Khóc - cười dịch vụ “ăn theo” Euro

Lẽ thường, mỗi dịp Euro, World Cup là thời điểm các dịch vụ “ăn theo” hốt bạc, nhưng mùa hè năm nay lại khác.

Mong ước “kỷ niệm xưa”

Không chờ đến khi Euro 2012 khởi tranh, mà từ trước đó khá lâu, tình trạng ế ẩm ở các hàng quán đã trở nên phổ biến do khủng hoảng kinh tế. Dạo một vòng qua đường Xã Đàn mới (Đống Đa, Hà Nội), dễ nhận thấy tình cảnh chung của gần chục quán bia là nhân viên ngồi không la liệt, mặt buồn rười rượi!

Trong tiếng thúc giục của người quản lý đứng dậy làm việc cho có vẻ nhộn nhịp, Tú (quê Thái Bình) - nhân viên trông xe nói nhanh với người viết:

“Hồi World Cup 2010, em cũng lên Hà Nội làm phục vụ ở quán bia. Ăn uống, nơi ngủ đều chủ nhà lo, kết thúc 1 tháng làm việc, xoàng như em cũng nhận được 4-5 triệu đồng (kể cả thưởng, bo) do khách ra vào tấp nập để vừa uống bia, vừa xem bóng đá. Tưởng dịp Euro này cũng thế, ai ngờ…”.

Chính lịch thi đấu của Euro 2012 rơi vào khoảng thời gian “hiểm”: 23 giờ (trận đầu) và 1 giờ 45 (trận muộn) nên nhiều CĐV lựa chọn cách xem bóng đá ở nhà cho… lành.

Khóc - cười dịch vụ “ăn theo” Euro - 1

Quán cafe trên đường Triệu Việt Vương “vô cảm” với EURO nhưng vẫn đông khách nhờ “thương hiệu”

Thức đêm nên chuyện dậy muộn là không tránh khỏi, thêm nữa thời tiết lại quá nắng nóng, bia không giữ đủ độ lạnh nên các chủ quán đều phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”: “Nhiều quán đã mở từ lâu rồi còn phải chịu cảnh ế ẩm nữa là. Quán mình mới mở được gần 1 năm, có người ra người vào, tính đi tính lại vẫn đủ tiền thuê địa điểm, trả lương cho nhân viên là tốt rồi” - anh Hoài - chủ quán bia số 2 Cửa Bắc nói.

Không riêng gì các quán bia, ngay cả dãy cửa hàng bán đủ loại đồ thể thao nằm ở phố Trịnh Hoài Đức dịp này cũng lưa thưa khách. Chị Thùy (quê Phú Thọ) - nhân viên một cửa hàng hiếm hoi giữ được lượng khách ổn định cho biết:

“Các cơ quan nhân dịp Euro đua nhau tổ chức giải thể thao nên đặt hàng với số lượng lớn (được giảm 10-20%), chủ yếu là áo của các đội Man City, Chelsea, chứ áo của các đội tuyển dự Euro không bán được nhiều. Khách hàng lẻ hầu hết chỉ mua đồ bơi để đi bơi, nghỉ mát”.

Ăn nhau ở “thương hiệu”

Nói vậy không có nghĩa là tất cả các dịch vụ “ăn theo” Euro đều vắng khách. Nằm ở trong ngõ, ở một vị trí rất khuất nhưng quán bia hơi Đức Henninger của ông chủ Thịnh “lơ” vẫn đông khách.

Ông chủ cho hay: “Đến đây phần lớn đều là khách quen, anh em giới thiệu nhau biết. Nhiều người có thâm niên nhậu ở đây từ khi mới mở quán. Nể khách lắm chúng tôi mới phục vụ đến giờ chót (23 giờ), chứ không xem trực tiếp các trận Euro. Vậy mà khách chỉ có tăng chứ không giảm so với trước”.

Dù vào giữa trưa nhưng quán “vỉa hè” cà phê Thái (trên đường Triệu Việt Vương) vẫn nườm nượp khách. Anh Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) - một khách quen của quán tâm sự:

“Nhiều hôm bận việc lắm nhưng như một thói quen, tôi thường rẽ qua đây uống ly cà phê. Đôi khi chẳng hẹn mà gặp những người bạn cùng chung sở thích cà phê-bóng đá. Tính ra 3-4 người ngồi cả buổi chỉ mất khoảng 50-60 nghìn đồng là thoải mái, lại mát mẻ, tha hồ bình luận Euro xả stress rồi hẹn nhau ở nhà ai đó xem những trận hay vào ban đêm”.

Nằm ở một địa điểm khá đẹp, cà phê The Big One (Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn rất đông khách vào thời điểm này. Nhưng theo anh Cương-quản lý The Big One thì nguyên nhân không phải… nhờ Euro: “Chúng tôi đã tổ chức xem trực tiếp 2-3 trận đầu nhưng không có nhiều người xem, nên thôi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Đức (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN