Làng "biến đá" nở hoa

Cách đây không lâu, Hiệp An chỉ toàn đá và đá. Đá lớn đè đá bé, đá mẹ cõng đá con. Giờ đây, đá đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là những vườn hoa trải dài khoe sắc tỏa hương. Hoa Hiệp An ngập tràn ngay cửa ngõ vào “vương quốc hoa” Đà Lạt

Nếu nhạc sĩ Ngọc Khuê nổi tiếng với ca khúc Mùa Xuân, làng lúa làng hoa - cái tứ bật lên giữa chiều đông Hà Nội, khi ông đạp xe thăm tri kỷ phía Xuân La, Xuân Đỉnh - thì xứ cao nguyên của tôi, nhiều tác phẩm phiêu bồng với làng đá, làng hoa Hiệp An gắn với hình ảnh của thời khai sơn phá thạch.

Vung cuốc là gặp mầm đá

Hôm tôi đến xã Hiệp An, huyện Đức Trọng - Lâm Đồng, trời đãi cho xứ mù sương này một bữa nắng ngạt ngào, hiếm hoi giữa tâm điểm mùa mưa Tây Nguyên. Nắng lên muộn mà hao hanh đến lạ kỳ. Nắng lên từ phía nghiêng nghiêng của những chiếc nón cô gái nhà vườn. Tôi dừng lại khoảng giữa dãy núi Voi, thôn Định An, xã Hiệp An.

Làng "biến đá" nở hoa - 1

“Người đương thời” Trần Thị Tiến thu hoạch hoa thiên điểu

Với một thói quen xưa cũ, tôi ghé vào UBND xã Hiệp An hỏi thăm về làng đá giờ đã thành làng hoa. Anh cán bộ khuyến nông ngập ngừng chỉ tôi vào gặp lãnh đạo xã. “May quá. Ở đây, phó chủ tịch UBND xã Lê Thị Hà rành “món” này lắm! ” - ông Hoàng Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Hiệp An, nói sau dăm ba câu trao đổi. Rành là phải, bởi gia phả gia đình của chị Hà được gắn với thuở khai sơn, phá thạch ở xứ này.

Như bắt được mạch nguồn, chị Hà bắt đầu câu chuyện: “Cha mẹ tôi từ miền Trung vào xứ này năm 1965 và định cư ở thôn Định An từ đó đến nay. Có lẽ cái tên làng cũng gắn với phận người. An cư lạc nghiệp mà” - chị ví von. Xưa, lúc họ mới vào, vùng này hoang vu lắm, cách hơn cây số mới lấm tấm một nóc nhà. Cây cối rậm rạp, ít ai dám đi một mình, một phần sợ Fulro, phần lo thú dữ. Ít thì ít nhưng mọi người sống chan hòa với nhau.

Đường cái (Quốc lộ 20 bây giờ) và những mỏm đá là nơi tụ tập của trẻ nhỏ trong làng với trò đánh trận giả, ú tìm… Sinh ra và lớn lên ở xứ này nhưng âm Quảng vẫn chan chứa trong chất giọng của chị Hà. Lần giở ký ức, chị bảo: “Xứ này ít đất, nhiều đá. Vung cuốc lên là gặp mầm đá, ấy thế mà sỏi đá cũng đã nở hoa”.

Chúng tôi đang dở câu chuyện thì có người vào. Đó là ông Từ Văn Sậu, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp An. “Anh tìm hiểu làng đá chứ gì?” - ông hỏi. Tôi chưa kịp trả lời thì ông Sậu đã mau mắn: “Đá ở đây giờ chẻ làm nhà, làm kè cả rồi. Người ta đã đục đẽo hơn 20 năm rồi còn gì.

Theo ông Sậu, nhiều người gọi đây là làng đá cũng chưa xứng, phải gọi là “cao nguyên đá” mới phải. “Đá thì đá nhưng trước ngày đất nước thống nhất, hoa ở đây vẫn được xuất đi Sài Gòn quanh năm. Rồi 5 năm đầu sau ngày giải phóng, dân phá hết hoa, trồng cây lương thực. Họ nghĩ đất nước thống nhất rồi thì không ai chơi hoa nữa. Sau đó một thời gian, nghề trồng hoa mới dần trở lại… Nổi tiếng như các hộ Mười Hương, Năm Tấc, Ba Trung, Nghĩa Hiệp, Bảy Mốc… giờ là những hộ khá giả ở làng này” - ông hào hứng.

Rời UBND xã Hiệp An khi ký ức về làng đá chưa dứt nhưng tôi cũng đành chịu. Mặt trời đã lên cao, những đóa lay ơn của nhà ai chưa kịp thu hoạch đang nở rộ. Xa xa, ai đó có lẽ đang cắt vội hoa ra bán ven đường cho du khách để kịp đi buổi chợ trưa. “Nhà anh Thành chẻ đá ở đâu ạ?” - tôi hỏi một chị bán hoa. “Ở đây chỉ còn mỗi “lão” Trương Văn Thành, 42 tuổi, quê Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, là còn giữ nghề đá” - chị bán hoa niềm nở.

Xuyên qua những trại hoa nhà kính đi về phía núi Voi, tôi dừng lại. Một đứa bé chừng 8 tuổi đang bắt rận cho đàn bò ngoài sân gọi giật giọng: “Ba ơi, có ai tìm nè!” .

Đánh thức đồi hoang

Dường như biết ý định của khách, anh Thành thổ lộ: “Tôi vào đây gần tròn 20 năm rồi. Vợ tôi cùng gốc Quảng Ngãi nhưng sinh trong này. Biết quê tôi có nghề chẻ đá, bà ấy mới “dụ” tôi vào, thế là dắt díu nhau đi. Quả thực, ngày mới vào, ở đây mênh mông là đá. Đá mọc từ ngoài quốc lộ vào tận chân núi, thấy mà thích”.

Xắn tay áo để lộ cánh tay sần sùi, đầy sẹo do đá văng, anh Thành cho biết: “Đá ở đây cứng lắm, nhiều thợ đến làm không nổi phải bỏ đi, chỉ còn lại tôi cắm lại đây làm riết. Phải làm cho đá ra hoa mới thôi”.

Làng "biến đá" nở hoa - 2

Anh Trương Văn Thành giúp bà con vỡ đá trồng hoa

Những cụ già ở vùng này cho hay hầu hết những người đến nhập cư dưới chân núi Voi này đều là dân nghèo, không đủ tiền tậu đất “sạch” nên đành phải bỏ sức lao động. Ngày ngày, tháng tháng, cả nhà từ lớn đến bé cần mẫn chẻ, đục, khiêng, vác để có đất cho cây đâm rễ. Tảng lớn thì thuê thợ làm. Đá xấu làm kè ở vườn, đá đẹp thì dành dụm cất nhà… Cứ thế, vườn cũng rộng ra, nhà cửa mọc lên, đá “đụng” vào chân núi Voi, lùi đến đâu, hoa trải dài đến đó.

Men theo kè đá dài thăm thẳm, tôi gặp anh Nguyễn Văn Tân. Bước theo Tân trên những lối lay ơn đang chúm chím nụ mùa thu hoạch, không biết tôi hỏi để làm gì nhưng anh không ngần ngại: “Tôi quê Quảng Ngãi, dắt díu vợ con vào đây hơn 20 năm rồi. Vào trễ và ngặt quá nên phải khai hoang. Ban đầu tôi trỉa bắp, trồng mì trên những lèn đá, khi dọn đá sạch vườn mới chuyển sang trồng hoa. Cũng lắm gian truân nhưng sướng gấp bội làm nông ở quê”. Nói đoạn, anh nhìn xa về phía cuối kè đá đang ngồi rồi chỉ tay về phía núi, giới thiệu: “Bên đó có một “người đương thời” đấy”.

Tôi liền đến nhà ông Mười Hưng (52 tuổi, quê Quảng Ngãi), người được mệnh danh là “kẻ đánh thức đồi hoang”. Quả thực, điều ấn tượng đầu tiên đến với tôi không phải là vườn thiên điểu đang mùa thu hoạch mà là đá. Đá bao quanh vườn nhà ông Mười Hưng hun hút như trường thành. Dài lắm, dài hơn quãng thời gian 23 năm ông “liều một phen” đưa vợ và 3 đứa con thơ vào mảnh đất này. Ông Mười Hưng bộc bạch: “Đây mới phần nhỏ thôi, phần lớn đã dành làm móng nhà và làm đường làng”.

Ông Mười Hưng cho biết ngày đó, dù chỉ có chiếc xe đạp và vài chục ngàn đồng nhưng gia đình vẫn đón xe vào Lâm Đồng. “Hên xui à! Vào đây, thấy ông Mười Út đề bảng “bán rẫy đá”, thế là tôi vay một chỉ vàng mua lại 5 sào vườn đá này. Ngày ngày, vợ chồng xúm lại vỡ đá, mở vườn. Đứa con gái đầu lòng 8 tuổi một buổi đi học, buổi kia giúp cha lăn đá, cạy đá. Hết ngày rồi lại đêm, đục, cạy đến bật máu tay. Rốt cuộc, trời cũng không phụ lòng người” - ông nói.

Tôi thắc mắc về lời giới thiệu của anh Tân, ông Mười Hưng cười: “Người đương thời” trên tivi cách đây 7 năm không phải là tôi đâu. Đó là “người đàn bà bắt đá nở hoa” Trần Thị Tiến, bà xã tôi đó”.

“Cao nguyên đá” tỏa hương

Không cần lật sổ, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp An Từ Văn Sậu vẫn nhớ như in rằng từ năm 1993 về trước, hoa chỉ lác đác ở vài hộ, chủ yếu người dân trồng lúa, bắp và mì. Năm 1994 tách xã, đồng thời có giống hoa ngoại nhập, khi đó làng hoa mới rộ. “Bà con chuyển diện tích trồng lúa một vụ sang trồng rau, hoa.

Tính sơ sơ, 1 ha lay ơn (1 vụ 4 tháng) cho thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng, 8 tháng còn lại trồng rau được thêm 200 triệu đồng nữa, cuộc sống bà con đã tạm ổn” - ông Sậu cho biết. Nói là “tạm ổn” nhưng tôi biết đó là kết quả mà nhiều người ước mơ.

Xã Hiệp An có 6 thôn, phân nửa là đồng bào Cil sinh sống, với 11.000 người. Đất nông nghiệp hơn 5.500 ha, trong đó diện tích canh tác hoa mùa cao điểm khoảng 600 ha, rau và hoa công nghệ cao là 50 ha. Thu nhập bình quân toàn xã khoảng 27 triệu đồng/người/năm. Vùng chuyên canh hoa thì cao hơn gấp bội.

Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thị Hà nhẩm tính: “Mới đó mà vườn lay ơn của anh Tân giờ đã mở rộng hơn 3 sào, ông Mười Hưng có 5 sào chuyên hoa thiên điểu, nhà anh Sậu đã chuyển hơn 3 sào đất làm nhà kính để sản xuất rau, hoa cao cấp… Còn nhiều lắm, ở đây nhà nào cũng trồng hoa”. Cả xã có hơn 100 hộ có ô tô, chưa kể máy cày.

Chiều đã buông mành, núi Voi dường như xa hơn. Những vườn hoa ở dưới chân núi vẫn tấp nập du khách, vẫn những chuyến xe đang chờ đóng hàng hoa Hiệp An tỏa về tứ xứ. “Cao nguyên đá” đã lùi vào dĩ vãng hoặc cũng có thể đá chưa kịp mọc lên. Không còn tiếng chẻ đá, chỉ mênh mang hương hoa ngạt ngào…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hoa Bảo (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN