DANH MỤC
Nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng nhất miền Bắc trước ngày về thăm nhà: “Tôi muốn ôm mẹ đầu tiên” - 2

Ngày 27/5, có lẽ là một ngày vui hiếm hoi trong nhiều tháng qua từ khi COVID-19 xuất hiện tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 Đông Anh, Hà Nội). Đó là khi 6 bệnh nhân cuối cùng của đợt lây nhiễm thứ 2 được công bố khỏi bệnh. Trong đó, đáng chú ý nhất có bệnh nhân 19 (nữ, 63 tuổi, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội, bác của bệnh nhân 17), đây là trường hợp nặng nhất tại khu vực miền Bắc.

Bệnh nhân 19 là bệnh nhân mắc COVID-19 có thời gian điều trị dài ngày nhất ở nước ta. Bà nhập viện từ ngày 7/3, đến nay đã qua gần 3 tháng điều trị. Trong đó không ít lần bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch, ngừng tuần hoàn 3 lần, có lần ngừng tim tới 40 phút. Nhờ vào sự giám sát theo dõi tuyệt vời về chỉ số sinh tồn của người bệnh, các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời đưa bệnh nhân thoát khỏi cửa tử.

Ngày bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chúng tôi tham quan tầng 3 là khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2) – nơi đây từng là “chiến trường” cam go, quyết liệt của các bác sĩ với với virus SARS-CoV-2. Từ tầng 1 đến tầng 2, chúng tôi nhận thấy mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, có sự xuất hiện của những bác sĩ, bệnh nhân, người nhà…

Nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng nhất miền Bắc trước ngày về thăm nhà: “Tôi muốn ôm mẹ đầu tiên” - 3

Thế nhưng, khi vừa bước chân vào tầng 3, khoa Hồi sức tích cực, cảm giác trống trải đến lạ. Cả một khoa rộng lớn, từng điều trị cho nhiều người nay bình yên khác thường. Các phòng bệnh tắt đèn, vắng tanh, không thấy bóng dáng của các bệnh nhân hay y, bác sĩ đâu nữa.

Theo lời của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, tất cả các bệnh nhân nhiễm COVID-19 giai đoạn 1 và giai đoạn 2 chữa trị tại đây đều đã khỏi bệnh. Người được ra viện, người chuyển xuống khu cách ly bệnh viện… Do đó, các y, bác sĩ và điều dưỡng tại khoa hầu hết được cho nghỉ ngơi, về thăm gia đình.

“Họ đã chiến đấu gần 3 tháng qua với tất cả sự nỗ lực, không ngại gian khó, hiểm nguy. Đợt này, những bệnh nhân mới chuyển từ Thái Bình lên, chúng tôi đưa vào khoa Cấp cứu để chữa trị nhằm có thời gian cho những y bác sĩ, nhân viên của khoa Hồi sức tích cực có thời gian nghỉ ngơi, về thăm gia đình”, bác sĩ Thạch chia sẻ.

Nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng nhất miền Bắc trước ngày về thăm nhà: “Tôi muốn ôm mẹ đầu tiên” - 4

Bệnh nhân cuối cùng còn sót lại của khoa Hồi sức tích cực cũng chính là bệnh nhân 19. Mặc dù đã khỏi bệnh COVID-19 nhưng do bị virus bào mòn sức khỏe, bà vẫn phải tiếp tục nằm và dùng thuốc tại đây.

Ngoài bệnh nhân 19, sự xuất hiện của một bóng áo xanh duy nhất tại khoa khiến chúng tôi chú ý, đó chính là điều dưỡng Nguyễn Thị Hưởng – người đang chăm sóc cho bệnh nhân 19.

Điều dưỡng Hưởng (SN 1991, quê Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội). Chị chưa lập gia đình, có lẽ cũng vì lí do đó mà chị được “ưu ái” ở lại trực chiến để nhường suất về trước cho những đồng nghiệp có gia đình, con nhỏ…

Clip: Nữ điều dưỡng Hưởng chia sẻ cảm xúc trước ngày được về thăm gia đình.

Nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng nhất miền Bắc trước ngày về thăm nhà: “Tôi muốn ôm mẹ đầu tiên” - 5

Mặc dù nhà chỉ cách Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 khoảng hơn 10km nhưng đã gần 3 tháng nay, chị Hưởng chưa có dịp về thăm gia đình. Ngay cả việc gọi điện tâm sự với mẹ, chị cũng hạn chế, một phần vì công việc bận rộn, phần khác vì sợ mẹ lo lắng. Cứ mỗi lần nói chuyện, 2 mẹ con lại ngậm ngùi, rưng rưng nước mắt.

Nghỉ tay một lát, chị Hưởng tâm sự, đây là khoảng thời gian xa gia đình lâu nhất và cũng là khoảng thời gian giúp chị học được nhiều thứ nhất.

“Thật sự là làm việc liên tục trong thời gian dài như thế, tôi đã cảm thấy nản chí. Có những lúc nhớ nhà nhưng không dám gọi điện cho người thân vì sợ gọi nhiều lại càng nhớ nhiều. Nhiều lúc tủi thân mà bật khóc lúc nào không biết, nhìn thấy các bạn khác được về trước rồi, nhưng mình vẫn phải ở lại, dù có chạnh lòng một chút nhưng tôi cũng vui cho các bạn ấy”, chị Hưởng bộc bạch.

Sau khi bệnh nhân 19 được công bố khỏi bệnh, chị Hưởng sẽ thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định trước khi được trở về thăm gia đình. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải không có ca bệnh mới nào nặng phải chuyển lên khoa Hồi sức tích cực mà chị đang làm việc.

Ngay khi nhận được quyết định có thể được nghỉ phép về với gia đình, chị Hưởng đã vui tới nỗi không ngủ được và đã gọi về thông báo ngay với mẹ.

“Mẹ tôi luôn hỏi câu: “Bao giờ con được về? Nghe cũng buồn và nhớ nhà lắm nhưng tôi vẫn rất muốn được nghe lời đó từ mẹ. Lúc ấy, tôi chỉ biết nói là con sắp được về rồi.

Lần này, nhận được thông báo sắp được về thăm nhà tôi vui lắm, tôi gọi ngay cho mẹ để mẹ và gia đình mừng. Mẹ tôi không phải là người giỏi thể hiện sự quan tâm nên cũng chỉ bảo: “Ừ, về đi, muốn ăn cái gì để mẹ chuẩn bị, mẹ nuôi mấy con gà rồi đấy”. Chỉ cần nghe lời mẹ nói thế thôi là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi”, khóe mắt chị Hưởng đỏ lên, rưng rưng khi nói những lời này.

Cố mỉm cười để gạt đi giọt nước mắt hạnh phúc sắp rơi, chị Hưởng nói tiếp: “Tôi nghĩ từ lâu rồi, điều tôi muốn làm nhất là khi trở về nhà được ôm mẹ, lúc nào cũng nghĩ như thế”.

Nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng nhất miền Bắc trước ngày về thăm nhà: “Tôi muốn ôm mẹ đầu tiên” - 7

Điều dưỡng Hưởng làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đã hơn 3 năm. Công việc thường ngày của chị là chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân, làm thuốc, phát thuốc và cho bệnh nhân uống thuốc. Ngoài ra, chị còn là người cho bệnh nhân ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và giúp bệnh nhân tắm rửa, thậm chí là cả việc đi vệ sinh.

Khi các bệnh nhân COVID-19 bắt đầu xuất hiện và được chuyển đến bệnh viện để điều trị cũng là lúc chị Hưởng được tăng cường và điều chuyển sang chăm sóc trực tiếp cho các bệnh nhân này.

Với nhiều người, lúc bấy giờ, họ không dám cả đến gần bệnh viện chứ chưa nói đến tiếp xúc với bệnh nhân vì sợ lây bệnh. Thế nhưng, đối với những người như chị Hưởng, việc hằng ngày phải tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân, lại là bệnh nhân nặng nhất chẳng là vấn đề gì to tát.

“Tôi chưa khi nào sợ mình bị lây bệnh vì tôi xác định đây là nghề nghiệp của mình. Thậm chí, khi bệnh viện điều động nhân viên, tôi còn xung phong sang để làm nhiệm vụ chống dịch”, chị Hưởng chia sẻ.

Nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng nhất miền Bắc trước ngày về thăm nhà: “Tôi muốn ôm mẹ đầu tiên” - 8

Điều dưỡng là công việc vốn đã vất vả, thì chăm sóc cho những bệnh nhân mắc COVID-19 còn vất vả hơn bội phần. Họ phải ở bên giường bệnh 24/24h để theo dõi sức khỏe, các chỉ số huyết áp, máu, nhịp tim... của bệnh nhân để kịp thời thông báo cho bác sĩ khi có các chuyển biến khác lạ.

Ngoài áp lực về công việc, thời gian, nỗi lo lây nhiễm bệnh, các điều dưỡng như chị Hưởng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác.

Chị Hưởng nhớ lại, những hôm trời Hà Nội nắng nóng hơn 40 độ phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, chẳng khác nào đắp chăn giữa mùa hè đỏ lửa. Lại thêm đặc thù của phòng bệnh nhân COVID-19 không được bật điều hòa, thế nên nóng càng thêm nóng. Mỗi lần khoác bộ đồ bảo hộ lên người được khoảng 5 phút, mồ hôi chị vã ra ròng ròng như tắm, ướt sũng từ đầu đến chân.

“Những ngày đầu mặc đồ bảo hộ do chưa thành thục cách mặc đồ nên trên mặt rồi trên người hằn lên khá nhiều vết do khẩu trang, quần áo thít chặt. Thế nhưng dần rồi bọn tôi cũng quen. Ngay sau khi chăm bệnh nhân xong, tháo đồ bảo hộ là bọn tôi đi tắm, gội đầu, sát khuẩn để đảm bảo ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Ngày nào cũng vậy, công việc cứ cuốn đi trong 12 tiếng chăm sóc bệnh nhân. Mỗi bữa ăn, thay nhau khoảng 30 phút rồi lại nhanh chóng làm nhiệm vụ. Việc ngủ gục trên bàn là việc thường xuyên luôn vì quá mệt, nhưng đấy chỉ là buổi tối lúc bệnh nhân ngủ rồi, còn ban ngày có 12 tiếng thì chăm bệnh nhân cả 12 tiếng. Lúc đó, anh chị em ở đây chỉ biết động viên nhau ăn để lấy sức tiếp tục chăm sóc bệnh nhân, bởi có quá nhiều người cần đến sự chăm sóc của bọn tôi”, điều dưỡng Hưởng tâm sự.

Một khó khăn khác mà chị Hưởng gặp phải, đó là khi chăm sóc bệnh nhân nước ngoài. Với thân hình nhỏ bé của mình, có lúc chị phải vực dậy bệnh nhân lên đến 80-90kg để cho họ uống thuốc, ăn uống, vệ sinh hay thay bỉm... Thế nhưng, bằng tình yêu với công việc và sự tận tụy với bệnh nhân, những việc này sau đó đã được những điều dưỡng làm thuần thục.

Trải qua bao ngày tháng vất vả, chiến đấu cùng những đồng nghiệp và bệnh nhân, chị Hưởng cũng có được niềm vui nhỏ. Niềm vui là khi bệnh nhân COVID-19 nặng nhất viện đã khỏi bệnh. Niềm vui là khi bệnh nhân 19 cất tiếng gọi tên mình.

“Có hôm bác ấy (bệnh nhân 19-PV) tỉnh lại và gọi “Hưởng ơi” khiến tôi giật mình và rất bất ngờ. Hóa ra bác nhìn thấy tên trên ngực áo của tôi. Sau đó, những câu gọi như “Hưởng ơi, lấy cho bác cái này” hay là “Bác muốn ăn cái kia”… chỉ vậy thôi cũng khiến tôi thực sự rất vui và hạnh phúc”, chị Hưởng nói.

Nhưng có lẽ niềm vui lớn lao nhất với chị Hưởng lúc này, đó là không có ca bệnh COVID-19 nào nặng nữa. Đó cũng là lúc chị được trở về nhà sum vầy với gia đình, sà vào lòng mẹ sau những ngày tháng chiến đấu cam go, giành giật sự sống cho các bệnh nhân từ “cửa tử”.

Thứ Ba, ngày 02/06/2020 19:00 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Diệu Thu - Triệu Quang ([Tên nguồn])