Những mảnh đời đen trong tuyết trắng

Lặn lội trong gió, tuyết, tôi đã gặp được những người Việt làm ăn xa xứ. Nhiều người trong số họ đang trong tình cảnh rất buồn, thậm chí cực khổ, chờ một ngày được trở về cố quốc.

Cuộc sống dưới hầm

Kéo cao cổ áo để che bớt đi những cơn lạnh hút thấu xương của mùa đông nước Nga, chúng tôi vòng vèo qua những con đường đã bắt đầu phủ một lớp tuyết mỏng. Đến đại lộ Dimitrop (Moskva), xe rẽ vào một con đường nhỏ có nhiều cành cây trơ trụi. Cảnh vật yên tĩnh càng khiến cái lạnh trở nên tê tái.

Những mảnh đời đen trong tuyết trắng - 1

Mùa đông nước Nga

Cuối cùng chúng tôi đến một khu ký túc xá cũ kỹ, tại đây, người Nga, người Việt, người Trung Quốc có đủ cả. Bạn tôi hỏi: "Ở đây có rất nhiều số phận có thể tìm hiểu, ông muốn đến chỗ chị em trước hay vào chỗ các ông thợ xây sắp ra tòa?".-  "Ông cho tôi đến chỗ chị em", tôi đáp.

Vậy là anh bạn đưa tôi xuống một tầng hầm, đường đi gấp khúc, mấy chiếc bóng đèn bám đầy bụi hắt ra thứ ánh sáng vàng ệch, yếu ớt. Qua hai đoạn cua thì lối đi bị chặn lại bởi một cánh cửa sắt to tướng. Bạn tôi giơ tay nhấn vào cái  nút trên góc cánh cửa mà phải để ý kỹ mới thấy. Một khuôn mặt hiện ra trên ô cửa nhỏ, cỡ bằng bàn tay: "Anh hỏi ai?", một giọng nữ hỏi. Bạn tôi trả lời: "Anh là bạn của anh C, hôm nay anh có anh bạn mới ở Việt Nam qua, nhờ em chăm sóc cẩn thận tý, chọn hộ cô nào ăn nói nhẹ nhàng, tiền nong không thành vấn đề...".

Người phụ nữ cười vui vẻ, tôi nghe thấy tiếng chìa khóa lách cách tra vào ổ. Sau khi làm xong nhiệm vụ, bạn tôi quay ra, còn tôi theo cô gái bước vào một khu với nhiều phòng nhỏ. Người này đưa tôi vào một phòng gần cuối rồi gọi to: "An về phòng tiếp khách nhé!". Trước khi đi cô còn dặn: "Tiền nộp cho bà chủ là 1.500 rúp, còn anh thưởng cho An bao nhiêu thì tùy tâm".

Căn phòng thật bé, chiều dài khoảng hai mét rưỡi, chiều rộng mét rưỡi, chỉ vừa đủ kê chiếc giường. Gọi là giường cho sang, thực ra đây là mấy miếng ván ghép lại, phía trên đặt một tấm đệm đã sờn mép. Tấm vải trải giường cũng không khá hơn, nó cũ kỹ, nhàu nhĩ...

Những mảnh đời đen trong tuyết trắng - 2

Những người thanh niên này mong ngày được trở về Việt Nam

Hàng tháng không thấy Mặt trời

An bước vào với nụ cười trên môi, gương mặt thanh tú dễ thương, chỉ có nước da hơi xanh, nhợt nhạt. Cô nhanh tay cởi khuy áo tôi, tôi nhẹ nhàng giữ tay An lại: "Anh chỉ muốn nói chuyện với em thôi, nhưng vẫn trả tiền đầy đủ, sẽ thưởng thêm cho em nữa". "Anh dễ thương thật đấy", An cười nói.

Vậy là An kể cho tôi nghe câu chuyện đời mình. Nhà An ở An Giang, có bốn anh chị em, thuần nông, "cày" như trâu mà vẫn nghèo. Nghèo thì phải tính, một lần An nhờ người mối lái để An có thể lấy một ông chồng Hàn Quốc hay Đài Loan gì đó cũng được, cho đỡ khổ. Trong khi chưa tìm được thì có người cùng quê ở Sài Gòn về thăm nhà, chị này bảo có thể giúp An sang Nga làm phụ việc bán hàng. Các khoản chi phí bên ấy cho vay rồi trả dần, thế là An sang đây.

"Sao em không đi bán hàng?", tôi hỏi. An lắc đầu thở dài: "Em cũng tưởng thế nhưng sang đến nơi họ lại đưa về đây. Tiếng Nga thì một chữ bẻ đôi cũng không biết, em có quen ai đâu mà kêu? Cũng chẳng dám ra ngoài, vì ra ngoài được cũng chẳng biết đi đâu? Thôi cái số khổ thì mình phải chịu thôi anh ạ...".

Nhìn cô gái như sắp khóc, tôi ái ngại: "Họ trả tiền công cho em thế nào?". An nói như thuộc bài: "Bọn em "đi khách" một lần thì tính một điểm, đủ sáu mươi điểm thì được tính một ngàn USD. Như em, để trả xong khoản nợ 4.400 USD thì em phải phục vụ 264 lần".

Theo An cho biết thì mỗi tháng cô phải trả thêm 21 điểm cho tiền ăn hàng ngày và 50 điểm nữa để dành tiền mua vé về nước. "Bà chủ chắc lắm, bắt bọn em chuẩn bị sẵn tiền vé để nếu bị trục xuất về nước thì không phải chịu khoản chi phí này", An nói.

Nhưng An bảo bà chủ cũng là người "biết điều", mỗi lần đi khách được 1.500 rúp (khoảng 50 USD), chủ chỉ lấy 1.000 rúp, mỗi ngày cô chỉ phải "đi" từ 4 đến 6 khách, ngày "đèn đỏ" thì được nghỉ.

Không muốn An buồn thêm, tôi đổi chủ đề hỏi: "Em có thích phong cảnh nước Nga không?". An cười: "Trước khi sang đây em có đọc và xem tranh ảnh về nước Nga, em thích lắm, nhưng em sang đây đã hơn hai tháng, ánh mặt trời còn hiếm gặp, nói gì đến ngắm phong cảnh?".

Tôi ngơ ngác: "Sao chưa thấy ánh mặt trời?" - "Vì bọn em ở dưới tầng hầm,  đêm nào cũng làm việc khuya, tắm rửa, ăn uống xong thì đã rất muộn, ngủ một giấc, dậy thì đã đến giờ làm... Em cũng định đến ngày "đèn đỏ" tháng này sẽ nhờ người đưa ra phố, chụp một tấm ảnh để sau này về còn khoe mình đã đi Nga"- An đáp.

Tôi trả tiền cho An theo quy định, không quên "bo" cho cô gái một khoản hậu hĩnh. Tôi bước lên cầu thang với tâm trạng nặng nề. Quay đầu nhìn lại, dưới ánh đèn mờ mờ, An giơ tay vẫy. Tôi định giơ tay chào lại thì cánh cửa sắt đã đóng lại. Không biết số phận An và những người như cô rồi sẽ thế nào...

Những mảnh đời đen trong tuyết trắng - 3

T đang xăm cho một người bạn

Nghề lạ ở nước Nga

Các ký túc xá dành cho người Việt tại Moskva lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp, ở đây có thể tìm thấy đủ thứ cần thiết như ở quê nhà, từ thịt, cá, rau quả đến mực một nắng, thịt chó. Những người ở đây cũng làm đủ nghề, từ bán vải, thực phẩm cho đến sửa xe ô tô, làm dịch vụ giấy tờ...

Theo chân anh bạn, tôi vào một căn phòng nhỏ ở tầng bốn, chiếm phần lớn căn phòng là chiếc giường hai tầng tự tạo dành cho nhiều người nằm. Dưới sàn nhà có 7 - 8 người đàn ông, dáng vẻ mệt mỏi, nằm ngồi la liệt. Trên tầng 2 của chiếc giường là một thanh niên chừng ba nhăm, ba bảy tuổi, gương mặt từng trải, đang chăm chú xăm hình con rồng lên bắp tay một thanh niên.

Thấy tôi, người thanh niên này dừng tay tiếp chuyện: "Em tên T, quê ở Nghệ An, xăm nghệ thuật là môn mà em rất thích". "Em học xăm ở đâu?", tôi hỏi.

