“Tống giam” những chiếc cưa xăng
Trong khi khách sơn tràng xưa phải chặt đẽo, cưa xẻ cả tuần, cả tháng ròng trong rừng để đẵn được những thớt gỗ “như ý lâm tặc”; thì gần đây, cưa xăng đã xuất hiện với một sức mạnh đáng ngạc nhiên.
Đổ hơn một lít xăng vào bình nhỏ gọn, lưỡi cưa dài cả mét, sắc lẹm như vũ khí của yêu quái trong Tây Du Ký cứ thế phăm phăm cắt các cây đại thụ vào hàng tứ thiết, hệt như... dao inox cắt đậu phụ.
Ông Sùng A Màng - Chủ tịch UBND xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình - nói giọng Mông líu ríu: “Nhỡ tay để cưa xăng nó lỗng xích chạy lên rừng một buổi sáng, cũng đủ trụi cả rông núi rồi, sợ lắm. Đi đuổi nó cũng khó, vì nó trốn trong mây mù, nghe nó gào rú, nhưng đi bộ từ sáng đến khi mặt trời đứng bóng vẫn nghe nó ở... tít đỉnh núi bên kia. Phải tìm cách trói nó thật chặt thôi, nhà báo ơi”.
“Máu rừng cứ chảy ròng ròng”
A Màng là người Mông ở cái xã xa nhất của huyện xa nhất trên toàn tỉnh Hòa Bình, nhưng cách đây mấy tháng, anh ta vừa xắn quần móng lợn về thủ đô báo cáo tình hình quản lý cưa xăng trên địa bàn. Năm nay 37 tuổi, Màng đau đớn với rừng lắm: “Hơn chục năm trước, đi từ Xà Lĩnh - quốc lộ 6 vào xã, đường rậm rịt, chim kêu vượn hót, sợ gấu sợ hổ tôi còn không dám đi. Bây giờ tan hoang. Xã nằm giữa khu bảo tồn, mà đi mãi chưa thấy rừng. Máu rừng cứ chảy ròng ròng!”.
Màng nói chuyện văn chương chữ nghĩa, hình ảnh ví von rất ngộ nghĩnh. Khách tủm tỉm ra chiều thú vị, Màng cũng không để ý. “Một kiểm lâm mà phải giữ hơn 1.000ha rừng, lại là rừng của khu bảo tồn Hàng Kia - Pà Cò hẳn hoi. Giữ thế nào được. Đi bộ cả ngày qua được một khoảnh rừng, sương mù bủa kín lối đi, nghe máy cưa xăng nó rít ầm ầm, nhưng có nhìn thấy gì đâu mà tìm để bắt giữ.
Đấy là chưa kể, kiểm lâm còn “cắm bản” lâu quá, anh em chia nhau điếu thuốc lá, bắt tay nhau chào hỏi rồi, cũng ngại chả dám bắt gỗ của người ta. Tôi làm xã đội trưởng nhiều năm, đi bắt lâm tặc mãi tôi biết chứ”. “Xã mình có 2.858 người dân. Chỉ riêng việc bà con đẵn gỗ rừng về làm củi đã đủ cạo trọc núi non rồi. Vì người Mông chúng mình không dùng củi gỗ bé, gỗ tạp đâu. Gỗ làm củi nhưng phải chắc, tốt, gỗ ấy người dưới xuôi mà nhìn thấy thì mê tít, bảo rằng đóng giường đóng tủ cha truyền con nối cứ thế dùng không bao giờ hỏng”.
Một kho gỗ tang vật khổng lồ tại trụ sở Khu Bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, thủ phạm “xẻ thịt” rừng chính là những chiếc cưa xăng sắc lẻm ở xã Hang Kia. Ảnh: Đ.D.H
Việc bảo vệ rừng đặc dụng ở xã Pà Cò đang đứng trước nhiều khó khăn, là bởi vì số lượng cưa máy gần đây được nhập về nhan nhản. A Màng bảo, xã thống kê được khoảng 60 cái, có cái trị giá lên đến 12 triệu đồng. Nó được nhập từ Châu Âu, nó cắt gỗ rèo rèo, ngọt lịm. Cưa máy là tài sản của dân, bà con có quyền mua nó, như mua cái xe máy, cái tivi, cái tủ lạnh. Huyện Mai Châu đi đầu cả nước về phương án chung tay quản lý cưa xăng. Cán bộ tỉnh, huyện, xã đều bảo, phải quản lý “cỗ máy xẻ thịt rừng” lại, kẻo ít ngày nữa là rừng bị đào tận gốc trốc tận rễ đấy.
Ai dùng cưa xăng, phải đăng ký “số máy số khung” với chính quyền. Có hòm giữ cưa ở bản, có nhà giữ cưa ở ủy ban xã. Người dân nào muốn dùng cưa, vì mục đích gì, trong thời gian bao lâu, cần viết đơn trình bày, người “tay hòm chìa khóa” cần xét duyệt, đúng hẹn được “cấp phép sử dụng” cần đem về giao nộp lại - nếu không sẽ bị xử lý, thậm chí tịch thu. Có lẽ, Mai Châu là huyện đầu tiên của cả nước thực thi kế hoạch quản lý cưa xăng và bước đầu họ đã thành công. Nhiều huyện trong tỉnh đã đến học tập kinh nghiệm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và ban ngành chức năng đã cực lực ủng hộ, động viên nhân tố mới.
Điểm sáng Cun Pheo
Cái lý người quản lý cưa xăng đưa ra rất thuyết phục: Cưa xăng là một phát minh khoa học, giải phóng sức lao động cho người ta rất tuyệt. Nó có thể được cả thế giới ủng hộ và tôn vinh, nhưng ở huyện Mai Châu thì câu chuyện lại khác. Mai Châu chủ yếu có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên bảo tồn nghiêm ngặt với diện tích tới 29.000ha.
Các xã như Bao La, Piềng Vế, Cun Pheo, Hang Kia, Pà Cò... cưa máy chủ yếu dùng để phá những cánh rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, những phần việc cần dùng đến sức “công phá thần tốc” của cưa xăng là rất ít. Vì thế, cán bộ quyết liệt đi vận động: Xin bà con hãy cho ngành chức năng được quản lý các cưa xăng đó, khi nào cần dùng để cắt rừng trồng, xẻ gỗ làm nhà, cắt củi xẻ gỗ thì hãy mang đi. Như thế vừa tránh được kẻ xấu mua cưa xăng về làm “nghề lâm tặc”; mà bà con vẫn được sử dụng công cụ lao động hiện đại kia một cách đàng hoàng, hiệu quả. Điểm sáng xuất hiện: Xã Cun Pheo, cách huyện lỵ Mai Châu hơn 30km, nằm ở cửa rừng bảo tồn Hang Kia - Pà Cò, bà con đã tự nguyện giao nộp cho ủy ban xã “nhốt” thành công 70 cái cưa xăng.
Một chiếc cưa xăng dữ dằn bị “nhốt” tại UBND xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Tuy nhiên, ở Pà Cò và nhiều nơi khác thì bà con bảo: Cưa xăng, nó là tài sản của tôi. Nó là công cụ sản xuất. Nó như cái ôtô, cái xe máy anh cán bộ đang đi. Giả dụ từ giờ bắt anh phải nộp ôtô, xe máy ra ủy ban phường - xã, đóng trong kho kín, mỗi lúc muốn đi đâu phải làm đơn trình bày mục đích, nội dung, thời gian chuyến đi, đến xin xác nhận của thôn bản khu phố, xin ý kiến ủy ban xem có được chấp thuận không, nếu được cho phép sử dụng thì phải giao nộp “nhập kho” đúng hẹn, sai hẹn là bị tịch thu... Đấy, làm như thế cán bộ có chịu không?” - một người dân lý luận. Cán bộ không sâu sát là rất khó để trả lời ý kiến phản biện này. Tuy nhiên, mưa dầm thấm lâu, nhờ công tác tuyên truyền tốt, hơn 60 cái cưa xăng ở Pà Cò đã bước đầu được quản lý.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa, khi mà cả xã Pà Cò nằm trọn trong khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, nhiều khu vực dân cư nằm giữa vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Vừa rồi, vụ 8 đối tượng chặt cây phay khổng lồ bằng cưa xăng (chúng cắt ra 27m3 gỗ quý như cắt miếng đậu phụ!) đã bị đưa ra tòa, khiến bà con càng hăng hái ủng hộ kế hoạch “trói cổ” cưa xăng.
Tận mục những chiếc cưa xăng bị “cầm tù”
Hạt trưởng Kiểm lâm Mai Châu - anh Khà Ngọc Lai - bảo, với ít nhất 700 cái cưa xăng đang lưu hành trong huyện, sau khi đưa vào chương trình quản lý, nạn phá rừng giảm rõ rệt.
Điểm sáng xã Cun Pheo đã đem cho các cán bộ tâm huyết với rừng một niềm hy vọng lớn. Từ chỗ rầm rầm xe chở gỗ đi các ngả, UBND xã phải tạm thời lập barie chặn tất cả xe cộ kiểm tra. Anh Nguyễn Ngọc Thanh - một kiểm lâm hơn 30 năm kinh nghiệm - về cắm xã Cun Pheo để quản lý cưa xăng đã bị lâm tặc dùng xilanh có chứa máu của kẻ nghiện nhiễm HIV đe dọa. Anh Thịnh - kiểm lâm viên mới về - hăng hái truy đuổi thì bị chúng cắt dây thả gỗ xuống đường hòng hạ sát cán bộ đang làm nhiệm vụ. Có nhiều nguyên nhân tạo nên điểm nóng này, nhưng thủ phạm “đầu têu” là cưa xăng.
Ông Hà Văn Thoan - Chủ tịch UBND xã Cun Pheo - lo lắng: “Mới khoảng 5 năm nay thôi, cưa xăng phát triển ầm ầm. Con số 70 chiếc cưa xăng mà xã thống kê được sẽ không phản ánh kịp tình hình thực tế. Từ ngày có chỉ thị quản lý cưa xăng, xã cắt cử anh Bùi Văn Hanh - cán bộ cơ sở - giữ chìa khóa, quản lý từng cái cưa máy. Họ còn ra quân, bắt thêm xe máy chở gỗ, cùng các súc gỗ lớn “tống giam” lẫn với hệ thống cưa xăng giao nộp ngay tại phòng kế bên nơi làm việc của ông chủ tịch xã”.
Trước sự chứng kiến của cán bộ xã và kiểm lâm, chúng tôi xin phép để “thủ kho” Hanh mở nhà kho “nhốt” cưa xăng của xã Cun Pheo. Hàng chục chiếc cưa khổng lồ, dầu mỡ nhớp nháp hiện ra, lưỡi cưa to dài, lởm chởm sắc nhọn. Bên cạnh là từng súc gỗ quý, từng chiếc xe Min-khơ chở gỗ của lâm tặc đã phủ bụi vàng khè.
Ông Thoan bảo, giữ những “sát thủ rừng xanh” này cũng sợ cháy nổ, sợ đứt tay chân, và đặc biệt đề phòng những nhầm lẫn sơ hở để bà con kêu ca bị ai đó thay mất các thiết bị ngoại nhập (từ Thụy Điển) của cưa xăng. Ghi số máy, niêm phong hiện trạng, cắt cử cán bộ trông coi, nhập trại cho cưa và tiễn cưa đi... cắt gỗ, phải rất khoa học.
Anh Thanh tiết lộ bí quyết: “Cái bọn phá rừng, nó ở trên rừng, có vận động nó “tống kho” cưa xăng nó còn lâu mới nghe. Chúng tôi cứ họp dân, ra nghị quyết với sự đồng thuận của đông đảo những người không bao giờ phá rừng. Khi thực thi, bọn lâm tặc buộc phải tuân thủ. Hễ thấy cưa xăng vào rừng mà không có “lệnh công tác của sát thủ rừng xanh” là tịch thu tuốt”. Kết quả là - theo ông Thoan báo cáo: Số vụ phá rừng ở Cun Pheo, trong năm 2012 giảm tới 80%.