"Siêu ủy ban" quản lý hơn 2,3 triệu tỉ đồng
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động với quy mô cực lớn và trách nhiệm nặng nề.
Hôm nay, 30-9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp (DN) chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Theo Bộ chỉ số của Ủy ban QLVNN tại DN, tổng tài sản nhà nước tại 19 DN chuyển giao về ủy ban là trên 2,3 triệu tỉ đồng; trong đó tổng vốn chủ sở hữu hơn 1 triệu tỉ đồng, tổng vốn nhà nước đầu tư 991.301 tỉ đồng. Với quy mô quản lý hàng loạt tập đoàn lớn cùng khối trách nhiệm được dự báo sẽ rất nặng nề, Ủy ban QLVNN được giới chuyên gia gọi là "siêu ủy ban".
Minh bạch sử dụng vốn
Bản dự thảo lần thứ 7 và cũng là dự thảo mới nhất Nghị định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban QLVNN tại DN nêu rõ đây là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong những “ông lớn” sẽ được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Ảnh: Minh Chiến
Theo dự thảo, "siêu ủy ban" chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng và trước pháp luật về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và gia tăng tổng giá trị danh mục vốn nhà nước đầu tư vào DN được giao quản lý. Đồng thời, tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN. "Siêu ủy ban" phải bảo đảm yêu cầu về công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN và báo cáo định kỳ hoặc đột xuất lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu.
Ngoài ra, Ủy ban QLVNN còn được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập DN; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản DN do Thủ tướng quyết định thành lập; quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ của DN; phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm của DN; quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu chủ tịch HĐTV của DN do Thủ tướng quyết định thành lập…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Vũ Đại Thắng, khi xây dựng dự thảo, cơ quan được giao chấp bút đã xác định rõ nguyên tắc Ủy ban QLVNN chỉ thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, không thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc chức năng quản lý nhà nước với DN do các bộ quản lý ngành thực hiện, cũng không thực hiện những vấn đề thuộc thẩm quyền của DN trong điều hành, quản trị kinh doanh.
Siêu quyền lực?
Bởi khối tài sản hơn 2 triệu tỉ đồng được đưa về Ủy ban QLVNN mà "siêu ủy ban" này được cho là có thể nắm trong tay "siêu quyền lực". Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, nếu áp dụng đúng quy định thì ủy ban này không được coi là siêu khổng lồ hay siêu quyền lực, có chăng chỉ là tập trung nhiều đầu mối với tổng tài sản phải quản lý rất lớn. Tức là, quyền của siêu ủy ban chỉ là quyền quản lý khối tài sản đó thay cho nhà nước.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN - Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhìn nhận việc Chính phủ chủ trương trong giai đoạn đầu chỉ chuyển giao một bộ phận DN nhà nước về cơ quan này quản lý với khoảng một nửa tổng số vốn nhà nước đang đầu tư tại DN chứng tỏ không trao quyền quá lớn cho ủy ban. Quy mô này phù hợp với năng lực và nguồn lực của ủy ban trong giai đoạn đầu thành lập. "Một trong những lý do khiến hiệu quả quản lý vốn nhà nước chưa đạt là do chúng ta đang sử dụng bộ máy quản lý nhà nước để quản lý hoạt động đặc thù là sản xuất kinh doanh. Ủy ban QLVNN là bộ máy chuyên trách quản lý phần vốn hiện đang phân tán tại nhiều bộ, ngành, địa phương nên tôi tin là có hiệu quả" - ông Trung nêu quan điểm.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN của CIEM cũng cho rằng với việc ủy ban được giao tập trung khối lượng nguồn lực quan trọng của nền kinh tế thì yêu cầu chính đáng là phải có sự giám sát. "Việc giám sát với bất cứ cơ quan nào thuộc Chính phủ cũng thực hiện theo quy định pháp luật, đặc biệt là giám sát từ các cơ quan kiểm toán, Quốc hội… Một công cụ giám sát khác nằm ngay trong dự thảo nghị định, đó là quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin, đặc biệt chế độ công bố thông tin để giám sát" - ông Phạm Đức Trung nêu.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh thừa nhận việc tập trung vốn nhà nước vào một cơ quan thuộc Chính phủ sẽ giúp dễ dàng tiến hành được các giải pháp, hoạt động cải cách DN nhà nước, xóa bỏ được lợi ích cục bộ. Tuy nhiên, Chính phủ cần phân cấp theo chức năng đối với các cơ quan thực hiện giám sát "siêu ủy ban" nhằm hạn chế rủi ro từ tập trung quyền lực.
Thiếu cơ chế chuyển giao Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, cho hay hiện chưa có quy định pháp luật về lộ trình, cách thức chuyển giao khối tài sản của DN nhà nước về Ủy ban QLVNN. Thời gian tới, cần sớm ban hành quy định này thì mới có cơ sở pháp luật để các DN tự chuẩn bị cho công tác chuyển giao bảo đảm lộ trình. "Chuyển giao không đơn giản là bê từ bên này đặt sang bên kia mà phải bảo đảm chuyển giao đủ quyền đại diện chủ sở hữu, như quyền bổ nhiệm cán bộ, quyền phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, quyền quyết định các kế hoạch đầu tư tài chính…" - ông Hiếu nhận định. Th.Dương |
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, cử tri thị xã Sơn Tây kiến nghị cho tái thành lập TP Sơn Tây bằng 1 nghị quyết...