T vui vẻ bảo mình học nghề này trong tù. T đã đi tù hai lần, cả hai lần đều do đánh nhau, "bóc lịch" mất gần 10 năm.

T cho biết hồi ở tù có một thằng bạn người Sài Gòn biết nghề xăm trổ và nó đã dạy lại cho T. "Em thích và có chút năng khiếu nên tiếp thu cũng nhanh. Xăm nghệ thuật không chỉ là xăm con gì mà xăm có chủ đề hẳn hoi. Dũng mãnh nhưng phải có chất thơ. Thí dụ như sau lưng em là cảnh "mãnh thú dưới vườn trăng". Còn có nhiều chủ đề hay như Lã Bố - Điêu Thuyền hay Nam Tào - Bắc Đẩu. Trong Nam Tào - Bắc Đẩu có cảnh hai ông tiên râu tóc bạc phơ đang ngồi đánh cờ trên mây ngũ sắc, xung quanh có các nàng tiên xinh đẹp múa hát rộn ràng...", T liến thoắng nói.

Nhìn căn phòng chật chội đông người tôi hỏi: "Em sang Nga lâu chưa, làm gì để sống?" - "Em mới sang mấy tháng, may có anh B đồng hương giúp cho chỗ ăn chỗ ở, em phụ anh ấy vài việc lặt vặt, thời gian còn lại là em đi xăm", T đáp.

Theo lời T thì hiện khách xăm chủ yếu là chị em làm nghề mại dâm. T khoe, dưới bàn tay anh, chỉ ít phút là nhũ hoa của chị em sẽ đỏ hồng "như mới". T bảo, T xăm không có giá, ai trả bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, có cô trả một vài ngàn rúp, cũng có cô hay hay, xong việc uống chai bia rồi "tý toáy" một tý cũng “ok”.

T còn nói mình học rất nhiều lò võ, hồi ở Việt Nam được bọn phạm trong tù xếp vào hàng cao thủ, T có thể "bật tôm" mấy vòng mà không thở mạnh. Tôi hỏi T sau này dự định làm gì, không cần nghĩ ngợi, T đáp: "Em đang nhờ anh B cho đăng quảng cáo trên báo để em có thể phát triển nghề xăm. Em muốn trở thành nghệ nhân xăm nghệ thuật ở Nga".

Sau khi ở đây về, mấy ngày sau, trên tờ Nhật Báo - tờ báo lớn nhất của người Việt ở Moskva tôi thấy có dòng quảng cáo: "Chuyên xăm thẩm mỹ cho cả nam và nữ theo Ca-ta-lô với các màu sắc văn hoa tạo hình độc đáo, xóa hình xăm cũ tạo hình mới bằng những kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng nhất". Lòng tôi thấy vui vui...

Mong ngày được... ra tòa

Tôi hỏi: "Em có thích phong cảnh nước Nga không?". An cười: "Trước khi sang đây em có đọc và xem tranh ảnh về nước Nga, em thích lắm, nhưng em sang đây đã hơn hai tháng, ánh mặt trời còn hiếm gặp, nói gì đến ngắm phong cảnh?".

Tôi ngơ ngác: "Sao chưa thấy ánh mặt trời?" - "Vì bọn em ở dưới tầng hầm, đêm nào cũng làm việc khuya, tắm rửa, ăn uống xong thì đã rất muộn, ngủ một giấc, dậy thì đã đến giờ làm... Em cũng định đến ngày "đèn đỏ" tháng này sẽ nhờ người đưa ra phố, chụp một tấm ảnh để sau này về còn khoe mình đã đi Nga."- An đáp.

Để T tiếp tục với công việc của mình, tôi quay sang trò chuyện với nhóm thanh niên bên cạnh. Nổi bật trong số này là một người trung tuổi, gầy gò, da đen, nét mặt khắc khổ, trầm ngâm. Tôi bắt chuyện: "Em tên gì, sao lại ở đây?". Anh ta ngước nhìn tôi vẻ thăm dò, bẻ ngón tay răng rắc rồi trả lời: "Em tên là Đ, quê ở Diễn Châu - Nghệ An, em làm thợ xây dựng ở tận Che - chen, lên đây chuẩn bị về nước". "Sao không làm tiếp mà lại về?", tôi hỏi.

Đ lắc đầu rồi tâm sự: "Gia đình em đông người, một vợ và sáu con, ba trai ba gái. Khó khăn quá nên bọn trẻ phải nghỉ học sớm. Muốn thoát khỏi cảnh nghèo, em quyết định sang Nga. Không có tiền mua vé, em phải vay nóng hai ngàn USD, một ngày trả 120.000 đồng tiền lãi. Sang đây em làm việc vất vả mấy năm, trừ hết chi phí cũng chỉ đủ trả tiền nợ, chẳng dư ra tý nào. May mà chủ nợ thương tình, không lấy tiền lãi nữa, không thì không biết em sẽ thế nào".

Thấy tôi nói chuyện với Đ, người thanh niên có nước da xanh xao ngồi bên cạnh chen vào: "Bọn em làm việc quần quật không nghỉ một ngày nào, 5 giờ sáng đã thức dậy, nấu bát mì ăn qua loa rồi làm từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Về đến nhà đã 1 giờ sáng, ăn thêm chút ít đã 2 giờ, chợp mắt được vài tiếng đã phải dậy, nhiều khi dậy không mở được mắt phải lấy nước lạnh xối lên mặt mới tỉnh được".

Người thanh niên này xòe hai bàn tay, bên cạnh những ngón tay chai sạn có ngón sưng vù lên trông thật đáng thương. "Em làm thợ trát tường nên tay em mới bị thế này. Cũng do thiếu ngủ, thức khuya dậy sớm, ăn uống bữa có bữa không nên em bị đủ các loại bệnh, loét dạ dày, đau thượng vị, sưng khớp chân tay, nhiều khi nghĩ mình sẽ bỏ xác nơi đất khách quê người", người thanh niên nói.

Đ tiếp lời bảo đoàn của anh có gần 20 người, lao động vất vả, ốm đau mà nhiều khi còn không nhận được tiền công. "Thế họ không trả tiền công à?", tôi ngạc nhiên hỏi - "Có chứ anh, họ trả đầy đủ và đúng hẹn lắm nhưng thằng chủ thầu người Việt nhận rồi không đưa cho anh em. Thằng này tên P, đồng hương bọn em, ác lắm, khi nào bọn em hỏi tiền là chỉ 30 phút sau là cảnh sát đến kiểm tra giấy tờ, mà anh cũng biết là bọn em làm gì có giấy tờ tùy thân. Thế là cả bọn bị nhốt một ngày và bị phạt tiền. Cả đội xây được mười một ngôi nhà, tiền công được hưởng là 500.000 rúp, nhưng bị P lấy mất. Không còn tiền, không còn sức nên bọn em phải tìm đường về nước", Đ nói.

Tôi nhìn lại căn phòng, hơn chục thợ xây đầu tóc bù xù, mệt mỏi, quần áo sờn cũ, có chỗ nhìn thấy cả da thịt. Nhìn họ, chẳng ai nghĩ là họ đang ở trời Tây.

"Không có giấy tờ làm sao mọi người về nước được?", tôi hỏi. "Bọn em vét hết tiền lên đây, may có anh B đồng hương giúp cho chỗ ăn, ở và nhờ dịch vụ làm việc với cảnh sát Nga lập hồ sơ, đưa ra tòa xử, vì tội không có giấy tờ tùy thân. Hy vọng sẽ được trục xuất khỏi nước Nga. Chúng em chỉ mong được tòa gọi ra xử sớm để về nước", Đ nói.

Tôi thở dài khi biết để được trục xuất, những người này đã phải mất tới 19.000 rúp, trong đó có tiền vé máy bay, tiền "chi phí" cho công an, tòa án, may mà không phải trả tiền "dịch vụ", nếu không chỉ còn cách ở lại nước Nga.

Khi chia tay tôi, Đ bảo, tất cả anh em chỉ mong được về để có cuộc sống bình thường, về quê dù có khổ đến mấy mình vẫn  là con người.

Bất giác tôi nhìn ra cửa sổ, ngoài kia tuyết đang rơi, cái lạnh đang thấm sâu vào tâm hồn của những người con xa xứ!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Lâm (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN