DANH MỤC

Lãi suất cho vay lên 15-16%/năm, người vay lo mất nhà, mất xe

Lãi suất thả nổi ngân hàng liên tục tăng cao lên mức 15-16%/năm thời gian gần đây không chỉ khiến các doanh nghiệp lao đao, mà những cá nhân vay tiêu dùng cũng chật vật lo phải bán nhà, bán xe trả nợ. Trước những khó khăn người vay đang đối mặt, Ngân hàng Nhà Nước và nhiều ngân hàng đã có những chính sách hỗ trợ.

Người vay mua nhà, mua xe lo lắng

Những ngày qua, anh Minh (nhân viên văn phòng tại TP.HCM) rất lo lắng theo dõi diễn biến lãi suất ở ngân hàng, vì chưa đầy 2 tháng nữa anh sẽ phải trả gói vay mua nhà theo lãi suất thả nổi. Theo anh Minh, với lãi suất thả nổi hiện tại ngân hàng áp dụng là 11,9%/năm, số tiền gia đình anh sẽ phải trả là 30 triệu đồng/tháng cho khoản vay của mình và không biết 2 tháng nữa lãi còn tăng đến mức nào.

Trong một hoàn cảnh khác, anh Sỹ (32 tuổi, Hà Nội) cho biết anh đang có một khoản vay mua nhà, lãi suất hiện anh phải chịu là 10,9%/năm thay vì 9,1%/năm như dự tính ban đầu.

“Nếu lãi huy động lên 14-15%/năm như đợt năm 2011-2012, thì gia đình tôi có thể phải bán nhà để trả khoản vay", anh Sỹ (Hà Nội) than thở.

Thời điểm tôi vay, đợt đấy lãi suất huy động 24 tháng ở ngân hàng mới là 5,6%/năm, tôi tính cộng với biên thả nổi 3,5%/năm thì lãi mới là 9,1%/năm. Tuy nhiên đến hiện tại, ngân hàng vừa gửi thông báo lãi suất huy động đã tăng lên 7,4%/năm, do đó tháng này tôi phải đóng mức lãi suất 10,9%, anh Sỹ cho biết.

Lãi cho vay tăng cao ảnh hưởng tới kế hoạch vay mua nhà của nhiều gia đình

Lãi cho vay tăng cao ảnh hưởng tới kế hoạch vay mua nhà của nhiều gia đình

Theo anh Sỹ, ai mua nhà lãi suất thả nổi cùng đều gặp tình trạng này. Với mức lãi suất hiện tại, mỗi tháng anh phải trả thêm khoảng 2 triệu đồng so với dự tính ban đầu. "Trước mắt gia đình đang cố cắt giảm bớt chi tiêu, tiết kiệm hơn để gồng trả lãi. Còn nếu lãi huy động lên 14-15%/năm như đợt năm 2011-2012, thì gia đình tôi có thể phải bán nhà để trả khoản vay", anh Sỹ buồn bã nói.

Với xu hướng tăng lãi suất như hiện nay, không chỉ khách vay mua nhà, khách vay mua ô tô cũng chật vật không kém.

Anh Phi Hùng (35 tuổi, lái xe công nghệ) cho biết sau khi ngân hàng thông báo lãi vay thả nổi lên 13,1%, anh chạy vạy gia đình, bạn bè để nhanh chóng 'tất toán' khoản vay hiện tại.

"Một năm trước tôi có mua xe và phải vay ngân hàng 400 triệu, lúc trước lãi suất chỉ 9%, đến nay lãi suất thả nổi lên tới 13,1%. Nhắm tình hình không ổn, tôi đã chạy vạy mượn bạn bè, gia đình để tất toán khoản vay này. Đồng thời, tôi cũng bị phạt 3% do thanh toán trước hạn", anh chia sẻ.

Lúc bệnh dịch ngân hàng không giảm lãi suất, sau dịch thời điểm làm ăn trở lại thì lãi suất thậm chí tăng mạnh hơn – Anh Tùng (Bắc Giang) chia sẻ.

Đồng cảnh ngộ, anh Tùng (Bắc Giang) cho biết năm 2016 đăng ký gói vay gần 300 triệu đồng tại một ngân hàng với thời hạn 7 năm, thanh toán theo lãi suất trên dư nợ giảm dần. Dù đã bước sang năm thứ 6, tức còn một năm cuối là xong nợ, khoản cần thanh toán cho ngân hàng mỗi tháng vẫn làm anh đau đầu: “Nay là năm cuối mà hàng tháng vẫn phải thanh toán cả lãi và gốc khoảng 4,3 triệu đồng. Nói chung rất mệt mỏi”, anh trần tình.

Nhiều người đã phải vay mượn người thân để tất toán khoản vay trước hạn bởi lãi suất tăng cao

Nhiều người đã phải vay mượn người thân để tất toán khoản vay trước hạn bởi lãi suất tăng cao

“Lúc bệnh dịch ngân hàng không giảm lãi suất, sau dịch thời điểm làm ăn trở lại thì lãi suất thậm chí tăng mạnh hơn. Lãi thì vẫn trả đều, có những tháng chúng tôi phải vay mượn chỗ này chỗ nọ để thanh toán cho ngân hàng, thành ra sau dịch lại có thêm một khoản nợ”, anh chia sẻ.

Với những tài xế mua xe trả góp để chạy dịch vụ như anh Hùng, anh Tùng thì khoản nợ ngân hàng ngày một phình to thực sự quá sức chịu đựng, bởi nguồn thu nhập thì không hề tăng theo. Thậm chí thời gian qua, không ít người chạy xe dịch vụ do không gồng được lãi suất ngân hàng đã phải bán xe trả nợ và chuyển sang công việc khác.

Từ bỏ giấc mơ mua xe chơi Tết vì lãi vay tăng cao

Với người đang có ý định mua xe, việc không thể tiếp cận vốn vay tín dụng ngân hàng cũng như mức lãi suất tăng quá cao, đã khiến kế hoạch mua xe mới phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán càng trở nên khó khăn. Nhiều người đành phải chấp nhận tạm hoãn kế hoạch mua xe ô tô sang một thời điểm khác thích hợp hơn.

Anh Nguyễn Đình Dương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình anh có 2 con nhỏ lại ở tận miền Trung nên năm nay định mua xe ô tô để tiện về quê dịp nghỉ Tết nhưng vì lãi suất cho vay hiện ở mức cao nên đành tạm gác lại giấc mơ sở hữu xế hộp của mình.

Nhiều gia đình hoãn kế hoạch mua xe ô tô chơi tết bởi lãi cho vay tăng cao

Nhiều gia đình hoãn kế hoạch mua xe ô tô chơi tết bởi lãi cho vay tăng cao

“Tài chính gia đình có tầm 250 triệu gom góp cả năm định cuối năm mua chiếc xe cho tiện đi lại, nếu mua phải vay ngân hàng một khoản tầm 400 đến 500 triệu đồng rồi trả góp hàng tháng, nhưng hiện nay lãi suất quá cao nên phải gác lại kế hoạch này”, anh Dương nói.

Cùng ý định trên, anh Phan Văn Tâm (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, anh gom được một số tiền khoảng hơn 400 triệu đồng, ý định mua 1 chiếc xe dòng SUV để tiện đi lại vào dịp Tết nguyên đán 2023, anh dự định vay ngân hàng khoảng 600 triệu đồng, nhưng hiện vì lãi suất ngân hàng đang tăng cao nên phải tạm hoãn kế hoạch mua xe lại.

“Nếu như mua bây giờ với mức lãi suất vay cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của gia đình hàng tháng, mỗi tháng vợ chồng chỉ có thu nhập khoảng 30 triệu đồng, tiền sinh hoạt phí và cho con đi học nữa, nên nếu phải chi ra một khoản vượt mức 8 triệu để trả cho ngân hàng thì rất khó để duy trì”, anh này nói.

Người dân, doanh nghiệp đang bị “ngộp”

Chị Quỳnh đại diện một doanh nghiệp sản xuất và lắp đặt sàn gỗ tại Mỹ Đình, Hà Nội cho biết từ đầu năm nay hoạt động kinh doanh đã suy giảm đáng kể khi lãi suất ngân hàng tăng cao. “Lãi suất vay ngân hàng hiện đã lên tới 14-15%/năm, cao hơn nhiều so với mức 11-12%/năm của năm trước. Tuy lãi suất cao, công ty vẫn buộc phải vay tiền để duy trì hoạt động kinh doanh và làm dự án”, chị Quỳnh phân trần.

Nhiều ngân hàng công bố lãi suất cho vay thả nổi đã chạm mốc 15-16%/năm

Nhiều ngân hàng công bố lãi suất cho vay thả nổi đã chạm mốc 15-16%/năm

“Điều tôi lo lắng không phải là lãi suất hiện tại ở mức 14-15%/năm mà là lãi suất sẽ còn tăng trong năm sau hay không. Nếu lãi suất ngân hàng tăng thêm 1% nữa, hầu hết dự án công ty đang làm đều sẽ thua lỗ”, chị Quỳnh cho biết.

Khảo sát tại một số ngân hàng thời điểm này, được biết sau khi lãi suất tiết kiệm liên tục tăng thì lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng như mua nhà, mua ô tô thời điểm đầu tháng 12 cũng được đẩy lên mức cao nhất là 15%/năm.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đang có lãi suất cho vay mua nhà lên tới 15%/năm. Tuy nhiên, OCB có chính sách cho vay khá tốt khi mà áp dụng tỷ lệ cho vay lên tới 100%.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng nằm trong danh sách các ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà cao nhất, từ 11% tới 12%/năm, tăng mạnh so với con số 6,79%/năm của cùng kỳ năm ngoái. Sau đó, lãi suất được “thả nổi” theo lãi suất tiết kiệm 24 tháng cộng thêm 3,5%. Trong tháng 12/2022, lãi suất 24 tháng tại Vietcombank là 7,4%/năm.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng có lãi suất cho vay mua nhà trên 10%. Cách đây 1 năm, con số này chỉ là 6,69%/năm…

Lý giải đà tăng mạnh của lãi suất cho vay, các chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay tăng trở lại, chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng và lãi suất tiền gửi có xu hướng đi lên.

Nhận định về lãi suất vay thời điểm này, chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền - Doctor Housing cho biết rất nhiều người vay mua nhà đang bị ngộp trong giai đoạn này.

Mức lãi suất cho vay mới trên 11%/năm cũng đã trở nên phổ biến ở các ngân hàng lớn

Mức lãi suất cho vay mới trên 11%/năm cũng đã trở nên phổ biến ở các ngân hàng lớn

"Ngày trước lãi suất thả nổi người ta chỉ dự đoán 10-11%, nhưng bây giờ lại nhảy lên 15-16%. Bên cạnh lãi suất tăng, công ăn việc làm của người dân hiện không ổn định, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của nhiều gia đình", ông nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên về câu chuyện mua ô tô trả góp của một số khách hàng, anh Nguyễn Đức Hoàng, trưởng chi nhánh phòng giao dịch một ngân hàng ở khu vực Đống Đa cho biết, lãi suất cho vay mua ô tô hiện tại là khoảng trên 15%, nếu vay 400 triệu trong vòng 2 năm thì mỗi tháng khách hàng trả lãi 5 triệu đồng + 16,6 triệu tiền gốc, tổng mỗi tháng phải trả là 21,6 triệu đồng.

Đưa ra giải pháp cho người đang mua nhà trả góp trong giai đoạn này, ông Chuyền cho rằng nếu người mua nhà vẫn đang thu nhập ổn định và có khả năng chi trả thì có thể cố "gồng".

"Tuy nhiên, khi số lượng tiền vay vượt quá khả năng chi trả, người vay có thể mượn tiền của người thân trong gia đình để trả bớt phần nhà nhằm tránh trường hợp bị 'ngộp' ngân hàng. Nếu vẫn khó, người mua nhà nên tìm cách thanh lý tài sản trong trường hợp có người thiện chí", vị chuyên gia nói thêm.

Loạt giải pháp tiếp oxy cho người dân và doanh nghiệp  

Trước bối cảnh lãi suất cho vay thả nổi liên tục tăng và chạm mốc 15-16%/năm được nhiều ngân hàng công bố thời gian gần đây thì cũng đã có hàng loạt ngân hàng có những chính sách hỗ trợ khách hàng của mình.

SHB và loạt ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng

SHB và loạt ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng

Theo đó, đến nay đã có hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, HDBank, Agribank, ACB, VIB và SHB,…công bố việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.  

Theo công ty chứng khoán SSI, tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12/2022 sẽ vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) từ giữa tháng 11/2022 đến hết tháng 1/2023, SHB giảm lãi suất 1,5-2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh... Bên cạnh giảm lãi suất, SHB còn miễn, giảm phí trả nợ trước hạn, ưu đãi các phí dịch vụ cho khách hàng.

Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) triển khai chương trình giảm lãi suất đến 1,5%/năm và miễn phí trả nợ trước hạn cho khách hàng vay kinh doanh khi duy trì nguồn tiền trong tài khoản thanh toán.

Trước đó, hàng loạt ngân hàng đã thông tin sẽ giảm lãi suất cho vay gồm Agribank, Vietcombank, HDBank và ACB.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng chủ trì cuộc họp chiều 7/12/2022 - Ảnh: VNBA

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng chủ trì cuộc họp chiều 7/12/2022 - Ảnh: VNBA

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, vào ngày 7/12 vừa qua, Hiệp hội đã có buổi làm việc và đề nghị các ngân hàng hội viên đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân, cũng như hỗ trợ lẫn nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt. Thống kê cho thấy, đến nay đã có nhiều ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.

Cùng với đó, từ ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo Công ty Chứng khoán SSI, với việc Ngân hàng Nhà Nước nới trần tín dụng thêm 1,5 đến 2% thì tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ.

Trả lời báo chí trong nước về việc nới chỉ tiêu tính dụng trong tháng cuối năm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ “Đây có thể nói là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế”.

Cùng với việc Ngân hàng Nhà Nước rới "room" tín dụng thêm 1,5 đến 2%, đến nay đã có nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay dịp cuối năm - Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Cũng theo lý giải của Phó Thống đốc Ngân hàng, việc phân bổ tín dụng lần này có thể xem là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi, tích cực kể cả về vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước

Chia sẻ thêm về vấn đề nới room tín dụng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản bao gồm các doanh nghiệp, người mua nhà đang rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc có dòng tiền âm. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi trước việc nới room tín dụng, giúp hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.

“Với nguồn vốn tín dụng bổ sung này, tôi nghĩ sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, để dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đánh giá.

Lãi suất cho vay lên 15-16%/năm, người vay lo mất nhà, mất xe - 9

Hồng Hương – Trung Kiên

Chủ Nhật, ngày 11/12/2022 20:42 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])