Bắt đền chủ tịch xã vì... ế vợ
Chuyện cười ra nước mắt này xảy ra ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Trước kia chỉ có xã Lập Lễ (Thủy Nguyên) “nổi tiếng” vì phụ nữ lấy chống ngoại thì nay thực tế này đã lan ra nhiều xã ở Hải Phòng.
Gái làng “theo chồng bỏ cuộc chơi”…
Gia đình ông N.V.H ở thôn Quần Mục (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy) bỗng dưng… nổi tiếng vì sự kiện ông lên tận UBND xã… bắt đền chủ tịch vì đứa con trai duy nhất không lấy được vợ. Chuyện là anh T con trai ông H bị người yêu bỏ đi lấy chồng Hàn Quốc khi họ sắp đến ngày dạm hỏi.
Thời điểm đó, anh T đang đi biển để gom góp tiền cưới vợ. Hồ hởi mang tiền về quê, anh nghe tin người yêu bỏ đi lấy chồng nước ngoài. Vậy là mối tình đẹp kéo dài 2 năm trời của anh T coi như tan tành. Người yêu anh chỉ nói một lời xin lỗi rồi theo anh chồng Hàn Quốc to béo về xứ người. Anh T thất vọng và chán nản nên lại lao vào những chuyến đi biển biền biệt.
Về nhà, bố mẹ đã già nên giục anh lấy vợ nhưng anh chẳng thể nào quên được mối tình đầu của mình và cũng đã 35 tuổi, cái tuổi chẳng buồn tán gái mà cũng chẳng còn cô gái nào ở làng để tán. Ông H giục giã thế nào anh T cũng lặng thinh.
Nhà chỉ có độc đinh, ông H lo lắng đứng ngồi không yên, bức xúc quá, ông chạy lên UBND xã làm ầm ĩ, “bắt đền” xã về việc để gái làng đi lấy chồng nước ngoài hết. Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, bà Phạm Thị Thúy chỉ biết an ủi và khuyên ông bình tĩnh về nhà tìm phương án lấy vợ xa cho con vì xã cũng bó tay.
Kể về nỗi bức xúc “chính đáng” này, bà Phạm Thị Thúy chia sẻ: Xã Đại Hợp hiện có tới 800 cô gái lấy chồng nước ngoài. Trong đó có nhiều gia đình có tới 3-4 con gái xuất ngoại. Xã đã tính chi li: 6% gia đình có 2 con lấy chồng nước ngoài, 1,4% gia đình có 3 con lấy chồng nước ngoài, và 1,4% gia đình có 4 con lấy chồng nước ngoài.
Cán bộ tư pháp xã Phả Lễ, Thủy Nguyên bên chồng hồ sơ các cô gái làm thủ tục lấy chồng nước ngoài
Sự khan hiếm phụ nữ tác động đến quy luật cung - cầu trong việc tìm kiếm bạn đời của nam giới ở xã. Hiện, cứ 1 nam giới lấy vợ cùng xã thì có 2 nam giới lấy vợ ngoài xã. UBND xã rất đau đầu nhưng không có cách nào để níu kéo con gái làng ở lại được bởi hôn nhân là quyền tự do của mỗi người.
Lo ngại thành phong trào
Tại Hải Phòng trước kia chỉ có xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) và Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) có nhiều cô gái lấy chồng nước ngoài, thì hiện đã lan ra nhiều xã khác và trở thành phong trào ở các làng quê như ở xã Phục Lễ, Phả Lễ (Thủy Nguyên), xã Đoàn Xá, Tú Sơn (Kiến Thụy)… Người ta chỉ biết rằng con gái ở các vùng quê này đắt chồng đến nỗi vừa lớn lên, người làng chưa kịp nhìn kỹ nó xấu đẹp thế nào đã vội theo chồng về xứ người.
Phong trào lấy chồng nước ngoài ở Lập Lễ có từ năm 2001 và giờ vẫn còn rầm rộ. Phải tới gần 80% con gái ở cùng lứa tuổi đi lấy chồng nước ngoài theo hình thức tuyển chồng. Chị Vũ Thị Ngọt |
Bí thư Đoàn xã Lập Lễ, anh Vũ Hồng Hà cũng cho biết, 80% gái làng lấy chồng nước ngoài. Vì thế, làng chỉ còn lại toàn… đàn ông, trai làng chủ yếu lấy vợ ở các nơi khác, nhất là các tỉnh vùng cao. Ngay cả phong trào Đoàn, khi cần có con gái cũng phải sang xã bên mượn.
Chính vì con gái đi hết, ở xã Đại Hợp lại phát sinh tình huống mới là một số bà mẹ ở cái tuổi ngoại tứ tuần vẫn mang bầu đẻ thêm để bù con. Bà Hoàng Thị Nhuần, cán bộ phụ nữ xã Đại Hợp cho biết: “Nếu thống kê ra thì bây giờ ở xã tỷ lệ nam, đặc biệt là nam thanh niên trong độ tuổi lấy vợ so với nữ chênh lệch ngất ngưởng. Dường như chỉ còn lại đàn ông trong làng thôi. Vì thế, một số chị em đã U40, đã có cháu ngoại lại tiếp tục… đẻ để nhà đỡ quạnh”.
Chính vì không có con gái để lấy vợ nên thanh niên ở các xã Lập Lễ, Phục Lễ, Đại Hợp… đã đến tuổi băm rồi mà vẫn ngậm ngùi vì chưa tìm được mối. Cảnh “vườn không nhà trống” chẳng còn gì lạ ở các làng quê này. Việc lấy vợ của trai làng thực sự là một con đường gian nan. Hiện nay, độ tuổi lấy vợ của trai làng thường cao hơn các nơi khác, thường là ở tuổi 30.
Những cuộc hôn nhân của trai làng chủ yếu do mai mối với con gái ở những vùng quê khác và đều lo lắng tới mức quen nhanh, lấy gấp. Như trường hợp anh H, 24 tuổi ở gần UBND xã Phục Lễ mới vừa được bà cô giới thiệu cho cô cháu họ ở xã Minh Tân cùng huyện được 2 tháng đã đòi kết hôn. Anh H bảo “lấy vợ phải lấy liền tay” không lại ế vợ giống các anh lớn tuổi thì gay go.
Thực tế tại các xã này, lãnh đạo xã cũng bất lực, bởi “không có luật nào cấm gái làng lấy chồng nước ngoài”. Hơn nữa, ngay cả con các vị lãnh đạo xã cũng lấy chồng nước ngoài như trường hợp con gái ông Chủ tịch UBND xã Lập Lễ. Người ta lo ngại, nếu tỷ lệ trai gái không cân bằng, sẽ có lúc xảy ra những vấn đề phức tạp hơn…
Đừng nên trách chị em Phụ nữ đổ xô đi lấy chồng nước ngoài là hiện tượng nhiều năm nay ở một số vùng như Hải Phòng, Hải Dương, ĐBSCL. Tính từ năm 1998 đến nay đã có hơn 300.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài và số lượng ngày càng tăng. Chính vì vậy, không nên nhìn nhận đây là sự a dua theo phong trào mà cần thấy rằng đó là sự lựa chọn, sự thay đổi về quan niệm, giá trị về hôn nhân của phụ nữ thời nay. Đa số các cô gái không bồng bột, bị rủ rê lôi kéo mà họ đã có sự lựa chọn, chủ động chuẩn bị trước khi tìm chồng nước ngoài (đi học tiếng, học nấu ăn, học văn hóa nước bạn). Vì thế, đánh giá họ tham vàng bỏ ngãi là chưa chính xác. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học lao động - xã hội tại 7 tỉnh, thành có đông phụ nữ lấy chồng nước ngoài mới đây nhất cho thấy, có tới 83,6% cô dâu Việt Nam hài lòng với hôn nhân. Chỉ số ít bị lừa gạt lấy phải người chồng không như mong muốn, chịu cảnh bạo lực hay bị bán làm mại dâm... Đừng trách chị em mà phải tìm giải pháp tổng thế nhiều mặt, cải thiện cuộc sống cho người dân thì mới “giữ chân” họ được. Không thể chỉ đổ lỗi cho phụ nữ “ham tiền” mà không nhìn nhận ra những nguyên nhân “nội tại” từ xã hội và ngay cả nam giới trong nước. Nếu những phụ nữ đó ổn định nghề nghiệp, có kinh tế, tìm được người chồng yêu thương, trân trọng mình thì sẽ chẳng ai muốn bỏ đi xứ người làm gì. Nếu những người đàn ông biết nhìn nhận lại hành vi của mình, đối xử có tình, giảm bớt bạo lực, yêu thương vợ con, sẽ nhiều phụ nữ thích xây dựng gia đình tại quê hương. Bà Lê Thị Quý - Giám đốc TT Nghiên cứu giới và phụ nữ Diệu Linh (ghi) |