Chủ tịch Vapa nói về bức ảnh "Giúp người già" gây xôn xao cộng đồng mạng?
Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh "Giúp người già" đoạt giải A tại một cuộc thi về nhiếp ảnh cấp tỉnh. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng bức ảnh trên có ý tưởng đúng nhưng thực hiện chưa trung thực.
Bức ảnh "Giúp người già".
Sau khi bức ảnh "Giúp người già" đoạt giải A Cuộc thi sáng tác quảng bá tác phẩm chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 1 ( 2016 - 2018) do tỉnh Đồng Tháp tổ chức, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến phản đối về việc setup (dàn dựng - PV) quá lộ liễu dẫn đến phản tác dụng trong công tác tuyên truyền. Nhiều người cũng thắc mắc đây có phải cuộc thi do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (Vapa) tổ chức hay không? Bức ảnh đó có tiếp tục được gửi lên dự thi tại cấp cao hơn hay không khi đã đoạt giải A ở cuộc thi cấp tỉnh?
Để giải đáp những câu hỏi này, báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với Ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Nói về bức ảnh "Giúp người già", ông Khánh khẳng định: "Đây là cuộc thi cấp tỉnh, Hội không bảo trợ cũng như không liên quan đến cuộc thi này. Chính vì vậy, phía tỉnh sẽ có quyền đánh giá về bức ảnh này".
Ông Khánh cho biết thêm, bức ảnh lan truyền trên mạng có gắn logo Vapa của Hội nên mọi người hiểu nhầm bức ảnh đó đoạt giải A tại cuộc thi do Hội Vapa tổ chức.
Giải thích thêm về việc xuất hiện logo Vapa trên bức ảnh, ông Khánh cho rằng bức ảnh đó có gửi tham gia cuộc thi cấp khu vực tại đồng bằng sông Cửu Long nên khi tải lên website của hội thì sẽ được gắn logo của Vapa. "Tuy nhiên, tại cuộc thi đó bức ảnh trên đã bị loại" - ông Khánh cho biết.
Quay lại với bức ảnh "Giúp người già", ông Khánh nhận xét bức ảnh đó quá nuột nà. "Trong ảnh là một cụ bà đi xe đạp chở cam bị ngã, một chiến sĩ công an nam ra dựng xe và một chiến sĩ nữ ra đỡ bà cụ dậy. Tôi cảm thấy ngờ ngợ, có cái gì đấy không đúng. Tại sao cứ phải là công an mà không phải là 2 người dân ra đỡ bà cụ" - Chủ tịch Vapa phân tích.
Vô hình trung, tác giả đã tạo cho người xem một sự nghi ngờ, điều đó đồng nghĩa với việc người xem sẽ cảm giác bức ảnh đó không thật và không ủng hộ. "Bức ảnh này về ý tưởng thì đúng nhưng thực hiện chưa được chuẩn, chưa được khách quan, chưa trung thực. Hãy để người xem có cảm xúc khi xem ảnh" - ông Khánh nhận định.
Theo ông Khánh, ảnh báo chí, nhất là ảnh liên quan đến chủ đề học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ thì phải thật, cần chụp thật, chụp đúng. Cần xem xét thấu đáo xem bức ảnh này có setup không?
Nếu có setup thì không nên, bởi ảnh không chỉ là vấn đề nghệ thuật mà phải phản ánh chân thực cuộc sống. Ban giám khảo hay ban tổ chức các cuộc thi cần phải nhận xét nghiêm túc về vấn đề này. Một bức ảnh setup nuột nà quá sẽ không tạo cho người xem một cảm xúc và điều này nên tránh.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng cần có cái nhìn thoáng hơn về bức ảnh. "Cũng có thể những tình huống này diễn ra thường xuyên nhưng không ai chụp kịp nên tác giả đã dàn dựng lại. Cũng có thể tác giả đang mở sẵn máy để chụp một thứ khác thì tình huống đó xảy ra trước mắt nên vô tình chụp được" - Chủ tịch Vapa phân tích về những tình huống có thể xảy ra.
Trước đó, tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác quảng bá tác phẩm chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 1 ( 2016 - 2018) đã trưng bày giới thiệu 22 tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh đạt giải trong cuộc thi.
Tại cuộc thi đó, chuyên ngành mỹ thuật có 1 giải A, 1 giải B, 1 giải C và 2 giải khuyến khích. Trong đó tác giả Châu Hoàng Trọng đạt giải A với tác phẩm “Đẹp lắm nghĩa tình của anh”. Ở chuyên ngành nhiếp ảnh, có 17 tác phẩm được trao giải gồm 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 11 khuyến khích. Trong đó tác phẩm “Giúp người già” của tác giả Phạm Ngọc Châu đạt giải A.
Hàng nghìn người đã chia sẻ clip CSGT đạp xe tìm nhà cho cụ già bị lẫn và dành những lời cảm phục trước nghĩa cử cao...