Nội Bài tính chuyện để tàu bay đỗ trên đường lăn qua đêm

Sự kiện: Thời sự

Nội Bài đã bắt đầu đối mặt với vấn đề quá tải, tuy nhiên chưa phải ở khu vực nhà ga hành khách mà trong khu bay. Chuyện quá tải ở nhà ga hành khách có thể sẽ xảy ra sau năm 2020.

Nội Bài tính chuyện để tàu bay đỗ trên đường lăn qua đêm - 1

Nhà ga T2 Nội Bài chật ních hành khách vào những dịp cao điểm - Ảnh: Tạ Tôn

Các hãng hàng không xin thêm chỗ đỗ tàu bay

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc CHK quốc tế Nội Bài, tốc độ tăng trưởng sản lượng hành khách qua Nội Bài khá cao, đạt khoảng 17% năm. “Trong năm 2017, lượng khách qua cảng dự kiến đạt 23 - 24 triệu khách. Nếu chỉ tính tốc độ tăng trưởng trong những năm tới ở mức 15%, đến năm 2021, con số này có thể đạt tới 35 - 40 triệu khách”, ông Hùng nói.

Về công suất của nhà ga, theo ông Hùng, nhà ga T1 đang được cải tạo, sau khi hoàn thành có thể đạt công suất khoảng 12 triệu khách/năm. Khi đó, tổng công suất của sân bay sẽ đạt 25 triệu khách/năm (bao gồm 3 triệu khách của sảnh E và 10 triệu khách của nhà ga hành khách quốc tế T2).

Một điểm đáng lưu ý, theo ông Hùng, năm 2016, riêng nhà ga quốc tế T2 đã đón hơn 7 triệu khách. Con số này sẽ lên tới hơn 8 triệu khách trong năm nay. “Điều này có nghĩa, riêng nhà ga T2 đã phải tính chuyện mở rộng”, ông Hùng nói và cho biết thêm, TCT Cảng hàng không VN (ACV) vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép dùng vốn dư từ nguồn ODA xây nhà ga T2 để thiết kế mở rộng nhà ga này.

“Nếu được chấp thuận, dự kiến năm 2018 sẽ xong phần thiết kế chi tiết, để năm 2019 có thể mở rộng, nâng công suất nhà ga T2 lên 15 triệu khách/năm, đồng nghĩa với việc tổng công suất của cảng lên tới 30 triệu khách/năm”, ông Hùng khẳng định và cho rằng, ngay trong thời điểm hiện tại, Nội Bài đã bắt đầu đối mặt với vấn đề quá tải, tuy nhiên chưa phải ở khu vực nhà ga hành khách mà nằm trong khu bay. Chuyện quá tải ở nhà ga hành khách có thể sẽ xảy ra sau năm 2020.

“Câu chuyện quá tải ở Nội Bài đang nằm ở khu bay, trong đó đặc biệt là vị trí đỗ tàu bay. Hiện tại, các hãng hàng không đang xin thêm 15 - 20 vị trí đỗ tàu bay qua đêm. Chúng tôi phải xây dựng phương án cho tàu bay đỗ trên cả đường lăn. Dự kiến, trong năm nay ACV sẽ đầu tư, mở rộng sân đỗ nhưng cũng phải đến năm 2018 mới có thể bổ sung các vị trí đỗ mới”, ông Hùng cho biết thêm.

Nội Bài tính chuyện để tàu bay đỗ trên đường lăn qua đêm - 2

Công suất CHK quốc tế Nội Bài có thể đạt 35 - 40 triệu khách/năm vào năm 2021

Làm gì để không đi lại "vết xe đổ" của Tân Sơn Nhất? 

Một thông tin đáng chú ý là hầu hết các chuyên gia đều thống nhất quan điểm, rất khó tìm được một vị trí thuận lợi để xây thêm một sân bay quốc tế thứ 2 cho Hà Nội. Trong khi đó, lượng khách qua Nội Bài đang tăng lên nhanh chóng. Điều này cũng có nghĩa, nếu không sớm có cái nhìn dài hạn để giữ đất, quy hoạch thì Nội Bài sẽ đi lại “vết xe đổ” của Tân Sơn Nhất.

Về vấn đề này, Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN (VATM) Trịnh Như Long cho biết, từ năm 1994, khi câu chuyện quy hoạch CHK quốc tế Nội Bài lần đầu tiên được đề cập, Cục trưởng Nguyễn Hồng Nhị khi đó đã nói: “Chỉ khi nào có CHK nữa mới nghĩ đến chuyện tới hạn của Nội Bài, nếu không phải giữ bằng được”.

“Sự thật phải khẳng định là ở thế hệ chúng ta, sẽ khó có thể tìm thấy một CHK quốc tế nào nữa cho Hà Nội. TP.HCM còn có Long Thành, ở Hà Nội trong vòng bán kính 50km, những vùng đất trũng, đất yếu như Hà Nam, Thái Bình hoàn toàn không phù hợp. Mật độ dân số cũng rất đông, GPMB cũng gấp nhiều lần so với Sóc Sơn. Nói như vậy để khẳng định, phải giữ bằng được quy hoạch, đất đai ở mức độ tối đa có thể cho CHK quốc tế Nội Bài. Phải tính thật lâu dài, tối đa chứ không thể vì mục tiêu trước mắt”, ông Long nói và đặt vấn đề: Nếu trong vòng vài chục năm nữa mà không có sân bay quốc tế thứ 2, thì Nội Bài phải đặt ngưỡng 75 - 100 triệu khách chứ không thể là 50 triệu khách được.

Đồng quan điểm, người đứng đầu CHK quốc tế Nội Bài cũng cho rằng, trong giai đoạn tới sẽ không có sân bay nào có thể thay thế Nội Bài trong khu vực. Tầm nhìn của Nội Bài phải lên tới 75 - 100 triệu khách là phù hợp. Ông Hùng cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm cho rằng, có thể xây thêm các nhà ga T3, T4. “Ưu tiên số một là phục vụ hành khách. Mặt tiền kết nối giao thông sẽ phải ưu tiên kết nối nhà ga. Điều này là phù hợp với logic vận hành khai thác vận chuyển hàng không”, ông Hùng nói và cho rằng, theo quy hoạch, Nội Bài sẽ phát triển về phía Nam, bao gồm nhà ga T3, T4 và đường cất/hạ cánh số 3. Với quy hoạch này, sẽ cần diện tích rất lớn so với những gì đang có. Trong thời gian tới, cần sớm tính đến chuyện GPMB để giữ đất cho Nội Bài.

Rà soát, hoàn thiện lại hồ sơ điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Nội Bài

Mới đây, tại cuộc họp bàn điều chỉnh cục bộ quy hoạch CHK quốc tế Nội Bài, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kết luận, để nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, sự phát triển bền vững, lâu dài của CHK quốc tế Nội Bài, phù hợp với tình hình thực tế, Bộ GTVT đồng ý về nguyên tắc phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cục bộ một số vị trí công trình trong cảng. Cụ thể, điều chỉnh vị trí nhà ga hành khách VIP phù hợp với thực tế; Điều chỉnh quy hoạch nâng tổng công suất của nhà ga hành khách T1, T2 đạt 30 triệu khách năm, trong đó điều chỉnh công năng, nâng cao công suất nhà ga hiện hữu, giữ nguyên mặt bằng nhà ga T1 và nghiên cứu mở rộng mặt bằng nhà ga T2; Điều chỉnh bổ sung vị trí mở rộng sân đỗ tàu bay bảo đảm đạt khoảng 80 vị trí đỗ.

Thứ trưởng Thọ cũng yêu cầu Cục Hàng không VN rà soát, hoàn thiện lại hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết, trình Bộ GTVT phê duyệt. Cục Hàng không VN nghiên cứu, xây dựng các phương án sơ bộ để nâng công suất CHK quốc tế Nội Bài đạt từ 75 - 100 triệu khách/năm, báo cáo Bộ GTVT để Bộ xem xét, quyết định chính thức việc điều chỉnh toàn diện quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2030 và định hướng sau năm 2030.

Ngân Anh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Bình (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN