TP.HCM "siết" nhậu đêm, được không?

Sự kiện: Tin TP Hồ Chí Minh

Đa số người dân và chuyên gia được hỏi ý kiến đều ủng hộ chủ trương siết chặt quản lý các quán nhậu đêm. Quan trọng là phải tìm được giải pháp phù hợp.

TP.HCM "siết" nhậu đêm, được không? - 1

Từ lâu, nhậu đêm đã trở thành “đặc sản” của Sài Gòn. Ảnh: HTD

Hơn 23 giờ đêm 20-6, hàng chục quán nhậu lớn nhỏ ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn từ cầu Thị Nghè (đường Hoàng Sa, quận 1) đến khu vực đường Út Tịch, quận Tân Bình vẫn đông khách. Đèn đuốc sáng choang như ban ngày, tiếng cười nói ồn ào, náo nhiệt.

Không gì khổ bằng sống gần quán nhậu

Bên trong các quán, mùi thức ăn cùng mùi bia rượu bốc lên nồng nặc. Nhiều thực khách đã say khướt vẫn nán lại để cố mời nhau thêm ly bia. Tiếng ồn ào giữa đêm khuya còn được “tiếp sức” bởi những người bán kẹo kéo với những chiếc loa thùng to đùng. Họ mở nhạc, hát vài bản rồi chìa nhanh những thanh kẹo kéo giá 10.000 đồng ra chào mời khách nhậu trong quán.

Hầu hết các quán dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đều có đặc điểm chung là sử dụng bên trong nhà để nấu nướng. Hàng ngàn thực khách sẽ ngồi nhậu ngay trên vỉa hè, thậm chí là dưới lòng đường. Đông khách nhất là các quán MT, NH ở phường 17, quận Phú Nhuận hay BN, ÔH, ÔTL, ÔMY, LBD ở quận 3 và Tân Bình.

“Các quán này bán tới quá nửa đêm, khách ngồi trên toàn bộ vỉa hè. Những con hẻm xung quanh đều bị chiếm phân nửa để làm nơi giữ xe máy. Tụi tôi phải sống trong cảnh ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không gian nhưng không biết cách nào thoát được. Không lẽ phải bán nhà dọn vô ở chung cư?” - ông Lâm Thanh Nam, nhà trên đường Trường Sa, bày tỏ.

Các quán nhậu khuya trên đường Nguyễn Tri Phương, Thành Thái và khu Bắc Hải (quận 10) cũng rôm rả không kém. Có nhiều quán mở tới rạng sáng. Chủ quán vui vẻ, khách nhậu thỏa thuê, chỉ có người dân sống gần các quán nhậu là lãnh đủ.

“Gia đình tôi ở trong hẻm nhưng vẫn khốn khổ vì mấy quán nhậu này. Cỡ 19 giờ trở đi là ồn ào kinh khủng, tới 1-2 giờ sáng vẫn nghe khách hò hét. Mùi thức ăn thì xộc lên nghẹt cả mũi. Nhiều khách vô đầu hẻm ói mửa, tiểu tiện tùm lum. Tôi chịu hết nổi rồi” - chị Nguyễn Thị Hương Mai, ngụ đường Nguyễn Tri Phương, bực dọc.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Văn Ngữ, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phường 14, quận 10, xác nhận: Đường Thành Thái tập trung nhiều quán nhậu lớn nhỏ, các quán có lấn chiếm lề đường. Đa số các quán nhậu có đăng ký kinh doanh đều nghỉ vào lúc 24 giờ.

“Chỉ những quán nhậu lề đường hoạt động tới sáng gây ồn ào, mất trật tự. Phường đã nhiều lần nhắc nhở các chủ quán không được gây ồn ào, ảnh hưởng tới cư dân và cũng yêu cầu các chủ quán phải cảnh báo khách cẩn thận bị cướp giật khi ra về. Nếu TP có chủ trương siết chặt quản lý các quán nhậu đêm, chúng tôi sẽ ủng hộ ngay vì điều đó giúp quản lý tốt hơn an ninh trật tự trong khu vực” - ông Ngữ nói.

Quy hoạch để ăn nhậu có nơi, có chỗ

ThS Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc R&D Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho rằng ý tưởng quản lý chặt tình trạng ăn nhậu về đêm (do Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nêu ra tại cuộc họp ngày 20-6 - PV) là cần thiết. Vấn đề quan trọng là quy hoạch cho đúng những khu vực được phép mở quán nhậu vào đêm khuya để vừa hạn chế tiêu cực của bia rượu mà vẫn hài hòa lợi ích kinh tế.

“Cơ quan quản lý cần khảo sát, đưa ra tiêu chí để một khu vực nào đó được chọn là nơi kinh doanh ăn uống đêm có rượu bia. Đó phải là khu vực có đông khách, nhu cầu cao, có điều kiện về diện tích, mặt bằng. Đặc biệt, không gây ảnh hưởng nhiều đến các khu dân cư lân cận và phải được sự đồng ý của các hộ dân trong khu vực” - ông Dũng đề xuất.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, cho rằng xét về lối sống, văn hóa thì việc nhậu say sưa gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Nhưng xét về mặt kinh tế thì rượu bia cũng góp phần vào thu nhập của TP.HCM. Muốn đưa ra bất cứ giải pháp nào cấm hay hạn chế kinh doanh rượu bia, cơ quan chức năng cần có một nghiên cứu nghiêm túc, cân nhắc giữa cái được-cái mất rồi mới thực hiện được.

Theo ông Nguyên, cấm nhậu là chuyện không khả thi, bởi ăn đêm là thói quen lâu đời của người dân Sài Gòn. Chính quyền không thể đòi hỏi người dân từ bỏ thói quen này một cách đột ngột. Thay vào đó, chỉ có thể từng bước hạn chế nhậu bằng cách giới hạn giờ kinh doanh rượu bia.

“TP.HCM là TP dịch vụ, trong đó nhu cầu dịch vụ ăn uống là rất lớn. Cho nên muốn hạn chế, muốn giới hạn kinh doanh rượu bia thì cần tham khảo ý kiến người dân, xem họ đồng thuận hay không, đồng thuận ở mức giới hạn nào, 10 giờ đêm, 11 giờ đêm hay 12 giờ đêm. Ngoài ra, khi nghiên cứu, khảo sát, cũng cần phải lấy ý kiến của các cơ quan có chuyên môn, xem liều lượng uống bao nhiêu là vừa, có nên hạn chế rượu bia bằng cách quy định số lượng tối đa bán cho một người hay không. Dựa trên khảo sát, nghiên cứu đó, cơ quan quản lý mới có thể đưa ra những phương án thuyết phục để người dân đồng tình, ủng hộ” - TS Nguyên gợi ý.

Trong khi đó, ông Trương Hoài Phong, Chủ tịch UBND phường 15, quận 10, đề xuất: Bên cạnh việc quy hoạch khu vực cho phép mở quán nhậu đêm, cần tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm. “Mức phạt hành chính cao nhất hiện là 2,5 triệu đồng, chưa đủ răn đe nên các chủ quán nhậu không ngán. Vì thế, muốn quản lý chặt các quán nhậu đêm cần có sự phối hợp ra quân mạnh mẽ giữa Công an TP và các địa phương. Theo tôi, khách để xe lấn chiếm lề đường để ngồi nhậu thì cứ tạm giữ xe một tuần, dù xe đó là do quán giữ. Khách bị giữ xe vài lần thì sẽ ngán tới quán đó nhậu khuya, như vậy tự nhiên sẽ đảm bảo được trật tự cho địa phương” - ông Phong đề xuất.

Không cấm uống nhưng cấm… say

Việc hạn chế giờ kinh doanh rượu bia là cần thiết. Muốn kinh doanh thì phải có nơi, có chỗ chứ không được lấn chiếm vỉa hè. Nước nào cũng có quy hoạch, không thể để hàng quán bán bia rượu tràn lan như hiện nay được. Thay vì cho mở quán nhậu tràn lan, nên quy hoạch một số tuyến đường, một số khu vực (đặc biệt là khu vực trung tâm) cho phép bán rượu bia không giới hạn giờ, để phục vụ nhu cầu của khách. Ví dụ như tuyến Phạm Ngũ Lão quận 1 chẳng hạn.

Ngoài ra, cần có quy định chỉ cho hàng quán được phép kinh doanh rượu bia nhưng không được phép để khách say xỉn, quậy phá. Thấy khách uống say là quán phải chủ động ngưng bán bia rượu. Quán nào vẫn bán khiến khách say, quậy phá là tước giấy phép luôn. Cho kinh doanh nhưng phải kèm điều kiện thật chặt, quản lý thật chặt. Ví dụ điểm bán bia rượu phải có lực lượng bảo vệ đầy đủ, để có thể can thiệp kịp thời khi khách sắp quá chén hoặc quá khích.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt

• Những hệ lụy như ồn ào, mất trật tự, xả rác mất vệ sinh, lấn chiếm vỉa hè... do các quán nhậu gây ra đều đã có quy định xử lý. Vấn đề hiện nay là cơ quan quản lý phải thực hiện nghiêm, không dung túng, buông lỏng. Ví dụ hàng quán kinh doanh xong thì phải quét dọn, đổ rác, quán không dẹp thì cứ sáng mai ra lãnh giấy phạt.

TS Nguyễn Hữu Nguyên

• Việc nhậu tràn lan gây nhiều hệ lụy tiêu cực. Rất nhiều điểm nhậu đêm nằm trong khu dân cư, gây ồn ào, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến đời sống bình thường của người dân. Việc giới hạn thời gian kinh doanh rượu bia, giới hạn khu vực kinh doanh theo quy hoạch có thể sẽ gặp phản ứng của nhiều người kinh doanh. Vấn đề là cơ quan quản lý phải cân nhắc giữa các lợi ích và chọn lợi ích cao nhất, đó là trật tự, an toàn cho đời sống người dân.

ThS Nguyễn Hoàng Dũng

• Từ hồi đường kênh Tân Hóa được làm mới, hai bên đường mọc lên rất nhiều quán nhậu. Người ta nhậu đến 2-3 giờ đêm, vừa nhậu vừa la hét, hát hò có loa phóng thanh hay gõ chén đũa ầm ĩ. Chúng tôi rất khổ sở với các quán nhậu đêm. Đóng kín hết các cửa mà vẫn ồn không chịu nổi. Vì thế tôi ủng hộ ý tưởng cần quy hoạch kinh doanh ăn nhậu vào nơi, vào chỗ riêng.

Anh Ngọc Huy, cư dân chung cư Lotus Garden, quận Tân Phú

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Trâm - Quỳnh Như ([Tên nguồn])
Tin TP Hồ Chí Minh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN