Dừng TĐ Sông Tranh là "ném tiền qua cửa sổ"

Trao đổi với PV, TS. Ngô Quang Toàn - Tổng hội địa chất Việt Nam cho rằng cần phải đưa thủy điện Sông Tranh 2 vào hoạt động.

Chỉ ra một số lý do, TS. Ngô Quang Toàn khẳng định: “Theo tôi nên cho công trình thủy điện Sông Tranh 2 đi vào hoạt động bởi lẽ: Thứ nhất là đã đầu tư rất nhiều tiền vào đấy rồi, không cho hoạt động hóa ra là “ném tiền qua cửa sổ” à.

Thứ hai, các nhà khoa học, nhà thi công, tư vấn độc lập, kể cả nhà khoa học nước ngoài (Thụy Sĩ) cũng đã tuyên bố công trình bảo đảm an toàn, tại sao lại không cho tích nước và đi vào hoạt động? Cho công trình đi vào hoạt động thì mới có thể theo dõi, kiểm chứng được, cứ để thế rồi tranh cãi biết khi nào mới xong”.

Dừng TĐ Sông Tranh là "ném tiền qua cửa sổ" - 1

Thủy điện sông Tranh

Theo phân tích của TS. Ngô Quang Toàn, hiện tượng xảy ra ở Thủy điện Sông Tranh 2 là động đất kích thích có cường độ nhỏ từ 2-4 độ richter, thường xảy ra và kèm theo tiếng nổ trong lòng đất. “Nó là trường hợp tuân theo cơ chế “thùng sắt tây”. Khi đổ nước vào thùng sắt tây thì vỏ nó sẽ căng phồng lên, phát ra tiếng kêu. Trường hợp Sông Tranh 2 cũng tương tự: Đập chứa nước vào khiến cho thể tích tăng, áp suất tăng gây ra tiếng nổ. Trước kia ở hồ chứa nước thủy điện Sông Đà (Hòa Bình) cũng xảy ra hiện tượng động đất kích thích cho nên đây là chuyện được dự báo và bình thường”.

“Điều đáng nói ở đây là trước và sau khi hoàn thành việc xây đập, đơn vị thi công hoặc chủ dự án nên thông báo cho địa phương và người dân biết là sẽ xảy ra hiện tượng động đất kích thích khi tích nước trong hồ. Tuy nhiên đơn vị lại không cảnh báo khiến người dân bị bất ngờ. Không chỉ vậy, người dân càng hoang mang khi xây đập và xử lý rò rỉ nước kém. Để nước chảy ra như suối khiến người dân sợ quá. Sau này tuy có xử lý nhưng tâm lý người dân đã bị ảnh hưởng rất lớn”.

TS. Ngô Quang Toàn cũng cho rằng một số nhà khoa học gần đây đã nhầm lẫn: “Một số nhà khoa học lại cho rằng đó là do nền địa chất để xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2 yếu, tôi nghĩ đây là sự nhầm lẫn. Bản thân tôi qua quá trình tìm hiểu được biết nền địa chất để xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2 là nền đá hoa cương, đây là nền địa chất tốt. Bên cạnh đó, quá trình thi công người ta còn phải khoan, cắt, bóc các lớp đất đá không đảm bảo đi”.

“Động đất kích thích sau một thời gian sẽ ổn định trở lại. Còn như ý kiến cho rằng công trình thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên miệng núi lửa là nói vu vơ, thiếu khoa học và gây buồn cười”, TS. Ngô Quang Toàn khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Chương – Hoàng Sơn (Kiến Thức)
Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN