Đề xuất giảm 2 Bộ, duy trì tối đa 2 Phó Thủ tướng
Đây là hai đề xuất đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026”, do Bộ Nội vụ tổ chức chiều 19/2.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính được đề xuất hợp nhất thành Bộ Tài chính - Kế hoạch đầu tư
Giảm bớt các tầng nấc trung gian
Theo PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, từ nhiệm kỳ khóa XII đến nay, bộ máy Chính phủ hầu như không có thay đổi. Trong khi Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương đổi mới mạnh mẽ các thể chế kinh tế, nhưng bộ máy hành chính nhà nước chưa có cải cách tương ứng, đồng bộ với cải cách kinh tế. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, ông Cường nhấn mạnh, cần nghiên cứu cắt giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ xuống mức phù hợp thông qua việc tái cơ cấu, sáp nhập các bộ có nhiệm vụ, chức năng gần nhau. Điều này vừa giảm số lượng, vừa khắc phục tình trạng trùng, lấn nhiệm vụ, chức năng giữa một số bộ, đúng theo nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Trong khi đó, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, cơ cấu Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới có quy mô dân số, quy mô nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần, nhưng cũng chỉ có dưới 20 bộ, cơ quan ngang bộ. Điều dễ nhận thấy là ở các nước phát triển, cơ cấu Chính phủ thường gọn nhẹ hơn so với các nước khác. Số bộ ít hơn, nghĩa là các đầu mối quản lý tinh giản hơn, bên cạnh đó, số “siêu bộ” của họ lại nhiều hơn. Trong khi đó, tại Việt Nam, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIII (2011 - 2016) và khóa XIV (2016 - 2021) được giữ nguyên như cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XII, gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo TS Lê Anh Tuấn, thực tiễn tổ chức Chính phủ mấy nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, việc sắp xếp, sáp nhập thành bộ quản lý đa ngành chưa thật sự đi liền với việc điều chỉnh sâu về chức năng, cắt giảm, lồng ghép nhiệm vụ mà chủ yếu được thực hiện trên cơ sở hợp nhất các bộ đơn ngành, dẫn đến khối lượng công việc, phạm vi lĩnh vực quản lý trở nên phức tạp. Việc sáp nhập một số bộ thành bộ đa ngành, đa lĩnh vực không kèm theo tái cơ cấu lại cấu trúc bên trong, do vậy, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng cao.
“Để đáp ứng yêu cầu Chính phủ kiến tạo, hành động thì cơ cấu bộ máy của Chính phủ phải tinh gọn, khả năng điều hành của Chính phủ phải nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Muốn vậy phải giảm bớt các tầng nấc trung gian. Do đó, cần nghiên cứu để xác định số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ hiện nay cho phù hợp. Việc bố trí nhiều Phó Thủ tướng Chính phủ thực chất là một cấp trung gian, lẫn giữa quyền và trách nhiệm của bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu ngành và lĩnh vực, đồng thời không phù hợp với nguyên tắc đảm bảo quyền và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ”, TS Lê Anh Tuấn cho hay.
Đề xuất lập lại Bộ Giáo dục
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 rút gọn từ 22 xuống 20 bộ, cơ quan ngang bộ, bằng việc hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT thành Bộ Tài chính - Kế hoạch đầu tư; Bộ GTVT và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng. Bên cạnh đó, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, cơ quan ngang bộ như giữa Bộ KH&CN với Bộ GD&ĐT; giữa Bộ VHTT&DL, Bộ KH&CN và Bộ Công Thương. Đồng thời đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ KH&CN và đổi tên thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo…
Tại hội thảo, các chuyên gia đều tán thành với đề xuất hợp nhất, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Vì những bộ được đề xuất hợp nhất có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, liên quan chặt chẽ với nhau. Sự chồng chéo về hoạt động giữa hai bộ vẫn rất khó khắc phục, làm hạn chế hiệu quả của các hoạt động quản lý nhà nước trong bối cảnh hiện nay. Về cơ cấu nhân sự của Chính phủ, các đại biểu đều cho rằng, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ nên có từ 1 - 2 người. Như vậy mới tập trung quyền và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, của bộ trưởng.
Các đại biểu cũng cho rằng, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải là cơ quan độc lập với Chính phủ, do đó, cần phải đổi tên thành Thanh tra Nhà nước và Ngân hàng Trung ương. Như vậy mới đảm bảo tính minh bạch, liêm chính trong hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, không nên tổ chức mô hình Ủy ban như hiện nay mà chuyển chức năng, nhiệm vụ của các ủy ban về các bộ quản lý.
Các đại biểu cho rằng, tinh gọn, giảm bớt bộ máy là nhiệm vụ rất khó khăn, “thành lập mới thì dễ nhưng phá bỏ thì vô cùng khó”, cho nên phải xác định rõ và quyết tâm vượt qua khó khăn, thực tế là phải vượt qua chính mình. Và nếu giảm được từ 22 bộ xuống còn 20 bộ đã là một thành công.
Nguồn: [Link nguồn]
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) trong phát biểu tại hội trường QH sáng 26-10 đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu tham mưu...