9 năm mang “án” HIV oan: "Chưa biết sai ở khâu nào"

“Sự việc của chị An xảy ra khá lâu (trên 10 năm), hồ sơ lưu không còn nên khó truy nguyên nhân để xác định chị An có tên trong danh sách người nhiễm HIV do sai ở bước nào”, lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS nói.

Vừa qua, chị Đỗ Thị An (39 tuổi, xã Cẩm Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên) không bị nhiễm HIV nhưng vẫn có tên trong danh sách theo dõi từ năm 2006 đến nay. Chị An cho biết, sự nhầm lẫn này khiến chị và gia đình chịu nhiều tổn thất về tinh thần.

Ngày 20.7 vừa qua, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên và một số đơn vị liên quan đã tổ chức buổi gặp mặt với gia đình chị Đỗ Thị An xin lỗi vì sai sót.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Thưa ông, vừa qua chị Đỗ Thị An (Hưng Yên) không bị nhiễm HIV nhưng vẫn có tên trong danh sách theo dõi người bị nhiễm HIV từ năm 2006 đến nay. Là người làm công tác phòng chống AIDS, ông có suy nghĩ gì về sự việc này?

9 năm mang “án” HIV oan: "Chưa biết sai ở khâu nào" - 1

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Đây là trường hợp xảy ra ngoài ý muốn. Sau sự việc, chúng tôi đã chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị có liên quan xác minh thông tin, xóa tên chị An khỏi danh sách người nhiễm HIV, đồng thời động viên giải thích, chia sẻ với chị An và gia đình.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nhiễm HIV cần phải kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện các bất thường. Người nhiễm HIV cũng được xét nghiệm HIV trước khi điều trị ARV (thuốc kháng HIV) khi cần thiết.

Trong công tác quản lý giám sát người nhiễm HIV, chúng tôi cũng rà soát người nhiễm HIV, tránh sai sót, đồng thời cũng để người nhiễm HIV thực sự được tiếp cận với điều trị ARV.

Vậy, Cục Phòng chống AIDS có thường xuyên nhận được phản ánh về kết quả xét nghiệm sai như trường hợp của chị An? Nếu xét nghiệm sai, bồi thường tiền như vậy có hợp lý so với quy định hiện hành không, thưa ông?

Đối với xét nghiệm HIV, mỗi một năm chúng ta thực hiện hơn 1,9 triệu xét nghiệm.

Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên đến nay, qua 24 năm, ngành y tế đã chẩn đoán và phát hiện trên 301.556 người nhiễm HIV. Đây là lần thứ hai chúng tôi nhận được báo cáo từ địa phương chẩn đoán nhầm lẫn.

Tại Việt Nam, các kỹ thuật xét nghiệm vẫn hạn chế về chất lượng sinh phẩm, chẩn đoán, kiểm soát chất lượng xét nghiệm, chất lượng giám sát, phản hồi thông tin 2 chiều nên sai sót vẫn xảy ra.

Sự việc của chị An xảy ra khá lâu (trên 10 năm), hồ sơ lưu không còn nên khó truy nguyên nhân để xác định chị An có tên trong danh sách người nhiễm HIV là do sai ở bước nào. Tuy nhiên, ngành y tế Hưng Yên cũng xác minh thông tin xét nghiệm lại và hỗ trợ bồi dưỡng cho gia đình để trợ cấp khó khăn.

Hiện tại, theo quy định, cũng có xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó liên quan đến các lĩnh vực về HIV (kể cả việc đưa thông tin sai lệch, tư vấn xét nghiệm, chăm sóc điều trị...). Tuy nhiên, trong trường hợp này, ngành y tế chưa xác định được rõ chẩn đoán nhầm cho chị An ở giai đoạn nào nên rất khó xử phạt.

Quy trình xác định 1 người HIV phải trải qua bao nhiêu lần xét nghiệm? Sau thời gian bao lâu, bệnh nhân sẽ được lập hồ sơ quản lý, giám sát, thưa ông?

Để xác định một người nhiễm HIV chỉ có một cách duy nhất là xét nghiệm. Xét nghiệm phải được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế và phải được thực hiện tại phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép.

Bệnh nhân chỉ cần lấy máu 1 lần để xét nghiệm sàng lọc. Sau khi có kết quả nghi ngờ dương tính, mẫu máu đó sẽ được các cơ sở y tế gửi lên phòng khẳng định để kiểm tra lại kết quả bằng 3 sinh phẩm theo chiến lược III. Kết quả sẽ được gửi trả lại cho cán bộ y tế để tư vấn và trả kết quả cho bệnh nhân.

Đối với các trường hợp bệnh nhân có kết quả dương tính sẽ được giới thiệu các dịch vụ chuyển tiếp để được chăm sóc và điều trị, đồng thời sẽ được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS quản lý theo giám sát dịch tễ.

9 năm mang “án” HIV oan: "Chưa biết sai ở khâu nào" - 2

Chị Đỗ Thị An (trong ảnh) vẫn chưa rõ vì sao mình có tên
trong danh sách theo dõi bệnh nhân bị HIV.

Vậy, ngành y tế có biện pháp gì để siết chặt việc thực hiện xét nghiệm theo quy trình, thưa ông?

Từ năm 2000, Bộ Y tế đã có quy định về tiêu chuẩn phòng xét nghiệm được phép khẳng định người có HIV. Các Thông tư và hướng dẫn quy định chuyên môn: Từ việc lấy máu, thực hiện xét nghiệm, điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất, sinh phẩm, . . .

Gần đây nhất, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn bổ sung về quản lý đảm bảo chất lượng kết quả xét nghiệm, trình tự và trách nhiệm thông báo kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân,. . . .  

Chúng tôi cũng đã thiết lập và phân vùng, phân cấp triệt để việc thực hiện kiểm soát chất lượng từ bên ngoài. Ngành y tế cũng kiểm tra phòng xét nghiệm sàng lọc định kỳ hằng năm...., đảm bảo hạn chế tối đa sai sót trong quá trình xét nghiệm và thông báo kết quả cho bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng yêu cầu kiểm soát quy trình chuyên môn kỹ thuật, kiểm soát chất lượng xét nghiệm, đào tạo cán bộ, hạn chế tối đa các sai sót trong quá trình xét nghiệm....

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN