TQ: 98.000 con đập không phải "thuốc tiên" và hệ quả ở quốc gia nhiều đập nhất thế giới

Người nông dân tóc bạc trắng tên Qiao sống ở tỉnh An Huy, Trung Quốc chạy chân đất ra đồng lúc 2 giờ sáng để kịp gặt lúa trước khi nước lũ đến. Ông là một trong số hàng chục nghìn nông dân ở An Huy phải chứng kiến cảnh nhà cửa và đồng ruộng bị nhấn chìm do mưa lũ.

Đập Tam Hiệp – biểu tượng của ngành xây dựng Trung Quốc (ảnh: Xinhua)

Đập Tam Hiệp – biểu tượng của ngành xây dựng Trung Quốc (ảnh: Xinhua)

Như nhiều nông dân khác ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử, ông Qiao phải học cách sống chung với lũ. Tuy nhiên, mùa lũ năm nay được đánh giá là tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

“Tôi luôn tự động viên mình nghĩ về những điều tốt đẹp, nhưng trận lũ này quả thực quá sức chịu đựng”, ông Qiao chia sẻ.

Theo Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, lũ lụt đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 54 triệu người, khiến 3,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, 158 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính hơn 20 tỷ USD.

Mưa lũ lịch sử năm nay đã đặt dấu hỏi lớn về khả năng điều tiết lũ của hệ thống đập nước dày đặc ở Trung Quốc.

Hôm 18.7, 2 đoạn đê trên sông Trừ Hà ở An Huy đã bị phá bằng mìn cho nước lũ tràn qua. Cùng ngày, hơn 16.000 người bị mắc kẹt tại thôn Guzhen, tỉnh An Huy, khi nước dâng hơn 3m và tràn qua đê.

Lo ngại cũng gia tăng đối với đập Tam Hiệp. Trong đợt lũ thứ 2 trên sông Dương Tử, hồ chứa nước của con đập có thời điểm vượt 15 mét so với cảnh báo lũ – mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ đập Tam Hiệp đi vào hoạt động năm 2006.

Theo số liệu từ Bộ Thủy lợi Trung Quốc, nước này có hơn 98.000 con đập, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, đa số đập nước của Trung Quốc được xây dựng vào giai đoạn 1950 – 1960 và ít được tu bổ.

“Những đập nước kiểm soát lũ kiểu này không phải là thuốc tiên chữa bách bệnh. Lượng mưa xối xả trong thời gian qua khiến nước tích đầy trong các hồ chứa, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng ngay cả ở những con đập nhỏ”, Ma Jun – Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề công cộng và môi trường ở Bắc Kinh – nhận xét.

Một em bé được cảnh sát cứu hộ trong mùa lũ ở Trung Quốc (ảnh: Xinhua)

Một em bé được cảnh sát cứu hộ trong mùa lũ ở Trung Quốc (ảnh: Xinhua)

Mặc dù không thể bỏ qua yếu tố thời tiết cực đoan nhưng các trận lũ ở Trung Quốc cũng có liên hệ trực tiếp đến hành động của con người.

Trung Quốc đã phụ thuộc quá lớn vào mạng lưới đập nước dày đặc. Đập thủy điện xây dựng tràn lan ở các vùng trũng thấp, hệ thống thoát nước yếu kém... là các tác nhân khiến thiệt hại do lũ lụt gây ra trở nên trầm trọng thêm.

 “Phần lớn thiệt hại do lũ lụt gây ra ở Trung Quốc chủ yếu đến từ sự cố vỡ đê và việc xả nước từ các con đập. Nông thôn là khu vực gánh chịu thiệt hại do lũ nhiều hơn cả. Không ai muốn sống, canh tác hoa màu gần các con sông nhưng người nông dân không có nhiều lựa chọn”, ông Ma nói.

Một số nhà môi trường và kỹ sư có tiếng cho rằng, Trung Quốc nên cải tổ phương pháp kiểm soát lũ một cách toàn diện, không nên chỉ phụ thuộc vào các con đập.

Tuy nhiên, từ lâu đập Tam Hiệp đã được xem như biểu tượng cho ngành xây dựng ở Trung Quốc, bất chấp những vấn đề về môi trường, địa chất mà con đập mang lại.

“Gần như toàn bộ quy hoạch và thiết kế đô thị ở Trung Quốc đang đi theo một hướng duy nhất đó là xả lũ ra bằng mọi cách có thể. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần làm điều ngược lại”, Yu Kongjian – giáo sư tại Đại học Bắc Kinh – nói với LA Times.

Ông Yu theo học thiết kế tại Đại học Harvard, Mỹ và trở về Trung Quốc trước khi trận lũ thảm họa trên sông Dương Tử năm 1998 xảy ra, khiến hơn 4.000 người thiệt mạng

“Các thành phố ở Trung Quốc nên được thiết kế và quy hoạch sao cho chúng giống như miếng bọt biển. Dòng lũ phải bị làm chậm và giữ lại chứ không phải xả đi, gây thêm áp lực cho khu vực hạ nguồn”, ông Yu nói.

“Tôi không hài lòng với việc dựa dẫm quá nhiều vào các con đập do sức người xây dựng để kiểm soát lũ. Những con đập sẽ phá hủy môi trường tự nhiên và cảnh quan. Kiểm soát lũ cũng giống như chăm sóc sức khỏe con người. Nếu chúng ta sống nhờ vào máy thở và ống truyền thì quá mong manh. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày máy móc bị hư hỏng?”, ông Yu đặt vấn đề.

 Đập Tiểu Lãng Để trên sông Hoàng Hà xả lũ (ảnh: Xinhua)

 Đập Tiểu Lãng Để trên sông Hoàng Hà xả lũ (ảnh: Xinhua)

“Con người không thể ép tự nhiên phục từng theo ý mình. Tất cả mọi thứ do con người xây dựng đến một thời điểm rồi cũng sẽ bị hủy hoại, những tàn tích từ thành phố Rome cho chúng ta hiểu điều đó”, ông Yu nói thêm.

Ông Yu cho rằng, một số con đập ở Trung Quốc được “quảng cáo” là có thể kiểm soát trận lũ lớn nghìn năm có một. Tuy nhiên, sự thật là trong khoảng 100, 50 hoặc 10 năm kể từ khi hoàn thành, các con đập ở Trung Quốc đã phải đối mặt với tình huống nguy hiểm khi mực nước dâng cao.

Hệ thống đập dày đặc ở Trung Quốc được cho là chưa lường hết được sự thay đổi quá nhanh của biến đổi khí hậu. Tần suất xảy ra mưa lớn đã tăng 3,8% mỗi thập kỷ kể từ năm 1931 - theo Sách Xanh về biến đổi khí hậu của Trung Quốc, công bố năm 2019.

Trung Quốc đang “đi trước một bước” về phía đồng hồ đếm ngược, khi biến đổi khí hậu bắt đầu mang tới các đợt hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng thường xuyên hơn, theo Los Angeles Times.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: 5 người chết khi nước lũ tràn về ở Hồ Bắc, điều tồi tệ nhất có thể còn chưa tới

Đợt lũ thứ 3 năm nay trên sông Dương Tử tràn về đã khiến 5 người chết và 1 người mất tích ở tỉnh Hồ Bắc – nơi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam - Los Angeles Times ([Tên nguồn])
Đập Tam Hiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN