TQ có thực sự khiến ASEAN “quên” phán quyết Biển Đông?
Việc một dự thảo tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN không nhắc đến phán quyết Biển Đông không có nghĩa là các thành viên ASEAN sẵn sàng bỏ qua nó, các nhà phân tích cảnh báo.
Thủ tướng Lào phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại thủ đô Viêng Chăn ngày 8.9 (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Bắc Kinh có vẻ như đang thở phào nhẹ nhõm sau khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN kết thúc tại Lào mà không đưa ra một dự thảo tuyên bố về tranh chấp Biển Đông.
Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 9.9 gọi đây là một chiến thắng ngoại giao. Thậm chí, một nhà ngoại giao cấp cao nói rằng "chúng ta đã sang trang mới" khi đề cập đến phán quyết ngày 12.7 của toà án quốc tế, trong đó bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” ở Biển Đông.
Phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Viêng Chăn, Lào, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói giọng thể hiện rõ sự nhẹ nhõm khi không một quốc gia Đông Nam Á nào đề cập đế phán quyết Biển Đông.
Thế nhưng, các quan sát viên ngoại giao cảnh báo ngược lại những đánh giá lạc quan của Trung Quốc và chỉ ra rằng Trung Quốc thực ra đang phải chịu áp lực gia tăng từ Mỹ và Nhật Bản tại hội nghị. Cả 2 nước trên đều nhấn mạnh nhiều lần trong vài ngày qua rằng phán quyết của toà án quốc tế ở The Hague phải được tuân thủ.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Ảnh: EPA)
Thậm chí ông Lưu cũng thừa nhận rằng tranh chấp ở Biển Đông, vấn đề hiếm khi được đề cập đến trong cuộc họp thượng đỉnh trước đó, đã trở thành chủ đề chính trong năm nay.
"Tôi đồng ý rằng Bắc Kinh đã giành một chiến thắng nhỏ khi tránh được một lời khiển trách của các đại biểu trong hội nghị thượng đỉnh", Jay Batongbacal, một giáo sư luật tại Đại học Philippines nói. "Nhưng việc quan hệ ASEAN-Trung Quốc bước sang một trang mới không có nghĩa là mọi thứ sẽ diễn biến theo cách Trung Quốc muốn."
Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng các quốc gia ASEAN đã thảo luận sâu rộng về tranh chấp hàng hải trong hội nghị thượng đỉnh và thậm chí còn đưa ra một lời chỉ trích Trung Quốc kín đáo trong một tuyên bố chung ngày 7.9.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc hoạt động trái phép ở Biển Đông (Ảnh: Reuters)
Đó là một bí mật mà ai cũng biết rằng Campuchia và Lào, hai quốc gia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, đã từ chối khiển trách Bắc Kinh trong khi nhiều quốc gia ASEAN khác cũng không muốn có một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN.
Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nói rằng mặc dù Bắc Kinh muốn dẹp bỏ phán quyết tòa án mãi mãi, phán quyết vẫn là một quyết định lịch sử, định hình chính sách của nhiều nước trong tương lai.
"Chỉ vì phán quyết không được đề cập trong tuyên bố chung ASEAN không có nghĩa là các thành viên sẵn sàng bỏ qua nó”, bà Glaser nói.