Tham vọng của Trung Quốc khi Trump rút Mỹ khỏi TPP

Trung Quốc cam kết theo đuổi thương mại tự do và thúc đẩy các thỏa thuận khác sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP.

Tham vọng của Trung Quốc khi Trump rút Mỹ khỏi TPP - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP.

Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các thỏa thuận thương mại thay thế TPP, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Bà Hoa nói Trung Quốc đã đạt bước tiến đáng kể trong việc đàm phán RCEP và thỏa thuận này sắp được hoàn tất, tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương.

“Chúng tôi luôn ủng hộ việc các quy tắc thương mại cần được hình thành dựa trên sự đồng thuận của các bên liên quan”, bà Hoa nói. “Với một tinh thần cởi mở, toàn diện và minh bạch, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực”.

Sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của ông Trump được cho là tạo cơ hội để Trung Quốc thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu hóa.

“Thay vì nhắc đến từ ‘lãnh đạo’, tôi nghĩ rằng nên dùng từ ‘trách nhiệm’,” bà Hoa trả lời câu hỏi về vấn đề này. “Từ Hội nghị G20 ở Hàng Châu, Hội nghị APEC ở Lima (Peru) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Trung Quốc đã gửi thông điệp rằng, đóng góp của Bắc Kinh là rõ ràng”.

Bắc Kinh cũng đang theo đuổi Sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ họp với các nhà lãnh đạo thế giới vào tháng 5 tới để thảo luận về cách mở rộng thương mại và đầu tư thông qua sáng kiến này.

Tham vọng của Trung Quốc khi Trump rút Mỹ khỏi TPP - 2

Quyết định của ông Trump được cho là tạo cơ hội lớn cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc tỏ ra thận trọng, nói rằng Bắc Kinh không nên vui mừng quá sớm. “Trung Quốc cần phải hành động nhanh chóng trước khi ông Trump thay đổi quyết định vừa đưa ra các thỏa thuận khác thay thế TPP”.

Zhou Shijian, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế ở Đại học Thanh Hoa nói, quãng thời gian một hoặc hai năm tới là thời điểm hoàn hảo để Trung Quốc đẩy nhanh thỏa thuận thương mại khu vực, như RCEP.

“Trung Quốc nên nắm lấy cơ hội, vốn sẽ không duy trì quá lâu trước khi ông Trump nhận ra hệ quả của việc rút khỏi TPP”, ông Zhou nói.

Lin Limin, nhà phân tích chiến lược tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại cho rằng, bước đi của Mỹ là dấu hiệu cho thấy “sự sụp đổ của liên minh các nước châu Á do Mỹ dẫn đầu, nhằm kiềm tỏa Trung Quốc”. Nhưng điều này không có nghĩa rằng Bắc Kinh sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực một cách dễ dàng.

Sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” được cho là thỏa thuận đối trọng với TPP. Ông Lin nói chiến lược này có những hạn chế riêng và có thể không giải quyết được những khó khăn ngay cả khi TPP gặp trở ngại.

“Nhiều quốc gia mà Trung Quốc đầu tư vào như Pakistan, đang đứng trước những bất ổn an ninh. Đó là những rắc rối mà Bắc Kinh cần phải tìm cách giải quyết”, ông Lin nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN