Nội) chia sẻ cũng đang "mất ăn, mất ngủ" với khoản đầu tư của mình vào hơn 5.000 cổ phiếu TPB của Ngân Hàng TMCP Tiên Phong xuống tiền cách đây hơn 1 năm. Nhà đầu tư này chia sẻ sau nhiều lần trung bình giá thì giá vốn khoản đầu tư của mình vẫn đang cao "chót vót" tới gần 22.000đ/cổ phiếu. Tuy nhiên, mã cổ phiếu này hiện chỉ giao dịch quanh ngưỡng 18.000-19.000đ/cổ phiếu nên khoản đầu tư của mình vẫn ghi nhận lỗ gần 14%. "Nếu mang hơn 100 triệu đồng đầu tư chứng khoán gửi tiết kiệm cách đây hơn một năm, tôi có thể thu được khoản lãi đáng kể. Tuy nhiên, đến nay khoản đầu tư vào sân chơi nóng của tôi vẫn ghi nhận khoản lỗ gần 30 triệu đồng", anh Chính chua chát.

Anh Chính chia sẻ thêm, ngoài khoản lỗ ở mã cổ phiếu TPB, bản thân cũng đang lỗ nhẹ khi đầu tư vào 10.000 cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai. Nhà đầu tư này chia sẻ do mới xuống tiền vào HAG nhưng đến nay khoản đầu tư cũng ghi nhận lỗ gần 4%. “Hy vọng với những thông tin tích cực được công bố gần đây, khoản đầu tư vào mã cổ phiếu này sớm có thể về bờ”, anh Chính bày tỏ hy vọng.

Thị trường chứng khoán sẽ bứt phá trong năm 2024?

Với việc lãi tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh hạ xuống mức thấp kỷ lục gần đây, một phần tiền nhàn rỗi đã được các nhà đầu tư chuyển sang thị trường chứng khoán. Cụ thể, trong tháng 01/2024, thị trường chứng khoán chỉ ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân đạt 726,2 triệu cổ phiếu/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 16.531 tỷ đồng/ngày; nhưng vẫn tăng lần lượt 4,60% về khối lượng và 3,58% về giá trị so với tháng 12/2023.

Sang tháng 2/2024, thanh khoản thị trường cổ phiếu tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng, thể hiện ở khối lượng giao dịch bình quân đạt 841,5 triệu cổ phiếu/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 20.670 tỷ đồng/ngày; tăng lần lượt 15,9% về khối lượng và 25,1% về giá trị so với tháng 01/2024. Từ đầu tháng 3/2024, thanh khoản trên sàn HoSE tiếp tục tăng mạnh cụ thể, giá trị phiên giao dịch thấp nhất sàn HoSE hôm 12/3 cũng lên tới 20.757 tỷ đồng. Trong khi phiên giao dịch ngày 18/3, ghi nhận thanh khoản kỷ lục với hơn 1,7 tỷ cổ phiếu được sang tay cùng giá trị giao dịch đạt 43.132 tỷ đồng, cùng với đó có 2 phiên giao dịch giá trị vượt mức 32.000 tỷ đồng.

Thanh khoản trên sàn HoSE ghi nhận tăng mạnh từ đầu tháng 3 đến nay - Ảnh chụp màn hình

Thanh khoản trên sàn HoSE ghi nhận tăng mạnh từ đầu tháng 3 đến nay - Ảnh chụp màn hình

Nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, vào ngày 20/03, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về Giao dịch chứng khoán (GDCK) trên hệ thống GDCK; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK) và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Nỗ lực và sự quyết tâm trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đang nhận được những phản hồi tích cực, phả hơi nóng lên "game" tăng vốn của CTCK.

Với những động lực mới xuất hiện từ cuối năm 2023, đầu năm 2024, giới phân tích nhận định chứng khoán năm 2024 sẽ tiếp tục bứt phá và đi lên dù vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn. Nhìn vào bức tranh tổng thể, nhịp điều chỉnh chính là cơ hội cho nhà đầu tư.

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol (Anh), dòng tiền trong thời gian qua tương đối khỏe và bền vững. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng về sự cải thiện của nền kinh tế và sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp, không còn thấy những rủi ro về suy thoái kinh tế hay vỡ nợ ngân hàng xảy ra như dự báo trước đó nên đã thúc đẩy dòng tiền lành mạnh, và hiện tại nhà đầu tư vẫn chưa sử dụng nhiều đòn bẩy. Có thể trong giai đoạn tiếp theo sẽ bắt đầu nhìn thấy dòng tiền đầu cơ mạnh hơn, khiến thanh khoản gia tăng hơn.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng có 3 động lực giúp TTCK đi lên. Đó là TTCK vẫn là điểm đến lý tưởng của dòng tiền đầu tư trong năm 2024 trong khi các kênh đầu tư khác vẫn ảm đạm. Bên cạnh đó, động lực từ môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ thẩm thấu và tác động rõ rệt lên nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Và hoạt động kinh doanh cốt lõi cùng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cải thiện và tăng trưởng trở lại.

TS Cấn Văn Lực đánh giá đánh giá thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm 2024 sẽ tiếp tục diễn biến tích cực

TS Cấn Văn Lực đánh giá đánh giá thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm 2024 sẽ tiếp tục diễn biến tích cực

“TTCK sẽ tăng mạnh trong năm 2024 theo đà hồi phục của nền kinh tế với các động lực chính đến từ môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ thẩm thấu và tác động rõ rệt lên nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”, chuyên gia VFS dự báo.

"Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, TTCK nhìn xa từ đây đến cuối năm khả năng vẫn duy trì tích cực” - TS Cấn Văn Lực đánh giá.

Mặc dù đưa ra lưu ý về những rủi ro trong năm 2024 như xung đột địa chính trị, lạm phát và lãi suất manh nha giảm nhưng vẫn ở mức cao, đà phục hồi chậm lại ở các nước kéo theo tăng trưởng toàn cầu ở mức thấp và rủi ro an ninh lương thực vẫn hiện hữu, nhưng TS Cấn Văn Lực đánh giá kinh tế Việt Nam hiện cơ bản tốt và đang trong pha phục hồi từ tháng 5/2023. Nền tảng vĩ mô tương đối ổn định với lạm phát trong tầm kiểm soát 3,5%, tỷ giá tăng nhưng không quá đáng ngại, nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách dưới ngưỡng Quốc hội cho phép. Điều này cho thấy chính sách tài khoá của Việt Nam khá bền vững. Điều quan trọng là chính sách tiền tệ mở rộng vẫn được duy trì khi lãi suất đang đi ngang và tiếp tục giảm nhẹ.

"Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, TTCK nhìn xa từ đây đến cuối năm khả năng vẫn duy trì tích cực. Minh chứng là chỉ trong vài tháng đầu năm, mức tăng của thị trường đã gần bằng cả năm ngoái. Bây giờ, số liệu hàn thử biểu TTCK sát hơn với kinh tế thực, không có hiện tượng "bong bóng", thổi giá như trước đây", ông Lực nhận định.

Thị trường chứng khoán phá đỉnh trong năm 2024: Kẻ cười, người khóc - 6

Hồng Hương – Trung Kiên

Thứ Ba, ngày 26/03/2024 12:18 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])