“Bom nước” lơ lửng dễ gây chết người
Những bồn chứa nước có dung tích hàng ngàn lít nằm chênh vênh trên các ngôi nhà cao tầng, giữa những căn hộ giống như “bom”, có thể làm chết người bất cứ lúc nào.
Vụ tai nạn thương tâm do bồn nước rơi khiến bé gái 8 tháng tuổi tử vong khi đang nằm trong phòng trọ cùng mẹ ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM là một minh chứng. “Bom nước” đã thành mối họa chực chờ!
Hàng loạt cái chết tức tưởi
Trở lại vụ tai nạn hôm 4-9, dù ngoài trời chỉ mưa nhỏ nhưng bồn chứa nước có dung tích khoảng 1.500 lít bất ngờ rơi từ tầng thượng của căn nhà 4 tầng ở khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức xuống khu trọ liền kề, đè chết bé Phạm Ngô Quỳnh Ngân (8 tháng tuổi) đang nằm bên trong. Ngoài cái chết thương tâm của bé Ngân, tai nạn này còn làm mẹ bé là chị Ngô Đình Ly Ly bị thương nặng.
Chân đế đặt bồn nước chỉ được thiết kế bằng những viên gạch sơ sài tại một nhà dân trên địa bàn quận Thủ Đức, TP HCM Ảnh: Gia Minh
Điều đáng nói là theo người dân địa phương, trước đây, một bồn nước khác của căn nhà trên đã từng rơi nhưng may mắn không ai bị thương. Dù nhiều người dân xung quanh đã khuyên chủ nhà nên gia cố an toàn phần chân đế khi lắp đặt bồn song sự cố tương tự lại xảy ra. Lần này thì làm chết người.
Bồn nước đặt trên khung sắt sát mái tôn một nhà dân trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM Ảnh: Sỹ Đông
Ngày 11-9-2014, trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng xảy ra một vụ tai nạn tương tự làm 2 học sinh tử vong. Khi đó, nhóm học sinh đang chơi trong khuôn viên của Trường Tiểu học Diễn Tháp, huyện Diễn Châu thì một bồn nước inox dựng gần đó bất ngờ đổ sập, đè chết 2 em Nguyễn Tiến Phi (SN 2004) và Trương Tiến Mạnh (SN 2004).
Theo kết quả điều tra và khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An kết luận do chủ đầu tư không thực hiện đúng quy trình về quản lý chất lượng công trình; thiếu sự kiểm tra giám sát… dẫn đến xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Trước đó, tháng 9-2011, 2 thanh niên đang làm việc ở phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM đã bị một bồn nước 500 lít rơi từ trên cao xuống đè trúng khiến 1 người chết, người còn lại bị thương nặng.
Khảo sát tại TP HCM, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận ở nhiều khu vực, hầu hết các bồn nước inox, nhựa có dung tích từ 500 đến 2.000 lít nhưng chỉ được chủ nhà lắp đặt và gia cố chân đế hết sức sơ sài, khó bảo đảm an toàn khi trời mưa giông.
Đơn cử, tại chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh), hàng chục bồn chứa nước được đặt cheo leo giữa 2 vách tường, chân đế chỉ kê bằng những thanh sắt hộp, nối giữa 2 ban công chung cư. Trong khi phía dưới là hàng quán hay điểm vui chơi của trẻ em. Mới nhìn thôi ai cũng phát hoảng!
Ông T., một hộ dân sống ở chung cư Thanh Đa, cho rằng kiểu đặt bồn nước như trên được đa số hộ chung cư nơi đây áp dụng chứ không riêng ông.
Theo tìm hiểu, do các bồn nước được lắp đặt trên vách tường nên chủ hộ thường ít kiểm tra mà chỉ khi xảy ra sự cố rò rỉ nước thì mới đi sửa chữa.
Khảo sát ở hàng chục khu chung cư khác thuộc địa bàn các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú…, thấy đâu đâu cũng có tình trạng nhiều bồn chứa nước được đặt lơ lửng trên vách tường nhưng biện pháp bảo đảm an toàn lại hết sức sơ sài.
Đặc biệt, ghi nhận tại địa bàn các quận 9, Bình Thạnh, Thủ Đức có hàng trăm căn nhà cấp 4 được chủ hộ đặt bồn nước loại 500-1.000 lít ngay trên những mái tôn xập xệ. Tại khu vực phường 13, quận Bình Thạnh, từ trên cao nhìn xuống thấy những bồn nước đủ loại được xếp đứng, nằm không theo quy luật nào, trông giống như những “trái bom” lơ lửng trên đầu người dân.
Hay trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, nhiều bồn nước trên những căn nhà cao hàng chục mét nhưng chỉ được kê tạm ở những vị trí chông chênh trên vách tường.
Thả nổi
Lý giải về việc lắp đặt bồn nước bất chấp nguy hiểm xảy ra đối với những người qua lại bên dưới, ông N.V.T phân trần rằng do trong nhà quá chật hẹp, không có nơi đặt bồn nước nên buộc phải đưa ra bên ngoài.
Riêng chủ các căn nhà lợp mái tôn nhưng vẫn lắp bồn nước nặng cả ngàn lít trên mái thì cho rằng vì nước yếu nên để nước có áp lực lớn thì phải đặt bồn ở nơi cao nhất có thể. Theo quan sát, kết cấu mái nhà cấp 4 thường có bộ phận chịu lực là những thanh sắt hộp nằm ngang, chủ nhà hàn đế cho cân bằng rồi đặt bồn nước lên. Do phần chân đế đặt bồn nước để ngoài trời lâu ngày, chịu mưa nắng nên các thanh sắt bị hoen gỉ, những vị trí hàn cũng bị bào mòn nên có thể gây ra sự cố bất cứ khi nào.
Anh Hoàng Thanh Hải, nhân viên kỹ thuật cửa hàng bán bồn nước trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), cho biết nhiều người khi mua bồn nước về đã tự lắp đặt mà không mua chân đế do nhà sản xuất bán. Trong khi đó, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, chân đế để đặt bồn nước, nơi đặt bồn phải là mặt phẳng trên nền bê-tông và cần chắc chắn, có dầm chịu lực cho trần nhà, không nên đặt gần lan can, mép tường. Nên xây bờ bao quanh khoảng 1/3 thân bồn, các bồn nước trên cao nên có dây đai níu giữ bồn để tránh gió bão. Đặc biệt, chủ nhà cần kiểm tra định kỳ hằng năm vị trí lắp đặt, chân đế để khắc phục hư hỏng.
Kiến trúc sư Trần Thị Ngọc Thanh, đang làm việc tại Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế TP (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP HCM), cho biết: “Việc quan trọng khi lắp đặt các bồn, bể chứa nước là phải tuân theo kỹ thuật thiết kế ở phần chân đế và giá đỡ. Nếu các bồn nước khối lượng lớn, vượt quá tải trọng của trần nhà và chân đế không được thiết kế đúng quy chuẩn thì rất dễ xảy ra sự cố gây nguy hiểm cho tính mạng con người”.
Tai nạn do bồn nước lắp đặt không đúng quy cách đã xảy ra với tần suất tăng, vậy mà khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, trưởng Phòng Quản lý đô thị một quận ở TP lại cho biết: Hiện nay, quận không quản lý việc bồn nước được đặt ở vị trí nào khi cấp phép xây dựng cho các công trình đơn lẻ. Trong giấy phép xây dựng chỉ có các nội dung về kết cấu bê-tông, tường, mái... chứ không hề đề cập bồn nước đặt ở đâu (?!).
Liên tiếp tai nạn “từ trên trời rơi xuống” Ngoài việc bồn nước rơi, cần cẩu rớt cũng là tai nạn “từ trên trời rơi xuống”. Sáng qua (8-9), khi đang lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn gần cầu vượt Quang Trung (quận 12, TP HCM), ông Trần Văn Lớp (52 tuổi, quê Bến Tre) cũng bị họa “trời giáng”, chết tại chỗ. Họa “trời giáng” xuống ông Lớp lần này được xác định là do xe đầu kéo chở theo xe tải cẩu húc đổ thanh chắn giới hạn chiều cao, khi thanh chắn nặng hàng trăm ký đổ xuống đã đè trúng ông Lớp khiến nạn nhân chết tức tưởi. |
Vụ bồn nước đè chết người: Khởi tố được không? Liên quan đến vụ việc bé gái 8 tháng tuổi bị bồn nước rơi đè chết ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM, luật sư Nguyễn Tri Đức (Công ty Luật 360 - Đoàn Luật sư TP HCM), cho rằng: Muốn đủ cơ sở để cơ quan điều tra khởi tố vụ án thì phải xác định sự cố bồn nước rơi nói trên do lỗi của bên thiết kế - thi công lắp đặt bồn nước. Lỗi này đã vi phạm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật trong xây dựng, có thể bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại điều 229 Bộ Luật Hình sự. Đối với chủ nhà có bồn nước rơi đã gây hậu quả nghiêm trọng (trước đây bồn nước đã rơi một lần nhưng không gây hậu quả), có thể bị khởi tố về tội “Vô ý làm chết người”, quy định tại điều 98 Bộ Luật Hình sự và có trách nhiệm bồi thường theo quy định. “Tuy nhiên, với trường hợp cơ quan chức năng có cơ sở kết luận bồn nước rơi do tác động khách quan từ thời tiết như mưa, gió... thì chủ nhà được miễn trách nhiệm hình sự và chỉ có trách nhiệm bồi thường dân sự” - luật sư Đức cho biết. |