Nghề “săn băng” vùng Cực

Việc khai thác băng trôi phải được chính quyền tỉnh cấp phép. Đây hoàn toàn không phải là một vụ “ăn hàng lậu”.

Đi “thu gom” và khai thác các tảng băng trôi quý giá tại vùng Cực không phải là một công việc dễ dàng, song đó lại là một ngành kinh doanh béo bở mang lại lợi nhuận cao, bởi nhu cầu nước tinh khiết lấy ra được từ các tảng băng trôi hiện đang bùng nổ tại vùng đất lạnh giá này của Canada.

Người ta thường phải dùng đến những tấm lưới khổng lồ để “vây bắt” các khối băng, đôi khi phải nhờ đến các “cánh tay thủy lực” từ tàu kéo, hay thậm chí phải dùng súng cacbin hay cưa máy để phân nhỏ ra các khối băng lớn.

Chân dung người “săn băng”

Cứ mỗi mùa hè đến, ông Ed Kean, nhắm hướng Bắc Đại Tây Dương mà thẳng tiến. Ông đi để lấy về cho bằng được những “mảnh” băng trôi được tách ra từ các núi băng của Greenland và trôi dạt về hướng tây nam. Ông làm việc này để cung cấp nguyên liệu sản xuất cho một xưởng sản xuất rượu vodka, một xưởng nấu bia, một doanh nghiệp sản xuất rượu nho và cả một nhà sản xuất nước đóng chai. Tất cả doanh nghiệp này đều sử dụng loại nước đã được lưu giữ từ hàng ngàn năm trong các khối băng vùng Cực và họ đều quảng bá rằng đây là loại nước “tinh khiết nhất hành tinh”. Cũng theo lời của các chủ doanh nghiệp này, nhu cầu về nguồn nước sạch từ băng không ngừng tăng lên, song việc khai thác chúng ngày càng khó khăn hơn.

Lang thang đâu đó trong khu vực nằm giữa đảo Random và hồ Deer, ngay sau thời điểm mấy chú nai Bắc Mỹ vừa xuất hiện nhưng gấu nâu vẫn còn khuất dạng, chuông điện thoại di động của ông Ed Kean đổ dồn, có tin báo: Đang có hàng chục tảng băng trôi đã được “định vị” trong khu vực ngoài khơi bờ biển phía bắc đảo Newfoundland (một đảo lớn nằm ngoài khơi bờ biển phía đông của Bắc Mỹ). Thế nhưng vẫn chưa tin, ông Kean tiếp tục chuyến đi của mình, ông giải thích: “Phải chính tay mình đến kiểm tra cho chắc ăn, vì người ta báo cho tôi đủ loại tin bá láp!”. Giờ đây, ông Kean luôn phải “quyết đấu” với các tảng băng trôi, khi giá nhiên liệu di chuyển ngày càng tăng cao, mà công việc của ông lại bị nhiều hãng du lịch chỉ trích mạnh mẽ, họ cho rằng ông đã “gặm nhấm” dần phong cảnh thơ mộng tại khu vực có các tảng băng trôi, nơi mà du khách rất thích đến chiêm ngưỡng.

Nghề “săn băng” vùng Cực - 1

Thợ “săn băng” Ed Kean có bộ dạng y như một thủy thủ con nhà nòi.

Gian nan nghề “săn băng”

Cứ vào mỗi mùa xuân, trước khi lên đường ra khơi, ông Kean đều phải đi tiền trạm để vạch ra lộ trình cho chiếc tàu kéo Green Waters đi “săn băng”. Vì thế, ngay từ tháng 5 hằng năm, ông đã phải lặn lội đến hơn 1.500 km từ thành phố St. John’s, nơi ông đang sinh sống, đến tận phía bắc của tỉnh Newfoundland và Labrador để đánh dấu các khối băng nào là hứa hẹn nhất cho mùa “săn” sắp đến. Đồng thời, ông cũng đã tiếp xúc bạn bè và nhiều người quen sống tại các khu làng chài ven biển để có được những thông tin chính xác nhất về băng trôi. Trên đường đi, ông cũng liên tục gọi điện thoại về cho vợ. Vợ ông lúc đó đang ở nhà lên mạng theo dõi các trang web về băng vùng Cực, chẳng hạn trang web icebergfinder.com.

Thế rồi, một khi đã tìm thấy một tảng băng trôi như ý, ông sẽ dùng kinh nghiệm của mình để “vẽ” ra lộ trình trôi của tảng băng đó, kể cả việc ông phải dự đoán được thời điểm mà tảng băng sẽ “cập bến” tại một khu vịnh hay một vũng cạn. Xong đâu đấy mọi chuyện, ông quay về nhà, chuẩn bị tàu thuyền và huy động nhân công để lên đường. Và hẳn nhiên, việc khai thác băng trôi này phải được chính quyền tỉnh cấp phép. Đây hoàn toàn không phải là một vụ “ăn hàng lậu”.

Nói chung từ trước đến nay, ông Kean luôn cố gắng tìm được đủ lượng “hàng” để cung cấp cho các mối ruột của mình, thậm chí ngay cả trong thời điểm nhu cầu cao nhất. Ví dụ, ông Hugh McDermott, Tổng Giám đốc hãng bia Quidi Vidi Brewing tại thành phố St. John’s, đã không ít lần than phiền rằng hãng ông không đủ nước tinh khiết để sản xuất bia Iceberg cung cấp cho thị trường nội địa trong suốt mùa hè.

“Chúng thật sự rất tinh khiết”

Xét về mặt thiên nhiên, “nước này” sạch và tinh khiết hơn “nước bình thường”!

David Myers - chủ hãng “Canadian Iceberg Vodka” tại Toronto - khẳng định rằng hãng ông đang ăn nên làm ra. Trong danh sách các khách hàng ruột của “người phá băng” Kean, còn có doanh nghiệp chế biến rượu nho Auk Island Winery và nhà máy sản xuất nước uống đóng chai Berg Water, cả hai đều đặt tại Newfoundland và luôn lấy “hàng” (nước sạch từ băng trôi) từ ông Kean. Tất cả doanh nghiệp đó đều quả quyết rằng loại nước được lấy ra từ các khối băng này đã được lưu giữ qua nhiều thế kỷ, tránh xa nguồn ô nhiễm từ không khí và nước biển, cho nên đương nhiên sẽ sạch hơn nước lấy từ các nguồn khác trong tự nhiên. Và họ luôn đưa các mẫu nước này đi kiểm nghiệm để bảo đảm độ vệ sinh an toàn.

Mark Serreze - giám đốc Trung tâm Quốc gia về dữ liệu về tuyết và băng tại ĐH Colorado, tại Boulder, không tiến hành các thao tác kiểm nghiệm, mà khi nhìn các khối băng tách ra từ các chỏm băng tại Greenland, ông khẳng định: “Chúng thật sự rất tinh khiết”.

Vào mùa đông, ông Kean cũng có được những nguồn thu nhập khác như làm hướng dẫn viên cho các đoàn xe trượt tuyết, đi nhặt và vận chuyển các dụng cụ bằng kim loại cũ. Song giờ đây ông thường dành nhiều thời gian hơn trong năm để đi “săn băng”, mà nếu có những năm “được mùa”, ông có thể kiếm được vài trăm ngàn đôla. Khi ra biển, ông dùng xẻng hoặc đôi khi là tay không để tách những “mảnh” băng nhỏ ra khỏi các khối băng lớn, những “mảnh” băng này đôi khi có kích thước cỡ bằng một chiếc xe hơi nhỏ. Rồi ông dùng tời kéo chúng lên thuyền, mang chúng về nhà để “rã đông” và dự trữ lượng nước đó, chờ ngày giao hàng.

Cách đây vài năm, khi chưa có nhiều các “mảnh” băng nhỏ trôi nổi trên mặt biển như hiện nay, ông Kean đã phải dùng súng cacbin nã vào các khối băng lớn để chúng “nát” ra thành những “mảnh” nhỏ, còn giờ đây, khi gặp các khối băng lớn, ông sử dụng “cánh tay thủy lực” từ chiếc tàu kéo của mình và cuối cùng là dùng rìu hoặc cưa máy để phân chúng ra thành những “mảnh” nhỏ.

“Bà mẹ Thiên nhiên có thể rất khắc nghiệt”

Bà Cecil Stockley, Giám đốc Công ty Iceberg Man Tours tại Twillingate, đưa ra yêu cầu rằng ông Kean khi hành nghề phải tránh xa các khu làng chài ven biển và các khu khai thác du lịch, “để du khách không thể nhìn thấy ông ấy đang phá vỡ các khối băng ra thành từng mảnh nhỏ”.

Về phần mình, ông Kean đáp lại rằng lượng băng mà ông khai thác là quá nhỏ so với kích thước của cả khối băng khổng lồ và ông sẽ cố gắng tránh xa các khu du lịch.

Mới đây, trong một chuyến đi tìm băng trôi trên biển, ông Kean đã vượt qua vài trăm cây số đến tận thành phố nhỏ Conche. Trong lúc đi, ông đã dừng lại nhiều lần, dùng ống nhòm quan sát mặt biển. Một màn sương dày đặc đã che khuất tầm nhìn của ông. Trên đường về, ông đã tạt qua nhà một người quen: “Anh có thấy mấy khối băng mới nhất lảng vảng ở đây không?”. Ông bạn lắc đầu. Thế nhưng khi đang trên đường trở về nhà, ông Kean chợt nhận ra hình như có một tảng băng nhỏ đang trôi. Ông bước đi đến một khoảng cách gần nhất có thể được để quan sát. Đúng là có ba tảng băng nhỏ nhưng chúng quả là quá nhỏ, không đáng để ông dong thuyền ra đó một lần nữa, vì sao? Bởi các tảng băng này có thể sẽ tan chảy hết trước khi chiếc tàu kéo của ông “lôi” chúng được về tới bờ.

Cũng trong khoảng thời gian đó, một nguồn tin khác cũng báo cho ông biết đang có một khối băng đang trôi cách đó vài trăm cây số về phía nam. Ông Kean lại tức tốc lên đường, song khi đến nơi, ông thấy chẳng còn gì cả! Thế là ông quyết định quay thuyền về mà trong bụng nghĩ rằng mùa hè năm nay chắc ông phải rong ruổi lên tận phía bắc, đến tận Labrador thì may ra mới có thể tìm thấy băng trôi. Ông buông một câu: “Bà mẹ Thiên nhiên có thể rất khắc nghiệt!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Nguyễn (The Wall Street Journal)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN