Rạn nứt nội bộ và tương lai chính trị của ông Netanyahu

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đối mặt thách thức lớn khi các thành viên bên trong nội các chính phủ lẫn nội các chiến tranh công khai chỉ trích ông về cuộc chiến ở Gaza.

Cách tiếp cận của Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu đối với cuộc chiến ở Gaza đang khiến một số thành viên cả trong nội các chiến tranh và liên minh cầm quyền của ông bất bình và thậm chí ra "tối hậu thư" với thủ tướng. Theo giới quan sát, diễn biến đáng chú ý này có thể tác động lớn tới vai trò lãnh đạo của ông Netanyahu cũng như cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Rạn nứt về kế hoạch hậu Gaza

Ngày 19-5, ông Benny Gantz – một trong 3 lãnh đạo nội các chiến tranh Israel và là lãnh đạo đảng đối lập Israel (đảng Xanh và Trắng) – đã ra tối hậu thư cho ông Netanyahu. Theo đó, ông Gantz kêu gọi chính phủ Israel lập kế hoạch 6 điểm về “các mục tiêu chiến lược” tại Dải Gaza, cảnh báo sẽ rời nội các nếu kế hoạch này khônh thành hình trước ngày 8-6, theo tờ The Times of Israel.

(Từ trái sang phải) Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Bộ trưởng Nội các chiến tranh Benny Gantz. Ảnh: ABIR SULTAN POOL/REUTERS

(Từ trái sang phải) Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Bộ trưởng Nội các chiến tranh Benny Gantz. Ảnh: ABIR SULTAN POOL/REUTERS

Theo Times of Israel, ông Gantz đã kêu gọi chính phủ Israel xây dựng một kế hoạch cụ thể, rõ ràng về Gaza, trong đó có 6 mục tiêu chiến lược: (1) Đưa con tin về nhà; (2) Tiêu diệt Hamas, phi quân sự hóa Dải Gaza và thiết lập quyền kiểm soát an ninh cho Israel tại Gaza; (3) Tạo ra một cơ chế quản lý dân sự quốc tế cho Gaza; (4) Khôi phục đời sống cho người dân Israel bị ảnh hưởng do xung đột (những người đã phải sơ tán khẩn cấp do các đợt tấn công của Hezbollah tại miền Bắc Israel,...); (5) Thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia; (6) Áp dụng khuôn khổ mới về phục vụ nghĩa vụ quân sự.

Ông Gantz còn nhận định rằng cuộc chiến tại Gaza trong những tháng gần đây đang đi chệch hướng vì sự hèn nhát của một số nhà lãnh đạo Israel.

“Trong khi những người lính Israel đang thể hiện sự dũng cảm trên chiến trường thì những người cử họ ra trận lại thể hiện sự hèn nhát và thiếu trách nhiệm. Muốn thắng một cuộc chiến, chúng ta phải có la bàn chiến lược rõ ràng. Nếu ông Netanyahu và chính phủ Israel không khẩn trương đưa ra quyết định cho các vấn đề quan trọng đối với Gaza, tôi sẽ rời khỏi nội các chiến tranh” - ông Gantz nói.

Trước đó, hôm 15-5, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Yoav Gallant kêu gọi ông Netanyahu làm rõ kế hoạch hậu xung đột ở Gaza. Theo ông Gallant, việc thiếu kế hoạch cụ thể đang làm xói mòn những thành quả đã đạt được, thậm chí đe dọa an ninh lâu dài của Israel.

Bên cạnh đó, ông Netanyahu đang vấp phải quan điểm cứng rắn từ hai bộ trưởng trong nội các ông lãnh đạo về cuộc xung đột của Israel ở Gaza. Họ là Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, theo tờ The Wall Street Journal.

Ông Ben-Gvir và ông Smotrich được biết đến là những người có quan điểm cực hữu và đưa ra các chủ trương rất cứng rắn về vấn đề Gaza và cuộc xung đột với Hamas.

Ông Ben Gvir và ông Smotrich phản đối việc kết thúc xung đột, muốn Israel đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Gaza. Họ phản đối những động thái nhằm mở rộng quyền kiểm soát của người Palestine tại Dải Gaza. Ngoài ra, họ cũng không ủng hộ giải pháp hai nhà nước.

Ông Ben-Gvir và ông Smotrich cũng từng đưa ra “lằn ranh đỏ” cho ông Netanyahu. Khi triển vọng về thỏa thuận con tin xuất hiện vào cuối tháng 4, ông Ben-Gvir cảnh báo ông Netanyahu về hậu quả nếu ông chấp nhận thỏa thuận thả con tin. Phần mình, ông Smotrich cảnh báo ông Netanyahu không nên “giương cờ trắng” với Hamas và nhấn mạnh rằng chính phủ do ông Netanyahu lãnh đạo sẽ “không có quyền tồn tại” nếu lực lượng Israel không đổ bộ Rafah.

Ông Ben-Gvir và ông Smotrich có sức ảnh hưởng to lớn. Theo tờ The Guardian, ông Ben-Gvir và ông Smotrich là những người nắm trong tay sự sống còn tương lai chính trị của ông Netanyahu.

Ông Ben-Gvir và ông Smotrich cũng đã nói rõ rằng họ sẽ rời khỏi liên minh cầm quyền nếu ông Netanyahu chấp nhận yêu cầu của Mỹ về việc không đổ bộ Rafah. Điều này xảy ra sẽ khiến chính phủ Israel sụp đổ và buộc phải tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Thấy gì từ sự chia rẽ của giới lãnh đạo Israel?

Theo nhận định của ông Michael Oren – cựu đại sứ Israel tại Mỹ, sở dĩ ông Netanyahu "có thể chịu được áp lực to lớn” vì nghĩ rằng sự sống còn của Israel về bản chất có liên quan đến sự sống còn của ông.

Ông Netanyahu cho rằng các thành viên nội các có quan điểm đối lập đang chơi trò chơi chính trị trong thời kỳ xung đột, nhằm tìm cách kích hoạt các cuộc bầu cử. Ông Netanyahu khẳng định ông chỉ tập trung vào việc giành được “chiến thắng toàn diện” trước Hamas và giải cứu các con tin.

Rạn nứt nội bộ và tương lai chính trị của ông Netanyahu - 2

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: REUTERS

Ông Boaz Bismuth – thành viên đảng Likud của ông Netanyahu – ​​cho rằng tình hình chính trị trong nước không ảnh hưởng nhiều đến việc tiến hành cuộc chiến chống Hamas. “Tôi biết ngài ấy từ năm 1989. Chưa bao giờ tôi thấy ngài ấy tập trung đến thế” – theo ông Bismuth.

Ông Amit Segal – một nhà báo người Israel thuộc cánh hữu – cho rằng cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Netanyahu thực sự có “cuộc chiến” với các nhóm chính trị trong nước. Đối với ông Biden, chính những cử tri cấp tiến phản đối việc ông ủng hộ cuộc chiến Israel ở Gaza. Đối với ông Netanyahu, chính những người có đường lối cứng rắn phản đối việc Israel nhượng bộ Mỹ.

Trong khi đó, nhà phân tích Seth Frantzman tại Jerusalem nói với tờ Politico rằng sự rạn nứt hiện nay cho thấy "nội các chiến tranh và liên minh cầm quyền của Israel dường như vẫn chưa đưa ra một kế hoạch rõ ràng cho Gaza thời hậu chiến".

"Cả Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và thành viên nội các chiến tranh Gantz hiện đều đã lên tiếng về việc thiếu mục tiêu rõ ràng ở Gaza" - ông Frantzman nói.

Ngoài ra, hãng tin Reuters dẫn nhận định của giới chuyên gia rằng nếu ông Gantz từ chức khỏi nội các chiến tranh, ông Netanyahu sẽ mất đi sự ủng hộ của đối thủ chính trị lớn nhất, vốn đã góp phần mở rộng sự ủng hộ cho chính phủ Israel ở trong nước và nước ngoài.

Trong trường hợp đó, ông Netanyahu có thể vẫn tiếp tục giữ thế đa số trong quốc hội với sự hậu thuẫn của các đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan - những đảng đã khiến Washington tức giận ngay cả trước cuộc xung đột ở Gaza. Song điều này sẽ gây áp lực mới lên ông Netanyahu, có thể làm gia tăng thêm căng thẳng với Mỹ và dấy lên những câu hỏi mới về việc một chính phủ như vậy có thể tồn tại được bao lâu.

Mỹ, Israel tăng chỉ trích ICC về khả năng phát lệnh bắt ông Netanyahu

Tối 20-5 (giờ địa phương), Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu chỉ trích rằng lệnh bắt giữ của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) với ông nếu được thông qua là “vô lý và sai lầm”, “không chỉ chống lại thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Israel, mà còn chống lại toàn bộ Nhà nước Israel”, theo tờ The Times of Israel.

Ông Netanyahu cũng cho rằng công tố viên ICC “lạm dụng quyền hạn” và “đổ thêm dầu vào lửa” chủ nghĩa bài Do Thái.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 21-5 cũng cho rằng lệnh bắt giữ của ICC sẽ cản trở triển vọng đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.

Ông Blinken cũng cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng hợp tác với quốc hội Mỹ để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công tố viên ICC nếu lệnh bắt giữ được thông qua, theo hãng tin Reuters.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ hy vọng hội nghị về quốc phòng diễn ra ở Riyadh ngày 22/5 sẽ giúp thúc đẩy mục tiêu xây dựng lá chắn tên lửa ở khu vực, nhất là sau vụ Israel đối phó thành công đợt tấn công ồ ạt bằng tên lửa và máy bay không người lái từ Iran.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN