“Siết” hàng ăn vỉa hè: Cán bộ cũng không tin

Hôm qua (20/1), Thông tư số 30/2012/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành đã bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sẽ bị siết chặt để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Song, khảo sát của PV tại 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, chưa hề có một sự thay đổi nào dù nhỏ trong nhận thức cũng như trên thực tế.

Dân không biết

Theo Thông tư 30, từ ngày 20/1/2013, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố cần bố trí cơ sở ở địa điểm cách xa các nguồn ô nhiễm. Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và phải cao hơn mặt đất ít nhất 60cm. Nơi chế biến, nơi bán thức ăn ngay, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản; trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, thực phẩm chín. Nguyên liệu dùng để chế biến phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định... Người bán thức ăn đường phố phải tham gia tập huấn về ATTP và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP; trang phục phải sạch, dùng găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thực phẩm.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, thông tư trên với những quy định ngặt nghèo về vệ sinh an toàn thực phẩm là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên chỉ đúng về mặt lý thuyết, còn trên thực tế, thông tư này khi ban hành giống như văn bản... cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng, hay như mới đây là cấm rượu “quốc lủi”...

Tại khu vực trước cổng Trường ĐH KHXH&NV, Tự nhiên, Luật, Kinh tế, Kiến trúc ở TPHCM, các quán hàng rong, xe đẩy bán giải khát, thức ăn nhẹ vẫn dày đặc trong ngày 20/1. Khi được hỏi về thông tư cấm bán hàng rong thì 100% người bán đều không biết và cũng... không quan tâm. Bà H - 44 tuổi, trú tại quận 8, bán bánh tráng trộn trước Trường ĐH Khoa học Tự nhiên gần 10 năm nay - cho biết: “ Tôi chẳng biết thông tư nào cả. Có ai nói gì đâu. Gia đình tôi có 4 người con đều bán hàng này trước các cổng trường, nhưng chẳng nghe chúng nói gì cả”.

Anh Hùng - người Huế vào TPHCM lập nghiệp với xe nước sâm trên đường Lê Văn Sĩ, quận 3 - cho biết: “Nếu áp dụng quy định nguyên liệu dùng chế biến phải có hoá đơn, chứng minh được nguồn gốc thì mặt hàng giải khát bán buôn sôi động tại TPHCM là nước sâm lạnh, tắc dừa, nước mía... chắc phải dẹp tiệm. Các loại nguyên liệu dùng để chế biến chủ yếu là lá cây, mía, dừa, tắc chủ yếu mua ngoài chợ thì chẳng thấy ai đưa hoá đơn mà chẳng biết lấy hoá đơn làm gì”.

Còn tại thủ đô Hà Nội, dãy hàng ăn “trần” trên phố Triệu Quốc Đạt vẫn tấp nập và bát nháo trong ngày 20/1. Vẫn những khuôn mặt, những sạp hàng quen thuộc với cách thức bày bán “trần” trông bằng mắt thường cũng thấy được là chúng... bẩn. Hỏi chủ hàng tên Nguyễn Thị Hạnh, bán hàng cơm trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị khẳng định chưa biết và cũng chưa thấy ai nhắc nhở gì về vấn đề ATVSTP. Có chăng thì chỉ bị các trật tự viên của phường nhắc nhở phải đảm bảo trật tự địa bàn mà thôi.

Cán bộ không tin

Không chỉ riêng người dân, nhiều “quan” địa phương cũng “mô tê” về thông tư. Theo ông Phạm Ngọc Liệu - Chủ tịch UBND xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), đến thời điểm hiện tại (20/1), ông cũng chưa đọc cụ thể quy định mà chỉ nghe qua quýt trên báo đài mà thôi. 

“Siết” hàng ăn vỉa hè: Cán bộ cũng không tin - 1

Những hàng rong vỉa hè sẽ vẫn còn tồn tại, còn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bị bỏ ngỏ. Việc ban hành Thông tư 30 giống như câu chuyện vẫn chưa bắt đầu (ảnh chụp tại phố Nguyễn Tuân). Ảnh: Đăng Huỳnh

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM - cho hay, những nội dung chính trong Thông tư 30 đã được triển khai từ 4-5 năm qua, chẳng qua là quy định mới cụ thể hóa hơn. Theo thống kê sơ bộ, TPHCM hiện có hơn 28.000 điểm bán thức ăn đường phố. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ quản lý được những điểm bán hàng cố định. Hàng rong rất khó quản lý và xử lý vi phạm do những gánh hàng này lưu động khắp nơi.

Còn ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A (Bình Tân, TPHCM) - cho biết, hiện phường có khoảng 400 điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, xử phạt bằng tiền khiến người kinh doanh thêm khó khăn, lại không dễ thực hiện nên phường kiến nghị quận chủ trương tuyên truyền nhận thức là chính.

Lại thêm một quy định khó khả thi

Theo đại đa số người dân, cũng giống như các quy định trước đây về việc cưới, việc tang, cấm rượu lậu, cấm thả chó mèo rông..., quy định “siết” thức ăn đường phố cũng sẽ khó khả thi. Hàng rong lâu nay gắn liền với tập quán ăn uống của nhiều người dân Việt Nam. Chưa kể, đối với những lao động nghèo, hàng rong vừa rẻ vừa tiện là chỗ “bấu víu” những lúc đói lòng. Ở một khía cạnh khác, hàng rong đã giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nghèo khác.

“Siết” hàng ăn vỉa hè: Cán bộ cũng không tin - 2

Cả người kinh doanh và người tiêu dùng đều chưa biết có Thông tư 30. Ảnh: Đăng Huỳnh

Có một điều chắc chắn là đến nay chưa có cơ quan nào có thể thống kê được có bao nhiêu quán hàng rong, chứ chưa nói đến quản lý nó. Hàng rong có số lượng quá lớn và xuất hiện dày đặc tận mọi ngóc ngách, hoạt động bất kể thời gian nào. Trong khi đó, cơ quan chức năng chuyên trách về quản lý thì ngược lại không tương xứng, không đảm đương nổi công việc như kiểm tra, xử phạt và cuối cùng sẽ dẫn đến hệ quả: Đâu lại vào đấy!

Ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế: Thực hiện được như  thông tư 30 (TT) không dễ, nhưng đó là hướng đi để cơ quan quản lý tăng cường đôn đốc, phấn đấu đưa các cơ sở thức ăn đường phố đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn. Theo tôi, với TT này, có một số TP lớn làm được triệt để, ví dụ Đà Nẵng, một số nơi ở miền Nam. Còn tại Hà Nội thì khá là khó, bởi thói quen ăn uống của người dân thủ đô rất khác nhau, nhiều người lại thích ăn ở vỉa hè.

Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội: Tại thời điểm hiện tại, các đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hầu hết đều tập trung kiểm tra sản xuất, kinh doanh thực phẩm tết nên chưa triển khai TT 30. Với TT này, Chi cục Quản lý thực phẩm Hà Nội sẽ cần tham mưu cho TP để ban hành hướng dẫn việc phân cấp trong việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở thức ăn đường phố, để toàn bộ hệ thống văn bản quản lý vấn đề này hoàn thiện. Q.D

Ông Nguyễn Trung Bính - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM: Do phần lớn các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố này là người nghèo, kinh doanh tự phát và phục vụ cho đối tượng khách hàng cũng là người dân nghèo, nên việc thực thi TT 30 sẽ khó khả thi nếu như o ép thực hiện các quy định của thông tư trong ngày một ngày hai.

M.Thoa - Đ.Tiến

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Tuấn - Thu Trang (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN