Thắt chặt an ninh cuộc đối thoại giữa Bí thư Thanh Hóa và dân Sầm Sơn
Đối thoại trực tiếp với Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, một người dân Sâm Sơn bày tỏ: “Lãnh đạo hãy lắng nghe dân, hãy thương dân, quý dân như con. Biển là tất cả của chúng tôi”.
Người dân Sầm Sơn đến chật hội trường để phản ánh những tâm tư nguyện vọng của mình tới Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, ngay từ sáng sớm 7-3, mọi tuyến đường dẫn vào Hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh, thiếu niên thị xã Sầm Sơn tại thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), an ninh đã được tăng cường, thắt chặt để cuộc đối thoại trực tiếp diễn ra tốt đẹp.
Hàng trăm chiến sĩ công an, lực lượng cảnh sát cơ động CSCĐ đã được điều động về đây để đảm bảo an ninh trật tự. Theo dự kiến, có hơn 700 ngư dân là chủ phương tiện của 705 tàu, thuyền (bè, mủng) sẽ được tham dự cuộc đối thoại và đưa ra các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của mình trước Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa gặp gỡ, trò chuyện với ngư dân Sầm Sơn trước buổi đối thoại
Bắt đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã thông tin tóm tắt về một số dự án đầu tư phát triển kinh tế và đặc biệt là các dự án về phát triển du lịch ở thị xã Sầm Sơn. Theo đó, phát triển du lịch là 1 trong 5 mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế của Thanh Hóa từ năm 2015 – 2020, mà trong đó thị xã Sầm Sơn sẽ được xây dựng thành đô thị trọng điểm về du lịch của Quốc gia.
Đến 8 giờ 30 phút hội trường nơi diễn ra buổi đối thoại đã chật kín người, phía ngoài khuôn viên trung tâm, hàng trăm người dân Sầm Sơn cũng đã có mặt để theo dõi cuộc hội thoại. Ai cũng mong chờ lãnh đạo tỉnh có những quyết định hợp lòng dân.
Lực lượng an ninh được thắt chặt để buổi đối thoại diễn ra tốt đẹp
Là một trong những người dân Sầm Sơn lên tiếng, bà Hà Thị Bản vợ của chủ tàu Văn Đình Mùi (ở phố Sơn Thủy, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn) cho biết rất đồng tình với chủ trương của tỉnh về dự án nhưng tha thiết để lại cho ngư dân mấy trăm mét bờ biển để neo đậu tàu thuyền. “Tàu nhỏ, ngày ngày chúng tôi cũng kiếm được ít moi, ít cá, vẫn đủ sống, Giờ đóng tàu mới nhà nước có hỗ trợ đến 40%, chúng tôi cũng không có tiền để đóng” - bà Bản nói.
Hội trường xôn xao khi bà Nguyễn Thị Tròn (ở phố Đa Hải, phường Trung Sơn) nêu ý kiến muốn giữ lại khoảng 1.000 m bờ biển cho dân đậu tàu thuyền, không muốn chuyển đi nơi khác. “Các đồng chí lãnh đạo hãy lắng nghe dân, hãy thương dân, quý dân như con. Biển là tất cả của chúng tôi” - bà Tròn bày tỏ.
Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và ngư dân Sầm Sơn.