Tính bất khả xâm phạm các đại sứ quán: Tiền lệ và báo động

Chuyên gia cho rằng các vụ xâm phạm gần đây vào Đại sứ quán Iran ở Syria và Đại sứ quán Mexico ở Ecuador tạo tiền lệ nguy hiểm, đe dọa hệ thống luật pháp quốc tế về ngoại giao.

Từ lâu, đại sứ quán hay các cơ quan đại diện ngoại giao nói chung được coi là bất khả xâm phạm ngay cả trong xung đột vũ trang. Tuy nhiên, chỉ trong một tuần, hai chính phủ đã bị cáo buộc vi phạm luật quốc tế về quyền miễn trừ đối với các cơ quan ngoại giao nước ngoài theo những cách khác nhau.

Sự việc thứ nhất là vụ Iran cáo buộc Israel không kích vào tòa nhà lãnh sự nằm trong khu phức hợp Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus (Syria) hôm 1-4 khiến 7 thành viên cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng.

Vài ngày sau đó, ngày 5-4, cảnh sát Ecuador xông vào Đại sứ quán Mexico ở thủ đô Quito (Ecuador) để bắt cựu Phó Tổng thống Ecuador - ông Jorge Glas, người đang dính cáo buộc tham nhũng và đang xin tị nạn chính trị ở Mexico.

Trong bài viết đăng trên tờ The Conversation, ông Jorge Heine - cựu Bộ trưởng Bộ Tài sản quốc gia Chile nhận định hai sự kiện trên là nghiêm trọng và tạo tiền lệ nguy hiểm cho việc vi phạm tính thiêng liêng của đại sứ quán.

Ông Heine từng đứng đầu phái bộ của Chile tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Longer-Range Future thuộc ĐH Boston (Mỹ).

Vụ Iran: Đại sứ quán có thể trở thành mục tiêu quân sự?

Theo ông Heine, trong hai vụ việc, vụ không kích đại sứ quán Iran là nghiêm trọng hơn vì gây thiệt hại về nhân mạng và dẫn đến nguy cơ về các cuộc tấn công trả đũa. Dù vậy, ông Heine nhận định phản ứng của các nước phương Tây đối với vụ việc này khá miễn cưỡng.

Hiện trường vụ tòa nhà lãnh sự bên trong Đại sứ quán Iran tại Syria trúng không kích hôm 1-4. Ảnh: REUTERS

Hiện trường vụ tòa nhà lãnh sự bên trong Đại sứ quán Iran tại Syria trúng không kích hôm 1-4. Ảnh: REUTERS

Cụ thể, trong cuộc họp ngày 2-4 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về vụ không kích, ba thành viên thường trực của HĐBA là Mỹ, Anh và Pháp đều từ chối lên án vụ tấn công.

Pháp đổ lỗi cho Iran và các nhóm mà Tehran hậu thuẫn phải chịu trách nhiệm về sự leo thang gần đây ở Trung Đông. Trong khi đó, Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền bất khả xâm phạm cơ sở và nhân viên ngoại giao nhưng cũng không lên án vụ việc. Còn Mỹ cho biết nước này không liên quan vụ tấn công, đồng thời kêu gọi Iran và các nhóm thân Iran “tránh làm căng thẳng leo thang trong khu vực”.

Israel không thừa nhận thực hiện vụ tấn công nhưng lập luận rằng nơi bị không kích chỉ là nơi ở của các quan chức và chỉ huy quân đội Iran chứ không thực sự là địa điểm ngoại giao. Israel cho rằng đây là “một tòa nhà quân sự cải trang thành tòa nhà dân sự”.

Với quan điểm của Israel, tòa nhà là một mục tiêu tấn công hoàn toàn hợp pháp. Theo chuyên gia, lập luận này đã đẩy gần như tất cả đại sứ quán trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp vì phần lớn các đại sứ quán đều có số lượng đáng kể nhân viên quân sự và tình báo.

“Việc cho rằng vì lý do đó mà các đại sứ quán nên mất quyền miễn trừ ngoại giao và trở thành mục tiêu hợp pháp cho các cuộc tấn công vũ trang sẽ khiến toàn bộ Công ước Vienna về ngoại giao sụp đổ. Và quan điểm này sẽ trở thành cơ sở cho các tương tác ngoại giao chính thức trên toàn thế giới” - ông Heine nhận định.

Vụ Ecuador: Quyền miễn trừ của cơ quan ngoại giao và quyền tị nạn chính trị, ưu tiên quyền nào?

Xét trường hợp giữa Ecuador và Mexico, chuyên gia cho rằng mặc dù vụ việc này ít nghiêm trọng hơn vì không gây thiệt hại về nhân mạng, nhưng lại phức tạp hơn do phải xét nhiều yếu tố pháp lý khác.

Cảnh sát Ecuador đưa cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas đến nhà tù sau khi bắt ông này tại Đại sứ quán Mexico ở Ecuador hôm 5-4. Ảnh: AFP

Cảnh sát Ecuador đưa cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas đến nhà tù sau khi bắt ông này tại Đại sứ quán Mexico ở Ecuador hôm 5-4. Ảnh: AFP

Tâm điểm của cuộc tranh cãi là cựu Phó Tổng thống Glas - người đã ngồi tù 4 năm sau khi bị kết án năm 2017 về tội tham nhũng. Sau khi ra tù, ông này tiếp tục bị truy nã vì nhiều cáo buộc.

Tháng 12-2023, ông Glas xin tị nạn ở Mexico và tạm thời trú ẩn tại Đại sứ quán Mexico. Mexico đã chấp nhận yêu cầu và cũng đã thông báo cho chính phủ Ecuador về vấn đề này.

Giải thích cho việc cử cảnh sát đột kích Đại sứ quán Mexico, Ecuador cho rằng ông Glas không thể được tị nạn chính trị vì ông này đang đối mặt các cáo buộc trọng tội và Mexico đã lạm dụng quyền miễn trừ ngoại giao khiến Ecuador không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cử cảnh sát tiến vào đại sứ quán.

Lập luận của Ecuador dẫn đến việc xem xét hai cơ sở pháp lý. Thứ nhất, đó là Công ước của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ về Quyền tị nạn năm 1954. Theo đó, tị nạn chính trị không thể được cấp cho những người đang dính cáo buộc trọng tội trừ khi những cáo buộc này có tính chất chính trị. Và yếu tố có “tính chất chính trị” hay không do nước cấp tị nạn quyết định.

Thứ hai là Điều 21 của Công ước Vienna, trong đó quy định rằng các cơ quan đại diện ngoại giao được hưởng đầy đủ quyền miễn trừ và quyền ngoại giao, nghĩa là chính phủ sở tại không có quyền vào đại sứ quán nếu không có sự cho phép của người đứng đầu đại sứ quán.

Theo ông Heine, cả hai cơ sở pháp lý này đều cần được tôn trọng. Như vậy, nếu chính phủ Ecuador coi ông Glas không đủ điều kiện để xin tị nạn chính trị, họ có thể không cấp lối đi an toàn dành cho người tị nạn và ngăn chặn việc ông này rời khỏi đất nước thay vì đột kích vào đại sứ quán.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng bất kể tình huống xin tị nạn chính trị nào, việc xông vào đại sứ quán là hành vi cố ý vi phạm các chuẩn mực ngoại giao.

Ông Heine cho rằng việc Ecuador vi phạm công ước Vienna có nguy cơ tạo ra một tiền lệ mà các chính phủ khác làm theo, làm suy yếu các cơ cấu ngoại giao, nhất là ở khu vực có truyền thống xin tị nạn chính trị như Mỹ Latinh.

Không được thờ ơ trước sự xâm phạm cơ quan ngoại giao

Ông Heine cho rằng thái độ "tương đối thoải mái" của cộng đồng quốc đối với hai vụ xâm phạm gần đây phản ánh sự thất bại trong việc thấu hiểu hậu quả của việc xói mòn các quy tắc về quyền miễn trừ ngoại giao.

“Khi những thách thức toàn cầu gia tăng, các đại sứ quán trở nên quan trọng hơn. Nếu hai câu chuyện gần đây cho thấy bảo vệ đại sứ quán chỉ là thứ yếu so với bất cứ điều gì có lợi về mặt chính trị, thì việc này sẽ gây bất lợi lớn cho khả năng quản lý quan hệ quốc tế. Ngoại giao sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều” - ông Heine nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Mexico mới đây công bố video về cuộc đột kích của cảnh sát Ecuador vào Đại sứ quán Mexico, gọi hành động này là "cuộc đột nhập trái phép và bạo lực".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN