DANH MỤC

Một NĐT cá nhân mất hơn 80 tỷ vào cổ phiếu họ FLC và bài học “xương máu” trên sân chơi nóng

Chỉ sau hơn 3 tháng trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp họ FLC, nhà đầu tư cá nhân này đã bị bốc hơi hơn 80 tỷ đồng trong khoản đầu tư của mình. Bên cạnh đó, nhiều cổ đông họ FLC cũng đang “mất ăn, mất ngủ” khi hàng loạt mã cổ phiếu bị cảnh báo thậm chí dừng giao dịch vì những sai phạm liên quan đến việc chậm công bố thông tin.

Sai phạm quy định, hàng loạt công ty họ FLC bị phạt, ngừng giao dịch

Giữa tháng 9/2022, AMD, ART và KLF là ba cổ phiếu cuối cùng liên quan đến họ FLC và ông Trịnh Văn Quyết bị xử lý vì vi phạm quy định công bố thông tin.

Cụ thể, ngày 15/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo đưa cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và khoáng sản FLC Stone vào diện cảnh báo từ ngày 21/9. Lý do là doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính bán niên đã soát xét.

Tương tự, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đã đưa cổ phiếu ART của Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và KLF của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu CFS vào diện cảnh báo.

Trong khi đó, cổ phiếu GAB cũng bị HoSE đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 9/9. Lí do bởi doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

Trước đó, cuối tháng 8, HoSE đã ra thông báo chuyển cổ phiếu FLC và HAI từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9. Theo đó, cả FLC và HAI đều đã vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Cả 7 cổ phiếu doanh nghiệp liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết – cựu chủ tịch Tập đoàn FLC đều bị xử lý vi phạm về công bố thông tin

Cả 7 cổ phiếu doanh nghiệp liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết – cựu chủ tịch Tập đoàn FLC đều bị xử lý vi phạm về công bố thông tin

Cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros thậm chí đã bị hủy niêm yết từ ngày 5/9. Lý do mà HoSE đưa ra là FLC Faros đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Hiện 38.000 cổ đông vẫn đang ngóng ngày mã này về UPCoM.

"7 công ty liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết – cựu chủ tịch Tập đoàn FLC đều bị xử lý vi phạm về công bố thông tin"

Như vậy, tính đến nay, 7 công ty liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết – cựu chủ tịch Tập đoàn FLC đều bị xử lý vi phạm về công bố thông tin.

Trong văn bản giải trình gửi HoSE, lãnh đạo các công ty này cho biết đang "nỗ lực hết sức" để khắc phục vi phạm. Tuy nhiên, các công ty cùng đối mặt khó khăn là đã liên hệ, thuyết phục nhiều đơn vị kiểm toán nhưng đều bị từ chối hợp tác "vì lý do khách quan liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, điều tra về việc thao túng thị trường chứng khoán".

Nhà đầu tư và hệ sinh thái FLC điêu đứng, cá nhân mất hơn 80 tỷ đồng

"Giẫm đạp" là từ nhà đầu tư dùng để dự báo xu hướng bán tháo cổ phiếu FLC và các thành viên trong hệ sinh thái, sau khi hàng loạt quyết định đình chỉ giao dịch, hủy niêm yết liên quan đến cổ phiếu "họ FLC" được ban hành.

Trên sàn chứng khoán, giá các cổ phiếu "họ FLC" đều giảm sâu so với vùng giá trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. Trừ GAB xấp xỉ 200.000 đồng/cổ phiếu nhưng mất thanh khoản suốt từ cuối tháng 3, giá các mã còn lại đều không quá 5.000 đồng/cổ phiếu, không còn bằng một ly trà đá.  

“Từ khi cổ phiếu này chưa bị đình chỉ giao dịch, tôi đã đặt bán nhưng không khớp lệnh. Nhìn tiền bay dần mà xót ruột” - Chị Thanh, một NĐT ở Nam Định.

Cổ phiếu FLC đóng cửa ở mức giá 3.570 đồng/cổ phiếu ở ngày giao dịch cuối cùng trước khi bị đình chỉ. HAI đóng cửa ở mức giá 1.580 đồng/cổ phiếu, trong khi ROS rời HoSE với mức giá giảm chỉ còn 2.510 đồng/cổ phiếu.

Trong đó, chốt phiên 15/9, KLF giảm sàn về 2.000 đồng/cổ phiếu, ART mất 9.09% về 3.000 đồng/cổ phiếu, còn AMD giảm 6,64% về 1.970 đồng/cổ phiếu sau thông tin bị đưa vào diện cảnh báo. Cả 3 cổ phiếu này đều trắng bên mua và dư bán lên tới cả trăm nghìn cổ phiếu khi kết phiên giao dịch cuối tuần vừa qua.

Thời gian qua, nhà đầu tư đua nhau bán tháo cổ phiếu họ FLC hòng rút chân, cứu vãn đồng nào hay đồng nấy. Bực tức, cáu giận, suy sụp niềm tin là điều mà nhiều nhà đầu tư liên quan đến nhóm FLC đang phải trải qua ở giai đoạn này.

Loạt cổ phiếu

Loạt cổ phiếu "họ FLC" là FLC, ROS, HAI bị đình chỉ giao dịch khiến nhiều cổ đông "mất ăn mất ngủ"

Theo đó, sau khi cổ phiếu ROS bị hủy giao dịch trên HoSE, trên các diễn đàn về đầu tư chứng khoán, các cổ đông của doanh nghiệp tỏ ra lo lắng trước bối cảnh “ôm giấy lộn” và trở thành cổ đông “bất đắc dĩ” của doanh nghiệp.

Chị Thanh, một nhà đầu tư ở Nam Định đang lo lắng bởi ôm mấy ngàn cổ phiếu ROS lỡ mua từ trước và không biết cách nào "thoát hàng". "Từ khi cổ phiếu này chưa bị đình chỉ giao dịch, tôi đã đặt bán nhưng không khớp lệnh. Nhìn tiền bay dần mà xót ruột" - chị Thanh than thở.

Cùng với đó, những môi giới chứng khoán cũng đang khá "rối" khi không biết tư vấn cho khách ra sao khi cổ phiếu họ FLC liên tục lao dốc sau những thông tin bất lợi. Nhiều nhà đầu tư ban đầu chỉ định lướt sóng, không ngờ lại thành cổ đông "bất đắc dĩ" và có nguy cơ ôm "giấy lộn" khi chưa biết khi nào ROS, FLC và HAI có thể giao dịch trở lại.

“Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng mắc kẹt với cổ phiếu họ FLC. Có người , “bay” hơn 50% vốn chỉ sau 3 tháng”.

Các mã cổ phiếu họ FLC và thị trường chứng khoán Việt Nam đã biến động mạnh sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam vì tội thao túng thị trường chứng khoán

Các mã cổ phiếu họ FLC và thị trường chứng khoán Việt Nam đã biến động mạnh sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam vì tội thao túng thị trường chứng khoán

Đầu tháng 5/2022, giới đầu tư bất ngờ khi ông Lê Văn Lợi hoàn tất mua hơn 10,44 triệu cổ phiếu ROS vào ngày 4/5 để trở thành cổ đông lớn. Sau giao dịch, nhà đầu tư này sở hữu hơn 32,94 triệu cổ phiếu ROS tương đương tỷ lệ 5,804% cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp. Tính theo giá chốt phiên giao dịch ngày 4/5 (thời điểm trở thành cổ đông lớn), khối tài sản của ông Lê Văn Lợi đầu tư vào ROS có giá trị hơn 166 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến khi ROS bị dừng giao dịch trên HoSE vào ngày 12/8, ông Lợi vẫn đang là cổ đông lớn của doanh nghiệp khi suốt thời gian qua ROS không có thông báo nào về biến động về số lượng cổ phiếu của nhà đầu tư này. Và khoản đầu tư của ông Lợi vào doanh nghiệp này tính theo giá thị trường chỉ còn 82,68 tỷ đồng, tương đương nhà đầu tư chuyên nghiệp này cũng mất tới hơn 83 tỷ đồng (giảm hơn 50% khoản đầu tư) chỉ trong quãng thời gian hơn 3 tháng trở thành cổ đông lớn của ROS.

Trăn trở vấn nạn thao túng cổ phiếu doanh nghiệp

Liên quan đến vụ thao túng cổ phiếu xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và một số công ty có liên quan, nhiều lãnh đạo của Tập đoàn FLC cũng như các doanh nghiệp trong "họ FLC" hiện đã bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.

Theo các chuyên gia, vụ việc ông Trịnh Văn Quyết và các lãnh đạo FLC thao túng giá chứng khoán, theo tính toán làm nhà đầu tư thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, việc ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bị bắt đã làm thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh, thổi bay nhiều tỷ USD. Cú giảm sâu của thị trường thời gian qua khiến những nhà đầu tư cá nhân và chuyên nghiệp, kể cả các quỹ đầu tư cũng đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã có trả lời xung quanh xử lý việc làm giá trên thị trường chứng khoán của FLC, trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước; quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi các cổ phiếu FLC, HAI và ROS bị hủy giao dịch; và điều kiện để các cổ phiếu này được giao dịch trở lại.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết khi nào khắc phục được những vi phạm khiến các cổ phiếu bị ngừng và hủy giao dịch, đồng thời doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục giao dịch thì sẽ được giao dịch trở lại - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết khi nào khắc phục được những vi phạm khiến các cổ phiếu bị ngừng và hủy giao dịch, đồng thời doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục giao dịch thì sẽ được giao dịch trở lại - Ảnh: VGP

“Khi nào doanh nghiệp này khắc phục được những vi phạm và có nguyện vọng đăng ký trở lại thì chúng tôi sẽ chấp nhận” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Nói về điều kiện để cổ phiếu FLC, ROS, HAI... được giao dịch trở lại, ông Chi cho biết các doanh nghiệp này phải khắc phục được những vi phạm khiến cổ phiếu bị hủy niêm yết và có nguyện vọng giao dịch trở lại, khi đó các cơ quan quản lý sẽ xem xét theo quy định của pháp luật.

Cụ thể là phải có báo cáo kiểm toán 2021, 6 tháng 2022 theo quy định; tổ chức Đại hội cổ đông theo quy định… “Khi nào doanh nghiệp này khắc phục được những vi phạm và có nguyện vọng đăng ký trở lại thì chúng tôi sẽ chấp nhận”.

Về quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng thế nào, ông Chi khẳng định, khi bị huỷ giao dịch, quyền lợi nhà đầu tư đương nhiên bị ảnh hưởng, muốn bán không bán được trên thị trường nữa, rất khó khăn.

“Nhưng với trách nhiệm, vì mình sở hữu cổ phiếu, là cổ đông của các doanh nghiệp này thì trách nhiệm của nhà đầu tư là phải có ý kiến, có quyết sách ở đại hội cổ đông, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp thực hiện khắc phục những thiếu sót, vi phạm đó sớm nhất để đưa những cổ phiếu này được niêm yết và giao dịch trở lại trên thị trường chứng khoán. Khi đó, quyền lợi của các cổ đông, các nhà đầu tư sẽ trở lại và được bảo đảm”, ông Chi nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW 

Trong khi đó, chia sẻ về vấn đề bảo vệ quyền lợi của khoảng 38.000 cổ đông của cổ phiếu ROS đã bị hủy giao dịch trên HoSE, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW cho biết, theo quy định hiện hành, cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng PHẢI đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM và chỉ được đăng ký niêm yết trở lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên UPCoM và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết.

Sau khi cổ phiếu bị hủy niêm yết/hủy giao dịch, có hai trường hợp xảy ra trong đó:

- Với cổ phiếu hủy niêm yết giao dịch để chuyển sang sàn lớn hơn (từ Upcom -> Chuyển từ HNX sang HOSE), số cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ sẽ được chuyển đổi sang sàn mới và giao dịch bình thường.

- Nếu hủy niêm yết ở HOSE hay HNX để chuyển xuống thị trường UPCoM, các cổ phiếu này vẫn được đăng ký giao dịch để duy trì thanh khoản song nếu doanh nghiệp kinh doanh sa sút hoặc có nguy cơ phá sản, thanh khoản cổ phiếu sẽ suy giảm trầm trọng và nhà đầu tư có nguy cơ bị mắc kẹt.

Một vấn đề khác, với cổ phiếu hủy niêm yết và rời bỏ thị trường, nhà đầu tư rất khó để chuyển nhượng. Khi đó, có 2 hình thức để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư là công ty phát hành cổ phiếu phải bỏ tiền mua lại số cổ phiếu này hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu chuyển cổ phiếu đó lên sàn giao dịch không chính thức hoặc thứ cấp để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu.

Thị trường sẽ thanh lọc và phục hồi tích cực

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những biến động mạnh sau khi ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bị bắt tạm giam điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán vào cuối tháng 3 vừa qua. Cùng với đó, việc ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các đồng phạm bị bắt tạm giam hồi đầu tháng 4/2022, để điều tra về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu cũng khiến thị trường tài chính trong nước chao đảo.

“Thị trường chứng khoán được thanh lọc, đã điều chỉnh về mức hấp dẫn, kỳ vọng trở lại mức lịch sử trong năm 2023”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian qua, thị trường chứng khoán đã điều chỉnh về mức hấp dẫn. Kỳ vọng, thị trường sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2022 và có thể trở lại mức lịch sử trong năm 2023.

Các số liệu vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sự phục hồi tốt, xu hướng này bắt đầu từ tháng 10/2021 đến nay. Tuy có một vài thời điểm đà phục hồi có phần chậm lại, nhưng xu hướng chung của nền kinh tế vẫn là tăng trưởng. Sự phục hồi của nền kinh tế trái ngược với sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán. Vì thế, trước sau gì thị trường cũng phải tăng trưởng để phản ánh lại sự phục hồi này.

“Nhà đầu tư nên thận trọng, kiên nhẫn quan sát. Không mua bán gì cũng là một dạng đầu tư, không nhất thiết lúc nào cũng phải có giao dịch” - bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc phân tích cổ phiếu, trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI.

Tương tự, trong báo cáo triển vọng thị trường công bố mới đây, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) hiện tại của VN-Index khoảng 15,4%, nằm trong số các thị trường có tỷ suất sinh lợi cao nhất. Với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của công ty phân bổ trên một cổ phiếu (EPS) dự kiến là 19% cho năm 2022, tỷ suất sinh lợi kép dự kiến cho giai đoạn 2020 - 2022 của VN-Index sẽ đạt khoảng 17,4%, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua cơn bão đại dịch rất tốt so với các nước cùng khu vực. Cùng với chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu (P/E) kỳ vọng ở mức 12,4, thị trường Việt Nam hiện tương đối hấp dẫn để đầu tư trong dài hạn so với các thị trường ngang hàng.

Các chuyên gia phân tích của ACBS cũng tin tưởng, sự phục hồi của VN-Index sẽ tiếp tục trong thời gian tới nhờ lợi nhuận sáu tháng đầu năm tăng mạnh, kỳ vọng vào tăng trưởng GDP cao cho phần còn lại của năm 2022, doanh thu bán lẻ tăng trưởng, tâm lý thị trường được cải thiện sau khi có dấu hiệu lạm phát đạt hoặc gần đạt đỉnh...

Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích Cổ phiếu Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI - Ảnh chụp màn hình

Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích Cổ phiếu Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI - Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ tại talk show Bí mật đồng tiền mới đây, bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc phân tích cổ phiếu, trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết hiện tin xấu đối với thị trường chứng khoán là việc FED tăng lãi suất tuy nhiên những thông tin về lạm phát đã được phản ánh vào diễn biến giao dịch gần đây.  

Mặc dù số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá tích cực nhưng giám đốc phân tích SSI Research thận trọng cho rằng cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng của thị trường tài chính quốc tế trong thời gian tới.

Trong bối cảnh hiện tại, bà Phạm Huyền Trang cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng, kiên nhẫn quan sát. Theo chuyên gia này, không mua bán gì cũng là một dạng đầu tư, không nhất thiết lúc nào cũng phải có giao dịch.

Một cá nhân mất hơn 80 tỷ vào cổ phiếu họ FLC và bài học “xương máu” trên sân chơi nóng - 7

Hồng Hương – Trung Kiên

Chủ Nhật, ngày 18/09/2022 20:05 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])