Bạo lực gia đình: Quá tin vào phạt tiền

Phạt tiền không phải là biện pháp tối ưu, thậm chí gây hại thêm cho người bị bạo lực. Không ít phụ nữ bị bạo lực phải rút tiền túi ra nộp phạt cho hành vi đánh vợ của chồng, sau đó lại bị chồng đánh thêm...

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) của Bộ Công an đã tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi BLGĐ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với BLGĐ, phạt tiền ít hiệu quả.

Bình mới rượu cũ

Theo dự thảo này, về lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) có một số điểm đáng chú ý như phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng với các hành vi: Bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà người vợ hoặc chồng không muốn; Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện hành động khiêu dâm...

Việc cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó… sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng. Với hành vi lăng mạ, chì chiết, chửi bởi thành viên gia đình bị phạt tiền từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng.

Theo ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch), nội dung về vi phạm hành chính trong lĩnh vực BLGĐ trong dự thảo nghị định mới này của Bộ Công an “bê nguyên xi” Chương II của Nghị định 110 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ do Bộ Văn hóa xây dựng năm 2009.

Bạo lực gia đình: Quá tin vào phạt tiền - 1

Hiện có rất nhiều phụ nữ đang là nạn nhân của BLGĐ (ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Thị Thu Thúy – Phó Giám đốc Truyền thông Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, phụ nữ, gia đình và vị thành niên CSAGA –thành viên Mạng lưới phòng chống BLGĐ DOVIPNET Việt Nam cho biết, Nghị định 110 đã đi được một quãng đường khá dài. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa “ngấm” và những người thực thi luật pháp cũng chưa “thuộc bài”. Nếu nghị định mới ra đời, sẽ lại có thêm một bước tuyên truyền mới nhưng “chiếc roi” phòng chống BLGĐ có nguy cơ bị “lép vế” trước các vấn đề khác nếu như không được triển khai hiệu quả.

Càng bị phạt càng đánh vợ

Theo ông Nguyễn Ngọc Quyết- Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ Hà Nội, hiện rất nhiều phụ nữ đã bị suy sụp tinh thần, ốm yếu, thậm chí có các dấu hiệu sang chấn tâm lý khi sống một thời gian dài trong sự mắng chửi, ruồng rẫy, chì chiết, coi khinh của chồng và gia đình nhà chồng. Do đó, việc có một quy định gì đó để bảo vệ người phụ nữ là cần thiết nhưng nếu quy định phạt tiền như dự thảo sẽ rất khó khả thi.

Trong việc ngăn chặn BLGĐ, việc phạt tiền không phải là biện pháp tối ưu, thậm chí gây hại thêm cho người bị bạo lực. Không ít phụ nữ bị bạo lực phải rút tiền túi ra nộp phạt cho hành vi đánh vợ của chồng, sau đó lại bị chồng đánh thêm...

Nên có các hình thức xử phạt “đánh” vào tâm lý và nâng cao hiểu biết cho người gây BLGĐ như xử phạt lao động công ích, buộc tham gia một lớp “tập huấn” các kiến thức về gia đình, hậu quả BLGĐ, kỹ năng giải tỏa nóng giận...

Nguyễn Thị Thu Thúy

“Nghe đến số tiền phạt 1-2 triệu thì chính phụ nữ cũng không dám tố cáo chồng. Ngoài ra, mục tiêu của luật là phòng ngừa BLGĐ chứ không đợi bạo lực xảy ra rồi xử phạt. Vì thế, tiền không “mua” được kiến thức về giới hay kỹ năng thay đổi hành vi của người gây bạo lực” – ông Vân cho biết.

Bà Thúy cũng cho rằng, việc phạt tiền đối với người gây BLGĐ không phù hợp với văn hóa cộng đồng Việt Nam. Bà Thúy phân tích, các nước phương Tây vợ hoặc chồng đều có tài khoản riêng, nếu phạt thì trừ luôn vào hầu bao của họ. Nhưng ở Việt Nam, vợ chồng kiếm tiền đều cho vào quỹ chung, nên phạt chồng cũng không khác gì phạt vợ.

Một nghiên cứu đánh giá về thực thi Luật phòng chống BLGĐ mới thực hiện trên 900 người bị BLGĐ tại 9 tỉnh, thành phố cho thấy, 35% công an yêu cầu nạn nhân “cố gắng” tự giải quyết vụ việc trong nội bộ gia đình. Và 16% công an “đá bóng” sang sân khác khi yêu cầu nạn nhân liên hệ với các cơ quan sở tại khác mà “xin giúp đỡ”. Nghiên cứu cũng đã phỏng vấn sâu một số cán bộ công an và đa số họ đều cho rằng, theo quy định của Luật Phòng chống BLGĐ?thì vẫn chưa có đủ biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nạn nhân BLGĐ nên rất khó để công an có thể bảo vệ nạn nhân. Họ cũng ít được tập huấn về BLGĐ.

“Không ít cán bộ công an cơ sở lúng túng trong việc phát hiện, xử phạt về BLGĐ nên họ chỉ nhắc nhở “miệng” là chính. Do đó, hiệu quả răn đe, ngăn chặn BLGĐ chưa cao. Rất nhiều lần tôi kiến nghị ngành công an cần xây dựng quy trình phát hiện, xử phạt, xử lý người có hành vi BLGĐ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy trình đó” – ông Vân cho biết.

LS Giang Hồng Thanh: “Theo quy định, người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất. Nhưng việc trình báo này cũng chỉ với một số hành vi như chửi bới, đánh đập, đập phá tài sản. Còn rất nhiều hành vi bạo lực gia đình khác mà người ngoài không thể biết, như cấm thành viên ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gặp người thân, bạn bè…”.

LS Nguyễn Quang Tiến: “Hai lý do khó xử lý hành vi BLGĐ là tâm lý của bị hại và chứng minh hành vi sai phạm. Thông thường bị hại không muốn tố cáo bởi giữa họ và người gây đau khổ cho họ bị ràng buộc bởi quan hệ gia đình, huyết thống và nhiều vấn đề tế nhị khó nói. Nếu bị hại không có yêu cầu thì cơ quan chức năng không thể vào cuộc xử lý cho dù có sai phạm xảy ra.

Lương Kết (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Linh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN