Pháp rút quân khỏi Niger, cán cân ảnh hưởng sẽ thay đổi

Pháp rút quân khỏi Niger có thể tác động đến cán cân ảnh hưởng trong khu vực.

Đảo chính hàng loạt ở châu Phi và vai trò của Pháp tại nhiều nước ở đây là chủ đề được chú ý thời gian qua (5/7 nước đảo chính là thuộc địa cũ của Pháp và Pháp hiện vẫn có vai trò quan trọng ở các nước này).

Liên quan đến sự kiện này vừa xuất hiện động thái đáng chú ý, có thể tác động đến cán cân ảnh hưởng trong khu vực.

Pháp rút quân khỏi Niger

Ngày 24-9, trả lời phỏng vấn các đài truyền hình TF1 và France 2 của Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo sẽ rút Đại sứ Sylvain Itte, một số nhân viên ngoại giao và binh sĩ đồn trú khỏi Niger - một thuộc địa cũ của Pháp.

Trợ lý của Tổng thống bị lật đổ Mohammed Bazoum nói với hãng tin AP rằng chính ông Bazoum đã yêu cầu ông Macron rút Đại sứ Itte về nước “để giảm bớt căng thẳng”. Ông Macron vẫn tuyên bố Pháp không công nhận chính quyền quân sự là cơ quan có thẩm quyền hợp pháp của Niger, vẫn coi Tổng thống Bazoum, đang bị các lãnh đạo đảo chính bắt giữ, là nhà lãnh đạo hợp pháp của Niger.

Người dân Niger cầm biểu ngữ “Chúng tôi không còn muốn nước Pháp nữa” biểu tình trước căn cứ Pháp ở thủ đô Niamey (Niger) ngày 30-8. Ảnh: REUTERS

Người dân Niger cầm biểu ngữ “Chúng tôi không còn muốn nước Pháp nữa” biểu tình trước căn cứ Pháp ở thủ đô Niamey (Niger) ngày 30-8. Ảnh: REUTERS

Về tiến trình rút quân, theo ông Macron, Pháp sẽ rút dần dần trong vài tuần đến vài tháng tới và sẽ hoàn tất rút hết 1.500 binh sĩ đang đồn trú ở Niger vào cuối năm nay. Ông Macron nói rằng nhiệm vụ của binh sĩ Pháp ở Niger là hỗ trợ chống khủng bố và nổi dậy, nhưng sau đảo chính thì chính quyền quân sự Niger không còn mặn mà việc này nữa.

Trước thông báo của ông Macron thì tại Niger, sau đảo chính hầu như hằng ngày đều diễn ra biểu tình yêu cầu Pháp rút quân. Căn cứ quân sự của Pháp ở thủ đô Niamey của Niger trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình chống Pháp kể từ cuộc đảo chính ngày 26-7. Sau khi ông Macron thông báo, chính quyền quân sự Niger lên tiếng rằng diễn biến này báo hiệu một “bước tiến mới hướng tới chủ quyền” của đất nước, theo AP.

Pháp không còn là “hiến binh” của châu Phi?

AP lưu ý đến thực tế những người tiền nhiệm của ông Macron - bao gồm các tổng thống François Hollande, Nicolas Sarkozy, Jacques Chirac và François Mitterrand - đều đã phát động các hoạt động quân sự mới của Pháp trên lục địa châu Phi nhưng thời ông Macron thì không.

Quyết định rút quân khỏi Niger được cho sẽ làm giảm thêm ảnh hưởng của Pháp ở khu vực. Trước khi đi đến quyết định chấm dứt hiện diện quân sự ở Niger, Pháp cũng đã rút quân khỏi hai nước láng giềng của Niger là Mali và Burkina Faso. Pháp cũng đình chỉ các hoạt động quân sự với Cộng hòa Trung Phi. Theo giới quan sát, việc Pháp giảm dần hiện diện quân sự ở khu vực đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của phương Tây ở đây dần bị thu hẹp.

Theo Reuters, ảnh hưởng của Pháp đối với các thuộc địa cũ ở Tây Phi đang trên đà suy yếu, đặc biệt trong những năm gần đây. AP dẫn nhận định của nhiều chuyên gia rằng kỷ nguyên của Pháp với tư cách là “hiến binh” của châu Phi cuối cùng có thể đã kết thúc.

Ông Peter Pham, cựu đặc phái viên của Mỹ tại khu vực Sahel của châu Phi (Sahel là một dải đất bán khô cằn trải dài khắp lục địa, nằm trên sa mạc Sahara), nhấn mạnh rằng thời thế đã thay đổi. Nhà nghiên cứu Andrew Lebovich thuộc Viện Clingendael (Hà Lan, nghiên cứu quan hệ quốc tế) cho rằng quyết định của ông Macron đánh dấu sự chấp nhận “thực tế khắc nghiệt đối với Pháp trong khu vực và có thể đặt ra một số giới hạn đối với việc triển khai của Mỹ ở Niger”.

