Ông Obama dốc toàn lực ở chặng cuối tranh cử
Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trở lại để dốc toàn lực cho chặng cuối nước rút, kết thúc ba ngày cuối tháng 10/2012 phải tạm ngừng chiến dịch tranh cử để chỉ đạo đối phó và khắc phục hậu quả của cơn bão lịch sử Sandy vừa càn quét một vạt các tỉnh ở miền Đông nước Mỹ.
Sau siêu bão Sandy, cuộc đua càng trở nên gấp rút hơn bao giờ hết vì chỉ còn ba ngày nữa, số phiếu bầu đại cử tri sẽ gần như quyết định ai sẽ là vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, Barack Obama hay đối thủ phe Cộng hòa Mitt Romney.
Trước cuộc bầu cử ngày 6/11, ông Obama hiện dẫn trước, cho dù với khoảng cách rất hẹp so với đổi thủ Romney tại nhiều bang “chiến địa” chủ chốt. Những bang này vốn không nghiêng về phe Dân chủ hay Cộng hòa và có tầm quan trọng ngày cảng tăng trong hệ thống bầu cử tổng thống Mỹ.
Ngay khi chiến dịch tranh cử được nối lại sau bão Sandy, ông Obama nhanh chóng nỗ lực bù đắp khoảng thời gian đã mất với lộ trình vận động dày đặc trong mấy ngày còn lại trước ngày bầu cử tại bốn bang Wisconsin, Nevada, Colorado và Ohio.
Ông Obama dốc toàn lực ở chặng cuối tranh cử. (Ảnh Internet)
Người phát ngôn của ông Obama, Jennifer Psaki, nói rằng Tổng thống vẫn quan tâm chỉ đạo khôi phục mọi hoạt động sau bão, song vẫn phải nối lại chiến dịch tranh cử vì ngày bầu cử đã cận kề và cần thiết phải tiếp tục vận động để người Mỹ tin tưởng trao cho ông cơ hội lãnh đạo đất nước thêm nhiệm kỳ bốn năm nữa.
Ông Obama nói: "Sau khi thảm họa xảy ra, chúng ta đã thấy những điều tốt đẹp nhất của nước Mỹ. Tất cả những khác biệt dường như tan đi. Trong cơn bão, không có Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, mà chỉ có những người bạn sát cánh bên nhau". Nỗ lực chỉ đạo đối phó với bão Sandy của ông Obama được chính đồng minh tranh cử của đối thủ ca ngợi. Nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng sau cuộc “đình chiến bất đắc dĩ” giữa hai ứng viên Obama và Romney do bão, chặng đua cuối xem ra đang diễn biến theo chiều thuận lợi cho đương kim Tổng thống Mỹ.
Đoạn đua nước rút của ông Obama được lên kế hoạch để có thể xóa tan những hy vọng của đối thủ Romney cũng như tạo bước đột phá tại bang Ohio và các bang khác ở miền Trung Tây nước Mỹ - nơi ngành công nghiệp ô tô là “xương sống” của nền kinh tế và đây cũng là chủ đề đặc biệt quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử 2012.
Trong thông cáo mới đây, đồng minh tranh cử của ông Romney, Paul Ryan, cho biết những người Mỹ đóng thuế sẽ bị mất tổng cộng 25 tỷ USD vì chương trình cứu trợ ngành công nghiệp ô tô mà chính quyền Obama đang tiến hành. Trong khi đó, GM và Chrysler vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất tại nước ngoài.
Tuy nhiên trên thực tế, Chrysler đang tạo thêm 1.100 việc làm tại nhà máy của hãng ở Toledo (bang Ohio). Họ cũng tăng sản lượng tại Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng tại thị trường rộng lớn này, vì theo quy tắc thương mại, sản xuất tại chỗ phục vụ cho người tiêu dùng địa phương mang lại hiệu quả cao hơn cả. Chính vì vậy, việc công ty Mỹ sản xuất ô tô tại Trung Quốc phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc hoàn toàn không có gì khác biệt so với việc công ty Nhật Bản mở nhà máy ô tô tại Mỹ để đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ.
Mặc dù đối thủ Romney có tỷ lệ ủng hộ trên cả nước cao hơn chút ít so với ông Obama sau ba cuộc tranh cãi nảy lửa trực tiếp trên truyền hình vừa qua, song thăm dò dư luận cho thấy ông Obama có thể vượt lên nhờ có đủ sự ủng hộ tại các bang “chiến địa” quan trọng, đặc biệt là Ohio để giành ít nhất 270 lá phiếu đại cử tri cần thiết cho chiến thắng. Từ nhiều năm nay, bang Ohio luôn được xem là nơi xác định chủ nhân của Nhà Trắng và tồn tại câu nói: “Sẽ không thắng cử nếu không thắng tại bang Ohio”.