Phát hiện lý do gây huyết khối khi tiêm vaccine AstraZeneca

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Các nhà khoa học ở Đức và Na Uy đã xác định được nguyên nhân gây huyết khối sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca và cho biết có thể đưa ra phương pháp điều trị.

Nhật báo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 19-3 đưa tin các nhà khoa học ở Đức và Na Uy đã xác định được cơ chế khiến việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca gây ra biến chứng đông máu não hiếm gặp, đồng thời cho biết có thể đưa ra phương pháp điều trị.

Hai nhóm các nhà nghiên cứu tại Na Uy và Đức đã độc lập phát hiện rằng vaccine của AstraZeneca có thể kích hoạt phản ứng tự miễn dịch, khiến cơ thể tạo ra kháng thể gây đông máu.

Điều này sẽ giúp lý giải các trường hợp có biến chứng máu đông sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca thời gian qua, khiến nhiều quốc gia ngừng kế hoạch sử dụng loại vaccine này.

GS Pål André Holme. Ảnh: AP

GS Pål André Holme. Ảnh: AP

GS Pål André Holme - người đứng đầu cuộc điều tra về các trường hợp máu đông ở Na Uy - cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã xác định được một loại kháng thể do vaccine của AstraZeneca tạo ra.

“Không có gì khác ngoại trừ chính vaccine có thể giải thích tại sao những người được tiêm chủng lại có phản ứng miễn dịch này” - GS Holme nói.

Một nhóm các nhà nghiên cứu người Đức, do GS Andreas Greinacher tại Phòng khám Đại học Greifswald dẫn đầu, hôm 19-3 cho biết họ đã độc lập đưa ra kết luận giống như kết luận của nhóm nghiên cứu của GS Holme tại Na Uy.

Trong tuyên bố hôm 19-3, nhóm các nhà nghiên cứu Đức cho biết những trường hợp mắc biến chứng - đã xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt hoặc suy giảm thị lực bốn ngày sau khi tiêm - có thể nhanh chóng được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu. 

Theo GS Greinacher, với tin tức này, mọi người không nên sợ vaccine.

“Rất, rất ít người sẽ xuất hiện biến chứng” - GS Greinacher cho biết trong một cuộc họp báo hôm 19-3.

"Nhưng nếu biến chứng xảy ra, chúng tôi biết cách điều trị cho các bệnh nhân" - ông Greinacher nói.

Ông Greinacher cho biết sau khi chẩn đoán nhanh chóng, tình trạng huyết khối có thể được điều trị ở bất kỳ bệnh viện hạng trung nào.

Chính phủ Đức cho biết nước này đang đánh giá các phát hiện mới, song vẫn giữ nguyên quyết định tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết đã ghi nhận thông tin về các phát hiện trên của nhóm chuyên gia tại Đức và Na Uy, và đang hợp tác với các chuyên gia của Anh để xác định xem liệu những phát hiện tương tự có thể được chứng minh tại Anh hay không.

“Với tỷ lệ xuất hiện các ca bệnh huyết khối xoang tĩnh mạch não (CVST) cực kỳ hiếm trong số 11 triệu người được tiêm chủng và vì mối liên hệ với vaccine chưa được chứng minh, lợi ích của vaccine trong việc ngăn ngừa COVID-19 tiếp tục chiếm ưu thế hơn các rủi ro” - một phát ngôn viên của EMA cho biết.

Để phòng ngừa, cơ quan này khuyến cáo bất kỳ ai bị đau đầu dai dẳng, hoặc bầm tím ngoài vị trí tiêm phòng sau vài ngày, nên đi khám.

Theo WSJ, cả phát hiện của nhóm nghiên cứu tại Đức và Na Uy đều chưa được công bố. GS Greinacher cho biết ông sẽ gửi phát hiện của mình cho tạp chí y khoa The Lancet của Anh trong những ngày tới.

Tiến sĩ Robert Klamroth - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Huyết khối và Cầm máu -  cho biết phản ứng tự miễn dịch hiếm gặp xảy ra thường xuyên hơn ở Đức vì ban đầu nước này chỉ cho phép tiêm vaccine cho những người dưới 64 tuổi.

Theo ông Klamroth, sau khi được chẩn đoán, hiện tượng máu đông nên được điều trị bằng thuốc làm loãng máu và immunoglobulin.

“Chúng tôi tin rằng giả thuyết khả thi nhất là loại vaccine này gây ra một phản ứng tự miễn dịch hiếm gặp, kích hoạt các kháng thể, sau đó tương tác với các tiểu cầu, nhưng chúng tôi không biết tại sao điều này lại xảy ra” - ông Klamroth nói. 

Nguồn: [Link nguồn]

Hơn 10 quốc gia nối lại việc sử dụng vaccine của AstraZeneca

WHO kêu gọi các quốc gia tiếp tục sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca, trong bối cảnh hơn 10 quốc gia đã nối lại việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HÒA ĐẶNG ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN