Bạo loạn ở Ấn Độ: 200 người bị thương

4 người chết, 200 người bị thương là hậu quả của vụ đụng độ chỉ vì một hóa đơn khách sạn chưa thanh toán tại thành phố Dhule ở bang Maharashtra (miền tây Ấn Độ).

Vụ đụng độ ban đầu nổ ra ngày 6/1, sau đó leo thang thành bạo loạn tôn giáo giữa những người Hindu và đạo Hồi với các cửa hàng bị đập phá, xe máy bị đốt cháy tại nhiều khu vực trong thành phố, theo chánh thanh tra đặc biệt Deven Bharti.

4 kẻ quá khích bị cảnh sát bắn chết, trong đó có 1 thanh niên 18 tuổi, 113 cảnh sát nằm trong số 200 người bị thương.

Bạo loạn ở Ấn Độ: 200 người bị thương - 1

Bạo loạn ở Ấn Độ: 200 người bị thương - 2

Bạo loạn ở Ấn Độ: 200 người bị thương - 3

Các cảnh đốt phá diễn ra khắp thành phố Dhule. Ảnh: Indo-Asian News Service, Daily Postmail

Hãng tin PTI của Ấn Độ dẫn lời cảnh sát cho biết nguyên nhân xung đột rất vụn vặt, chỉ do tranh cãi quanh một hóa đơn khách sạn chưa thanh toán của một nhóm 4 người khách.

Sau khi bị nhân viên khách sạn đánh một trận, 4 người khách bỏ đi và quay lại với khoảng 50 người. Phe khách sạn không chịu thua, cũng tụ tập người rồi gây rối. Ông Bharti cho biết người chủ khách sạn và nhóm khách đến từ hai cộng đồng dân cư khác nhau.

Cảnh sát đã sử dụng gậy, hơi cay và đạn nhựa để trấn áp vụ bạo loạn nhưng không ăn thua nên phải dùng tới đạn thật. Đến ngày 7/1, tình hình đã được kiểm soát nhưng vẫn bị giới nghiêm.

Bạo loạn ở Ấn Độ: 200 người bị thương - 4

Cảnh sát Ấn Độ đã lập lại trật tự tại Dhule sau khi bắn đạn thật. Ảnh: Times of India


Các vụ đụng độ giữa người Hindu và Hồi giáo ở Dhule, thành phố có 400.000 dân và cách Mumbai 330 km, bùng phát hồi tháng 10/2008 khiến 10 người chết.

Các vụ đụng độ lớn giữa Hindu giáo và Hồi giáo tại Ấn Độ bắt nguồn từ 20 năm trước khi những người Hindu quá khích phá sập một đền thờ Hồi giáo ở thị trấn Ayodhya khiến 2.000 người, chủ yếu là người theo đạo Hồi, thiệt mạng. Một thập kỷ sau, 2.000 người khác bị chết trong các vụ xung đột giữa người của hai tôn giáo này tại bang Gujarat.

Người Hindu chiếm 80% dân số Ấn Độ, trong khi người theo đạo Hồi chỉ chiếm 13%. Các vụ đụng độ lẻ tẻ giữa hai nhóm tôn giáo trên vẫn diễn ra 65 năm sau khi Ấn Độ chia tách thành Pakistan và Ấn Độ hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bằng Vy (Theo Người lao động/PTI, Times of India)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN