Những cuộc tìm kiếm bí ẩn trên đỉnh Fansipan

Sự kiện: Thời sự

Sinh ra và lớn lên ở Sa Pa, Đại úy Sùng A Phử, cán bộ Đội Xây dựng phong trào về an ninh trật tự, Công an huyện Sa Pa, Lào Cai thạo địa bàn đến “từng gốc cây, ngọn cỏ”.

Để phục vụ cho công việc, anh còn tự mày mò học hỏi và thông thuộc 4 ngôn ngữ của đồng bào: Kinh, Dao, Tày, Mông. Ngần ấy vẫn là chưa đủ nếu như nhắc đến Đại úy Sùng A Phử mà không biết rằng, anh chính là một trong những cán bộ Công an huyện tham gia nhiều nhất những cuộc tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Fansipan.

“Thời điểm đó, trời mưa tầm tã kéo dài hầu như suốt ngày đêm. Đường đi trơn trượt rất nguy hiểm với nhiều vực sâu, hố lớn, sức gió lại rất mạnh. Chỉ cần một phút sơ sẩy, bất cẩn có thể phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình. Tổ tìm kiếm của chúng tôi gồm 12 người. Một tuần liền chúng tôi phải nghỉ trong các khe đá, tự nấu cơm ăn với rau mét rừng, uống nước suối, dầm mình trong cái mưa lạnh buốt thấu xương trên núi” – chỉ về cánh rừng xanh thẫm phía trước, Đại úy Sùng A Phử nhớ lại cuộc tìm tìm kiếm du khách người Anh Aiden Webb mất tích khi đang chinh phục đỉnh Fansipan diễn ra đầy gian nan, vất vả cách đây hơn một năm. 

Aiden Webb vốn là một vận động viên leo núi chuyên nghiệp. Anh cùng bạn gái đến Sa Pa, Lào Cai với mục đích chinh phục đỉnh Fansipan. Sáng 3-6-2016, Aiden Webb đã bỏ lại bạn gái ở khách sạn, một mình thực hiện công cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Dương”. 

Trong quá trình leo lúi, Aiden Webb vẫn thường xuyên cập nhật thông tin với bạn gái. Tuy nhiên, đến ngày 4-6-2016 thì anh mất hoàn toàn liên lạc. Ngay sau khi nhận được thông tin từ bạn gái của Aiden Webb, gần 200 người trong đó có lực lượng Công an Lào Cai đã được huy động để tìm kiếm Aiden.

Những cuộc tìm kiếm bí ẩn trên đỉnh Fansipan - 1

Một góc Sapa.

Nhận lệnh một cách chóng vánh, Đại úy Sùng A Phử xách balo lên đường mà hành trang chỉ vỏn vẹn có gạo và lương khô. “Với nhiều năm từng tham gia các tổ tìm kiếm nạn nhân mất tích khi leo Fansipan, linh tính mách bảo tôi tình huống xấu nhất có thể xảy ra nhưng tôi vẫn luôn mong điều kỳ diệu sẽ đến với Aiden Webb” – anh Phử nhớ lại. 

Theo kế hoạch đã vạch ra, tổ tìm kiếm của Đại úy Sùng A Phử men theo đường lên Fansipan từ Sín Chải. Thời tiết rất xấu, mưa liên tục trong cái âm u, cô tịch của rừng núi nhưng bước chân của Đại úy Sùng A Phử cùng những người trong tổ tìm kiếm vẫn không ngừng ngơi nghỉ. Các anh liên tục được tiếp tế lương thực, quân trang và đặc biệt là sạc pin dự phòng điện thoại để phục vụ công tác liên lạc trong quá trình tìm kiếm. 

Ròng rã gần một tuần liền ăn ngủ trong rừng, cuối cùng, ngày 9-6, thi thể du khách người Anh Aiden Webb cũng đã được tìm thấy ở một khe nước. Vì sao du khách này lại đi lạc vào khe nước và mất tích ở đây đến nay vẫn còn là một bí ẩn.   

Có lẽ, với những ai sinh sống ở Sa Pa thì mỗi năm ít nhiều họ sẽ được nghe thông tin 1-2 du khách bị mất tích ở Fansipan mặc dù Sa Pa đã ngày càng siết chặt hoạt động chinh phục đỉnh Fansipan của du khách với những quy định nghiêm ngặt như phải có người dẫn đường, phải đăng ký, báo cáo thủ tục với cơ quan chức năng… 

Lý giải về điều này, Đại úy Sùng A Phử chỉ mỉm cười: “Mỗi năm thần núi Fansipan muốn “bắt” một người ở lại với thần núi đó các chị ạ”. 

Anh kể, có những du khách mất tích cả nhiều năm trời thi thể mới được tìm thấy như trường hợp nhà thực vật học người Scotland Jamie Taggart. Vào cuối năm 2013, Jamie Taggart đến Sa Pa với mục đích tìm hiểu về các loại thực vật sinh sống trên cao. Ông đã một mình thực hiện chuyến thám hiểm tại Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn và sau đó mất tích không để lại bất kỳ thông tin nào. 

Lực lượng chức năng đã tổ chức tìm kiếm nhiều ngày, tỏa đi nhiều hướng nhưng không có kết quả. Vụ việc tưởng chừng như trôi vào quên lãng thì tháng 12-2015, trong một lần đi làm rẫy tại chân núi Fansipan, người dân địa phương đã phát hiện một phần thi thể người bị vùi dưới lớp đất đá và họ đã nhanh chóng báo tin cho Đại úy Sùng A Phử. 

“Ban đầu, bà con nghi ngờ đây là xương của con hổ hay một loài vật nào đó. Thế nhưng, khi bắt đầu đào sâu xuống và tìm chúng tôi đã phát hiện ra một mảnh vải quần bò chưa phân hủy hết và cả chiếc túi đựng máy ảnh vẫn còn gần như nguyên vẹn, bình đựng nước bằng nhôm… May mắn thay, những giấy tờ tùy thân còn lưu lại trong túi quần bò. Sau đó, cùng những thông tin khoa học khác đã giúp cơ quan chức năng xác định đây chính là thi thể của nhà khoa học người Scotland Jamie Taggart đã bị mất tích hơn 2 năm trước” – anh Phử nhớ lại. 

Thường xuyên là người có mặt trong các đoàn tìm kiếm nạn nhân mất tích khi chinh phục đỉnh Fansipan, anh Phử nhận định những trường hợp mất tích chủ yếu là đi lạc đường, hoặc vì hiếu kỳ một điều gì đó trên quãng đường đi đã rẽ sang một hướng khác và sơ sểnh trượt chân hoặc lạc vào vùng thác nước mà tử vong. 

Dù là người con của Sa Pa nhưng anh Phử cũng có thể bị lạc đường khi lên Fansipan (kể cả có la bàn) chứ huống chi là du khách. Không chỉ là rừng thiêng mà chính thời tiết quanh năm mây mù, mùa đông tuyết trắng rất dễ làm con người không phán đoán được phương hướng mà đi lạc.

2. Sinh ra tại xã Sử Phán, huyện Sa Pa, tuổi thơ của Đại úy Sùng A Phử gắn với những ngày theo bố mẹ lên nương ngô, nương lúa. Trong ký ức của anh, vào vụ giáp hạt, nhà chỉ có mèn mén ăn qua ngày, bố mẹ thường xuyên chịu cảnh đói bụng để cậu bé Phử được bữa no bữa đói. May mắn thay khi 10 tuổi, anh được bố mẹ cho theo học tại trường dân tộc nội trú tại trung tâm huyện Sa Pa. 

Ngày đó, đường sá đi lại còn rất khó khăn. Từ nhà đến trường cũng phải mất cả một ngày đi bộ. Mỗi lần bố mẹ lên thăm thì mang cho cậu bé Phử được bao gạo, con gà. Nhờ ý chí, sự chăm chỉ nên Phử tiếp tục được học tại Trường Văn hóa I, Bộ Công an. Sau đó, anh có đủ điều kiện và học tại Trường Trung cấp An ninh. Năm 2004, anh về nhận công tác tại Công an huyện Sa Pa.

Để phục vụ tốt công việc, Đại úy Sùng A Phử đã tự mày mò học thêm và thông thạo 4 thứ tiếng là tiếng Kinh, Dao, Tày, Mông. Anh chia sẻ, để giải quyết những vụ việc xảy ra tại địa bàn, điều quan trọng không chỉ là nắm vững những kiến thức nghiệp vụ mà còn phải gần gũi với bà con, hiểu phong tục tập quán, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con dân bản. Muốn đạt được điều này thì không còn cách nào khác, cán bộ Công an phải biết tiếng của đồng bào. 

Được phân công phụ trách địa bàn là xã San Sả Hồ, nơi có đến 99% đồng bào dân tộc Mông vừa là một thuận lợi đối với anh nhưng cũng khiến công việc của anh rất vất vả. Địa bàn tuy không có quá nhiều phức tạp về an ninh trật tự, chỉ xảy ra những vụ việc như trộm cắp, đánh nhau, mâu thuẫn gia đình có khi chỉ vì tranh chấp nhỏ nhặt… nhưng khi giải quyết những vụ việc này đòi hỏi cán bộ Công an phải hết sức khéo léo, hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con cũng như dành nhiều thời gian, đến tận nhà và “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” mới có thể vận động thuyết phục bà con. 

Anh chia sẻ: Lịch làm việc của một cán bộ Công an vùng cao không ngày nào giống ngày nào. Có khi sáng nhận nhiệm vụ xuống bản, nếu gặp vụ việc cần giải quyết thì một tuần, hai tuần thậm chí là cả tháng trời không về nhà là chuyện bình thường. Nếu thời tiết khô ráo thì còn thuận lợi cho việc đi lại, trời mưa có khi gặp sạt lở đất, đường xá đi lại khó khăn mất cả ngày đường. 

Đổi lại, anh được người dân tin tưởng, yêu mến như người con của bản làng. Chẳng thế mà, ở Công an huyện Sa Pa, khi nhắc đến Đại úy Sùng A Phử, mọi người vẫn thường nghĩ ngay đến một cán bộ Công an có tài vận động, hòa giải, đối thoại với người dân.

Xã San Xả Hồ nằm trong khu du lịch Sa Pa nên những năm gần đây, diện tích đất thu hồi phục vụ cho các dự án phát triển du lịch ngày càng mở rộng. Cũng chính từ việc bị thu hồi đất đã nảy sinh ra những câu chuyện dở khóc dở cười, thậm chí là… vô lý mà nếu không có sự khéo léo của Đại úy Sùng A Phử thì có lẽ sự việc không thể giải quyết vừa nhanh vừa thấu tình đạt lý đến như vậy. 

Đại úy Sùng A Phử kể: Năm 2013, diện tích đất lấy để làm dự án cáp treo Fansipan đi qua ruộng thảo quả của bà con tại thôn Sín Chải. Chỉ với 14 cây thảo quả, ông Hạng A P đòi bồi thường 500 triệu đồng - một con số không tưởng. Không chịu đối thoại với đơn vị đầu tư, ông chỉ chấp nhận nói chuyện số ít người trong đó có Đại úy Sùng A Phử. Bằng kinh nghiệm, sự khéo léo, ròng rã hàng tháng trời, Đại úy Phử đã thuyết phục ông đồng ý mức bồi thường xuống còn 40 triệu đồng.

Hơn 10 năm công tác tại Công an huyện Sa Pa, Đại úy Sùng A Phử đã nhận được rất nhiều bằng khen của Ban Giám đốc Công an tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai. Đặc biệt, năm 2011, anh còn vinh dự nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Đây thực sự là những phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi vì an ninh trật tự cơ sở của Đại úy Sùng A Phử.

Thực hư SV mất tích ở Fansipan bị bắt cóc

Trước những thông tin nghi ngờ em Ánh có khả năng bị bắt cóc đưa qua biên giới, lãnh đạo UBND huyện Sapa đã lên tiếng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hương - Trần Hằng (Báo Công an nhân dân)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN