Hơn 30 năm nằm ngửa đan thúng
Sau một tai nạn lao động, anh phải nằm một chỗ. Đã có lúc anh muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho mình và trút bỏ gánh nặng cho người thân... Nhưng rồi bằng một nghị lực phi thường anh đã “đứng lên” bằng tất cả niềm khao khát và tình yêu cuộc sống. Người đàn ông mà chúng tôi nói tới là anh Nguyễn Hải Yến (SN 1959), làng Nhân Hậu, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).
Tai nạn bất ngờ
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào căn nhà nhỏ của vợ chồng anh chị Hải Yến là hình ảnh người đàn ông có khuôn mặt nghệ sỹ nằm trên chiếc giường tre với giọng nói dễ nghe “tôi là Yến đây, các chú ngồi mời nước. Thông cảm cho tôi không tự tay rót được nước nhé”. Lời nói của anh làm tôi cảm động. Rồi anh kể về cuộc đời, về công việc, về gia đình trong một cuộc trò chuyện xen lẫn nỗi buồn vì bất hạnh của bản thân, về niềm vui của một nghị lực vượt khó, một mái ấm gia đình yêu thương...
Nguyễn Hải Yến, sinh ra có tố chất thông minh chăm học sáng dạ với nhiều tài lẻ như viết chữ vẽ tranh đẹp nên đã nhiều lần đi dự thi khắp nơi. Cậu học trò Hải Yến là niềm hi vọng của bố mẹ người thân. Thế nhưng cuộc đời trớ trêu một tai nạn ập đến đã khiến cậu học trò tàn phế suốt đời.
Nằm bất động trên chiếc giường tre, gạt giọt nước mắt hòa quyện với giọt mồ hôi lăn dài trên gò má, anh Yến kể lại: “Một lần (khi đó 11 tuổi) theo cha vào rừng chặt tre để về đan lát. Lúc đang chặt, không may bị cành tre đâm vào cột sống lưng. Hốt hoảng mình đưa tay rút cành tre ra, kéo theo một đoạn gân trắng, máu chảy rất nhiều.
Anh Nguyễn Hải Yến nằm đan lát như thế này đã hơn 30 năm nay
Rồi vì chủ quan nên sau đó vết thương đã bị nhiễm trùng, rồi biến chứng hậu quả là căn bệnh bại liệt ập đến sau một lần ngâm mình dưới nước lụt thu dọn đồ đạc, đôi chân từ đó ngày một teo tóp lại. Nhiều lần gia đình gom góp tiền đem đi thăm khám ở các bệnh viện nhưng bác sỹ kết luận bị lao xương, viêm đa khớp, vĩnh viễn không cứu được đôi chân nữa. Từ đó cái giường và chiếc xe lăn đã trở thành người bạn tri kỷ”, anh Yến nghẹn ngào.
Anh tủi thân khi ngày ngày nhìn cảnh người mẹ già tận tụy chăm sóc con bại liệt trên chiếc chõng tre, anh Yến thấy mình như một người thừa, rơi vào tuyệt vọng. Đã bao lần anh phó mặc cho số phận, tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình và trút được gánh nặng cho người thân.
Bản năng trỗi dậy
Bao đêm anh nằm nghĩ về cuộc sống và ý chí con tim đã đánh thức bản năng hãy đi tìm một cuộc sống để lấp đi tật nguyền của mình. Bỏ qua những mặc cảm, tự ti anh quyết tâm tập luyện. Mỗi lần cử động những ngón tay, nơi khóe mắt anh lại ứa lệ vì đau đớn. Cứ mỗi ngày một tí, dần dà những ngón tay đã bắt đầu cử động được.
Vốn gia đình có nghề truyền thống đan lát nên anh Yến quyết định sẽ theo đuổi nghề này. Với đôi bàn tay khéo léo, anh Yến dồn hết sức mình để học bằng được cái nghề mà mình đeo đuổi. Nhưng nghĩ thì dễ nhưng làm thì khó ngàn lần bởi với một người bình thường, việc chẻ tre và đan lát đã rất khó, nhưng với người tàn tật thì việc đó còn khó hơn nhiều. Phải mất một thời gian khá dài anh mới làm quen dần với những thao tác cơ bản nhất của công việc. “Ngày đầu tập làm nghề tôi nghĩ là mình không thể làm nổi, lần đó có lúc cả buổi mà chỉ tuốt được một sợi nan mà mồ hôi ướt đẫm mấy chiếc áo. Có khi cánh tay không vững vẫn cố cầm con dao để chẻ nan mà suýt nữa rơi trúng người. Nhưng tôi không bỏ cuộc cứ miệt mài tập luyện và thành tích của mình ngày một tăng lên đó...”, anh Yến cười mãn nguyện. Theo anh giờ đây nếu tính trung bình mỗi ngày anh có thể hoàn thiện một chiếc thúng (tính từ công đoạn chẻ tre, vót nan, đan, uốn nắn...) vững chắc ai cũng phải khen.
Tận mắt chứng kiến cảnh anh nằm ngửa đan một chiếc rế, tôi khâm phục anh biết nhường nào. Tất cả các công đoạn từ việc chẻ tre, vót nan, rồi đến việc đan, lận, anh đều làm thoăn thoắt. Trên chiếc giường cũ kỹ, hàng ngày anh vẫn miệt mài với công việc của mình. Chỉ với một con dao, trải một tấm vải để chống bụi, đôi tay co quắp mãi không thôi ngừng nghỉ. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến với anh để chia sẻ, đồng cảm yêu thương.
“Anh nằm giơ hai cánh tay lên làm việc cả ngày như thế có mỏi không?”, tôi hỏi. Anh Yến cười: “Kể ra thì chính tôi cũng thấy lạ, tôi có thể giơ đôi tay của mình làm việc liên tục như thế này suốt cả ngày mà không hề thấy mệt mỏi. Hầu hết nhiều người đến xem đều thán phục mà nói rằng, nếu người khỏe mạnh nằm ngửa trên giường mà giơ hai cánh tay lên trời thì cùng lắm cũng chỉ được khoảng 30 phút đồng hồ là mỏi rũ...”.
Tình yêu cổ tích
Cái tài anh Yến đan lát thì không ai không nể phục, nhưng hơn thế nữa mọi người còn cảm phục hơn về mái ấm của gia đình của người đàn ông tàn tật này. Giờ đây cả làng cả xã nơi đây hỏi ai cũng kể thông thuộc về mối tình của anh chị Hải Yến.
Tuy bị tàn phế nằm một chỗ, nhưng với đôi bàn tay tài hoa và giọng nói lưu loát chàng trai Hải Yến đã gây sự chú ý cho nhiều cô gái làng trong làng ngoài. Ngày đó chị Lê Thị Dần, một người phụ nữ quê ở Anh Sơn - Nghệ An cũng đã từng một lần “lỡ bước sang ngang”, nên hiểu hơn ai hết cuộc sống buồn tủi, nỗi cô đơn. Bị chồng bỏ rơi khi chị mang thai đứa con gái đầu lòng, chị Dần từ đau đớn đến chỗ an ủi mình phải sống mạnh mẽ để một mình nuôi con. Câu chuyện tình buồn và nghị lực của chị Dần đã đến tai anh chàng Yến. Như duyên tiền định, anh chị tìm đến với nhau. Những ngày đầu, những lá thư anh viết, nhờ anh họ trong làng gửi qua cho Dần để chia sẻ, đồng cảm. Những cánh thư đi qua đi lại rồi tình yêu đến lúc nào không hay. Để có được những ngày hạnh phúc như hôm nay, anh chị cũng đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Từ lời dèm pha của mọi người đến việc gia đình phản đối. Bỏ qua những định kiến, những lời bàn tán không hay năm 1993, anh chị quyết định tiến tới hôn nhân.
Cầm chiếc khăn tay nhỏ nhắn chấm giọt mồ hôi lăn trên má chồng, chị Dần tâm sự: “Dù anh nghèo, dù anh không đi lại được, nhưng mình yêu ở nghị lực vươn lên của anh và hơn ai hết anh ấy đồng cảm, chia sẻ với những nỗi đau mà mình cũng từng trải qua. Anh ấy là một người chồng, người cha yêu vợ thương con. Tôi chưa bao giờ hối hận khi đã quyết định đến với anh. Ngày ngày được nhìn thấy anh khỏe mạnh là tôi hạnh phúc biết nhường nào”.
Còn anh Yến thì với nụ cười hạnh phúc: “Trong mơ tôi vẫn không nghĩ mình lại có được một người vợ dám hi sinh, dám vượt qua dư luận để yêu thương mình như thế này”.
Giờ đây, anh chị đã có với nhau hai người con đủ trai, đủ gái. Đứa lớn đang học lớp 11, đứa con trai út chuẩn bị vào cấp 2. Niềm vui của anh chị là mỗi ngày nhìn thấy con mình lớn lên, khỏe mạnh, học hành giỏi giang. Ngặt nỗi, cuộc sống lại mỗi lúc khó khăn hơn. Công việc đan lát, trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình, nhưng e rằng sức khỏe của anh cũng không duy trì được mãi với thời gian. Còn chị Dần ngày ngày quần quật ngoài đồng áng, lại bệnh tật nên sức khỏe giảm yếu đi nhiều.