Tính tới thời điểm này, Pháp duy trì hơn 5.500 quân trên khắp sáu quốc gia châu Phi, trong đó có hơn 3.000 quân đóng tại các căn cứ thường trực ở Gabon, Djibouti, Senegal và Bờ Biển Ngà, cộng với khoảng 2.500 quân tham gia hoạt động quân sự ở Chad và Niger.

Cán cân ảnh hưởng sẽ khác

Trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại New York (Mỹ) ngày 21-9, đại diện chính quyền quân sự Niger cáo buộc Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cản trở sự tham gia đầy đủ của quốc gia Tây Phi này tại cuộc họp, việc này nhằm xoa dịu Pháp và các đồng minh. Cũng tại kỳ họp này, ông Bassolma Bazié, Quốc vụ khanh Burkina Faso, chỉ trích nhiều tổ chức và nhiều nước lớn vì “sự đạo đức giả ngoại giao”.

Phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ ngày 21-9, Tổng thống Guinea Mamadi Doumbouya nhấn mạnh rằng ông từ chối ảnh hưởng của phương Tây ở lục địa hơn tỉ dân này, bác bỏ nỗ lực của phương Tây và các nước phát triển khác nhằm can thiệp vào các thách thức chính trị của châu Phi.

Trong khi đó, ảnh hưởng của một số nước ngoài khối phương Tây, đặc biệt là Nga ngày càng tăng ở châu Phi. Cờ Nga xuất hiện rất nhiều trong các cuộc biểu tình trên đường phố Niamey thời gian qua. Lực lượng lính đánh thuê Wagner hiện diện tại nhiều nước châu Phi như Mali, CHDC Trung Phi, Libya. Một số nước phương Tây cho biết Wagner cũng hiện diện ở Sudan nhưng Wagner không thừa nhận.

Trước khi qua đời trong vụ tai nạn máy bay ở Nga tháng trước, trùm Wagner - ông Yevgeny Prigozhin công bố đoạn video được cho quay ở châu Phi, trong đó nhân vật này nói về việc làm cho nước Nga trở nên vĩ đại hơn trên tất cả châu lục và giúp châu Phi tự do hơn. Giới quan sát cho rằng các nước phương Tây đang lo ngại rằng Niger có thể theo chân Mali và thay thế lực lượng phương Tây bằng lính Wagner.

Chính phủ Burkina Faso do chính quyền quân sự lãnh đạo đang cởi mở hơn với Nga để hỗ trợ nước này chống khủng bố. Thời gian gần đây, Burkina Faso đón loạt chuyến thăm của nhiều thành viên cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga và của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Trước Đại hội đồng LHQ, ông Bazié bác thông tin rằng Burkina Faso đã chính thức thiết lập quan hệ với Tập đoàn Wagner, song có nói thêm rằng Burkina Faso sẽ “mua tài sản quốc phòng từ bất kỳ ai, dù là Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Cuba, Nicaragua hay Bắc Triều Tiên…”

An ninh khu vực Sahel bị thách thức

Trong hai năm qua, khu vực cận Sahara trở thành “vành đai đảo chính” ở châu Phi với bảy cuộc đảo chính quân sự: Chad, Guinea, Sudan, Burkina Faso (năm 2021), Mali (năm 2022), Niger và Gabon (năm 2023).

Cùng với một số nước phương Tây, Pháp triển khai hàng ngàn binh sĩ ở khu vực Sahel theo yêu cầu của các lãnh đạo châu Phi để chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan. Theo Reuters, việc Pháp rút quân sẽ tác động tiêu cực đến các hoạt động chống khủng bố, nổi dậy ở khu vực Sahel. Cho đến trước sự việc đảo chính, Niger vẫn là đối tác an ninh quan trọng của Pháp và Mỹ. Niger là căn cứ để Pháp cũng như Mỹ chống khủng bố và nổi dậy ở khu vực Sahel.

Theo Chỉ số khủng bố toàn cầu năm nay, 43% số người chết do khủng bố trong năm 2022 là ở khu vực Sahel.

Theo các chuyên gia LHQ, tại Mali, nơi quân đội nắm quyền từ năm 2020, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tăng gần gấp đôi lãnh thổ mà lực lượng này kiểm soát trong vòng chưa đầy một năm.

Burkina Faso, nơi ghi nhận hai cuộc đảo chính vào năm 2020, chứng kiến hơn 16.000 người thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố kể từ năm 2016, gần 1/3 trong số này thiệt mạng vào năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này đã giảm xuống 2,5% trong năm 2022, sau mức tăng mạnh 6,9% của năm trước.

Nguồn: [Link nguồn]

Niger và 2 đồng minh Tây Phi thành lập liên minh phòng thủ chung

Ba quốc gia Tây Phi, từng là thuộc địa của Pháp, đã thành lập một liên minh an ninh chung. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo THIÊN ÂN ([Tên nguồn])
Đảo chính ở Niger Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN