Đội mưa rét, ăn ngủ tại vườn trông phật thủ
Còn chưa đầy nửa tháng nữa là tới Tết, nông dân ở Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) đang trông ngóng thời tiết để kịp bán phật thủ.
Đắc Sở nổi tiếng là nơi trồng phật thủ lớn nhất ở phía Bắc, nhưng năm nay do chín sớm nên 30% phật thủ "trượt" Tết, lượng quả ra thị trường ít và giá tăng so với Tết 2017
Đến Đắc Sở cảm nhận đầu tiên là không khí vắng vẻ khiến chúng tôi giật mình. Giờ này những năm trước, cả xã nhộn nhịp người ra vào mua bán phật thủ thì năm nay vắng tanh. Hỏi ra mới biết, nông dân Đắc Sở hiện đều đi thuê đất ở các địa bàn lân cận để trồng phật thủ.
Phật thủ ở Đắc Sở năm nay 30% trượt bán Tết.
Bà Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch UBND xã Đắc Sở cho biết: “Do vòng đời của cây phật thủ chỉ được từ 5-6 năm nên cả xã hiện đang cải tạo đất để trồng đợt mới, vì vậy bà con đều đi thuê đất ở vùng khác để canh tác”.
Theo bà Hường thì sau 5-6 năm khai thác, cây phật thủ già cỗi và chết, để trồng đợt mới phải đợi 3-4 năm sau. Trong quá trình cải tạo đất chỉ được trồng rau mầu, nếu canh tác cây ăn quả như cam, bưởi thì đất đó không trồng được phật thủ nữa.
Do vậy mà nông dân Đắc Sở phải thuê đất ở các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai để trồng phật thủ. Theo bà Hường thì tổng diện tích trồng phật thủ ở xã Đắc Sở và đất đi thuê lên tới trên 250ha.
Theo chân Chủ tịch Hội sản xuất và Kinh doanh phật thủ Đắc Sở - ông Tạ Văn Phúc, chúng tôi thấy vườn phật thủ của nhiều hộ nông dân ở xã Yên Sở (Hoài Đức) thời điểm này đều đã bán hết cho thương lái.
Ông Phúc cho biết, 90% phật thủ đều đã bán buôn tại vườn. Thương lái thu mua cả vườn chứ không mua theo quả. Phật thủ giờ đã chín vàng, bà con ăn ngủ trên vườn để trông nom cho tới hết 30 Tết.
Cũng theo ông Phúc thì năm nay có tháng nhuận nên phật thủ chín sớm hơn mọi năm. Ngay từ cuối tháng 12 và tháng 1, các nhà vườn đã phải bán trước do phật thủ chín sớm.
“30% lượng quả không kịp bán Tết” – ông Phúc nói. Theo đó, lượng phật thủ năm nay cung cấp cho thị trường Tết sẽ ít hơn và giá cao hơn. Hà Nội đón 2 đợt rét vào giáp Tết đã “cứu” phật thủ đỡ chín sớm. “Rét nhưng không mưa là được, mưa thì thối hết” – ông Phúc cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay nông dân Đắc Sở được mùa phật thủ Tết. Ông Phúc thuê 1 mẫu đất tại Yên Sở trồng phật thủ đã 5 năm nay nên quả không được to và bóng mượt như trước. Nhiều vườn phật thủ đã có thời hạn 5-6 năm nên năm nay bán ra thị trường Tết quả nhỏ. Phật thủ có quả quanh năm nhưng vào dịp Tết, giá đắt gấp đôi, gấp ba ngày thường, chính vì thế người nông dân đều kỳ vọng bán vào Tết.
Năm nay, theo dự tính nhiều nhà vườn ở Đắc Sở, thu lãi dịp Tết từ 200-300 triệu đồng. Một số ông chủ lớn như Nguyễn Tuấn Nghi, Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Chiến trồng 3-4 mẫu, Tết này thu về 500-600 trăm triệu đồng.
Phật Thủ xuất hiện ở Đắc Sở khoảng 15-16 năm về trước khi một số người dân đi buôn ở miền ngược mang giống cây về trồng. Đến nay phật thủ đã làm giầu cho nhiều nông dân ở Đắc Sở, đưa kinh tế địa phương phát triển.
Tuy nhiên, vốn đầu tư cho cây phật thủ cao (khoảng 200 triệu/mẫu) mà phải 2 năm mới được thu hoạch nên nhiều hộ nông dân phải vay vốn. Nếu không trúng vào Tết thì bị lỗ, còn trúng Tết thì bà con thu lãi xôm. Phật thủ có nhiều giá, từ vài chục nghìn đến 1-2 triệu/quả. Có nhà vườn mùa Tết này có đến vài chục quả to đẹp, nhiều ngón, giá bán lên tới 2-3 triệu/quả.
Theo ông Phúc thì tuy trồng phật thủ đem lại nguồn lợi kinh tế tương đối ổn định cho nông dân nhưng vì cây có vòng đời ngắn, người nông dân Đắc Sở đang lo lắng khi họ lại phải đi tìm vùng đất mới để tiếp tục trồng phật thủ.
Hội Nông dân xã Đắc Sở đã vận động bà con chuyển sang trồng cam Vinh nhưng nếu đất đã trồng cam rồi thì không trồng được phật thủ nữa. “Chính vì thế sau khi hết kỳ hạn 5 năm thuê đất, người dân Đắc Sở lại phải tìm thuê đất ở xa hơn nếu như vẫn muốn tiếp tục phát triển cây phật thủ” – ông Phúc cho biết.
Những chậu phật thủ, bưởi phật thủ chơi Tết bạc triệu đã góp mặt tại một số địa chỉ hiếm hoi ở Quảng Trị.