Những điểm quan trọng nhất trong vụ kiện Biển Đông
Phán quyết lịch sử ngày hôm nay 12.7 đã bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” mà Trung Quốc tuyên bố trước trên Biển Đông.
"Đường 9 đoạn" phi lý mà Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài thường trực LHQ bác bỏ
Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế vì xâm phạm chủ quyền phần lớn diện tích ở Biển Đông. Vụ kiện này đã kéo dài hơn 3 năm với hơn 4.000 trang tài liệu và được tổ chức ở The Hague, Hà Lan.
Về bản chất, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông, kể cả vùng biển tiếp giáp các quốc gia khác. Trung Quốc ngang ngược nói rằng nước này có cái gọi là “chủ quyền” dựa trên tấm bản đồ 9 đoạn từ những năm 1940. Philippines liên tục phản đối tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc.
Tòa trọng tài là gì và quyền hạn ra sao?
Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế đã tuyên bố không tồn tại cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc đối với khu vực "đường lưỡi bò" trên Biển Đông.
Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) là một tổ chức liên chính phủ thành lập năm 1989. Tòa án PCA có 121 thành viên, bao gồm Philippines và Trung Quốc. Tòa án được thành lập dựa trên việc tuân thủ quy tắc biển quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).
5 thành viên phụ trách tòa án là những chuyên gia hàng đầu về biển đảo và Philippines được phép chọn một thành viên. Trung Quốc từ bỏ quyền lựa chọn thành viên tòa án. Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế có quyền đưa ra luật lệ và công bố phán quyết không thể chối bỏ. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế không có biện pháp thực thi phán quyết mà chỉ yêu cầu những bên liên quan thực thi theo cam kết.
Những lí lẽ chính quyền Manila đưa ra?
Philippines đã đưa ra 5 lí lẽ chính trước Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế:
-Trung Quốc không được phép thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” với vùng biển được công ước UNCLOS xác định, trong đó cả Philippines và Trung Quốc đều là thành viên.
- “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở luật pháp quốc tế.
- Những khu vực Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không phải là đảo nên không thể áp dụng các quy tắc của UNCLOS. Gần đây, Trung Quốc bồi lấp trái phép đảo nhân tạo thì sự thật này vẫn không thể thay đổi.
- Trung Quốc vi phạm công ước UNCLOS vì ngăn chặn Philippines đánh bắt và khai thác cá trên Biển Đông.
- Trung Quốc đã phá hoại môi trường biển bằng việc tàn phá rạn san hô, dùng các biện pháp đánh bắt cá gây hại và tận diệt các loài hải sản quý dưới Biển Đông.
Vì sao Manila hành động?
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn và tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino, Philippines đã sử dụng tất cả các biện pháp chính trị, ngoại giao để giải quyết mâu thuẫn 17 năm qua với Trung Quốc. Philippines gọi luật pháp quốc tế là “cán cân vĩ đại” giúp những quốc gia nhỏ có thể khởi kiện những nước lớn. Với dân số 100 triệu dân, Philippines là một trong những nước có nền quân sự yếu kém nhất châu Á, vị thế kinh tế, chính trị đều thua kém so với Trung Quốc.
Ý kiến của Trung Quốc là gì và phản ứng thế nào?
Trung Quốc nói Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế không có quyền phân xử và ngang ngược phớt lờ phán quyết cuối cùng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp về cái gọi là “chủ quyền” và cảnh báo nước này “không ngại va chạm”. Dù vậy không rõ Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao sau phán quyết lịch sử 12.7.
- Trung Quốc có thể chọn rút lui khỏi công ước UNCLOS hoặc mở rộng xây dựng ở khu vực Scarborough của Philippines. Bãi Scarborough đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 2012 và đây được xem là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
- Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận diện phòng không trên biển và ngang ngược tuyên bố có quyền kiểm tra máy bay đi qua không phận trên.
- Trung Quốc có thể chọn cách khác bằng cách đối thoại trực tiếp với Philippines để dẹp bỏ căng thẳng.
Nếu Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế không thể thực thi phán quyết và Trung Quốc cố tình phớt lờ, điều gì sẽ xảy ra?
Tham vọng bành trướng của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Philippines hy vọng phán quyết sẽ giúp tạo ra áp lực từ cộng đồng quốc tế buộc Trung Quốc phải nhượng bộ hoặc trì hoãn kế hoạch bành trướng ở Biển Đông. LHQ yêu cầu hai bên tham gia vụ kiện phải tuân thủ phán quyết cuối cùng của tòa án.
Philippines cũng hy vọng phán quyết có lợi cho Manila sẽ giúp nước này có lợi thế lớn hơn khi đàm phán với Trung Quốc. Philippines muốn Trung Quốc ký một bộ quy tắc ứng xử trên biển.