Nhiều người trẻ Trung Quốc bỏ việc vào chùa, học làm đạo sĩ

Sau khi tốt nghiệp đại học đúng vào thời kỳ đỉnh cao của đại dịch COVID-19 năm 2021, Lu Zi nhận được công việc mà nhiều người mơ ước tại một tập đoàn thương mại điện tử lớn.

Yao Fenchen, 23 tuổi, tìm đến ngôi chùa ở Thâm Quyến sau khi thất nghiệp. (Ảnh: SCMP)

Yao Fenchen, 23 tuổi, tìm đến ngôi chùa ở Thâm Quyến sau khi thất nghiệp. (Ảnh: SCMP)

Một năm sau, cô từ bỏ tất cả để đến sống trong ngôi chùa ở miền đông Trung Quốc. Giống như nhiều người cùng trang lứa khác, Lu từng rất tham vọng và đã trăn trở suốt những năm đại học để nghĩ về nghề nghiệp của mình. Nhưng chỉ sau 12 tháng bắt đầu làm việc, cô tạm dừng và quyết định làm tình nguyện viên tại ngôi chùa ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang.

Lu là một trong ngày càng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc cảm thấy vỡ mộng hoặc kiệt sức, muốn tạm thời rút khỏi thị trường việc làm cạnh tranh cao để nghĩ lại về con đường của mình.

“Đại dịch không chỉ đảo lộn nền kinh tế, mà cả những giả định của chúng tôi về cuộc sống”, Lu, 25 tuổi, chia sẻ, và cho biết ý định ở lại chùa 1 năm.

Lu nói, kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khiến nhiều người trong lứa tuổi của cô rất lo lắng. “Với tất cả những bất định đó, nhiều người chọn cách giữ chắc công việc ổn định. Nhưng cũng có những người như tôi muốn tạm dừng và nghĩ lại xem mình thực sự muốn gì trong cuộc sống”, Lu nói.

Nền kinh tế Trung Quốc mấy tháng gần đây bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, sau 3 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt. Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ lên đến 17,5% năm 2022, tiếp tục tăng lên 18,1% trong 2 tháng đầu năm nay.

Những người trong độ tuổi từ 16 – 24 thường dễ mất việc nhất trong giai đoạn đại dịch. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng lên tới 27,4% trong tháng 4/2020, sau đó giảm xuống dưới 9% vào năm ngoái.

Các chuyên gia Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng thiếu cơ hội việc làm với người trẻ có thể gây tác động tiêu cực lên triển vọng phát triển kinh tế của đất nước

Khi Trung Quốc mở cửa trở lại và dừng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, các đền chùa Phật giáo và Đạo giáo trở thành điểm đến của nhiều người trẻ như Lu, khi họ muốn thoát khỏi áp lực cuộc sống và cầu nguyện điều may mắn. Từ đầu năm đến nay, số lượng người viếng đền chùa trên khắp Trung Quốc tăng 310% so với năm ngoái, trong đó những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ và Gen Z chiếm đến một nửa số lượng đăng ký, theo số liệu trên dịch vụ trực tuyến Trip.com.

Đạo Phật, Đạo giáo và Khổng giáo đã có từ lâu, nhưng vẫn tiếp tục giữ được ảnh hưởng lớn trong xã hội Trung Quốc hiện đại.

Đền chùa trước đây chỉ đông đúc mỗi khi đến ngày lễ hay kỳ nghỉ, nhưng điều đó đang thay đổi. Viếng đền chùa đang trở thành hoạt động thịnh hành của người trẻ, dù họ không muốn trở thành sư sãi mà chỉ muốn giảm bớt áp lực học tập và cuộc sống qua học hỏi lối sống của Phật giáo và Đạo giáo.

Với nhiều người trẻ, đi đền chùa thường là hoạt động cuối tuần. Nhưng những người khác, như Lu, họ làm tình nguyện viên trong chùa, được hỗ trợ về tinh thần và cảm xúc trong khi tham gia các công việc của đền chùa và nghe giảng đạo pháp.

Nhiều người Trung Quốc xếp hàng vào đền Phục Hy, tỉnh Cam Túc, tháng 6/2023. (Ảnh: Xinhua)

Nhiều người Trung Quốc xếp hàng vào đền Phục Hy, tỉnh Cam Túc, tháng 6/2023. (Ảnh: Xinhua)

Tỷ lệ 'chọi' cao vút

Chùa Lạt Ma, ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng độc nhất vô nhị ở thủ đô Bắc Kinh, là một trong những nơi được rất nhiều người tìm đến. Một phần của ngôi chùa này là cung điện, nơi hai vị hoàng đế triều đại nhà Thanh từng ở.

Ngôi chùa này được nhiều người tìm đến để cầu phát triển sự nghiệp. Trong những tháng gần đây, những hàng dài du khách là cảnh tượng thường thấy ở ngôi chùa, nhất là cuối tuần. Đại diện nhà chùa cho biết, từ tháng 3 năm nay, khoảng 40.000 người thăm chùa mỗi ngày. Nhiều người chi 200 – 1.000 tệ (650.000 – 3,3 triệu đồng) để mua “đồ cầu may”, như vòng tay và vòng cổ.

Nhu cầu mua đồ cầu may cao nên nhiều món được bán lại trên các nền tảng mua sắm trực tuyến như Taobao và Xiaohongshu. Những việc hành lễ như thắp hương và khấn cũng được đưa vào ứng dụng di động như “cá gỗ” (được đặt tên theo dụng cụ dùng để gõ khi tụng kinh).

Gần đây, Học viện Đạo giáo Chiết Giang cho biết, gần 1.300 người đã đăng ký chương trình của trường, tăng gần 1.000 người so với năm 2022, đánh dấu mức cao kỷ lục. Thông tin này nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trên mạng.

Tháng 3 năm nay, học viện công bố hướng dẫn nhập học mùa thu năm 2023 trên tài khoản chính thức của mình. Bài đăng nhận được hơn 100.000 lượt xem.

Học viên của trường được học cách thực hành Đạo giáo. Sau khi tốt nghiệp, họ có thể làm việc trực tiếp trong các đền Đạo giáo.

Không giống hầu hết các trường đại học, học viện không tuyển sinh thông qua kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia. Chỉ có 60 học viên được nhận hằng năm từ gần 1.300 ứng viên, khiến tỷ lệ “chọi” lên đến 21:1.

Hiện tượng nhiều người trẻ Trung Quốc đổ đến đền chùa cũng thu hút chú ý của báo chí nhà nước.

Bài bình luận gần đây trên báo Tin tức Bắc Kinh cho rằng “một số người trẻ chọn con đường sai khi đối mặt với áp lực”. Bài báo khuyên người trẻ làm việc chăm chỉ, thay vì đặt hy vọng vào việc thắp hương.

Tian Wenzhi, một nhà bình luận của Bắc Kinh nhật báo, đưa ra quan điểm đồng cảm hơn, cho rằng nên cố gắng hiểu những áp lực mà người trẻ phải đối mặt và những gì họ đang tìm kiếm.

“Cuộc sống hối hả với nhiều bất định trong xã hội ngày nay tạo ra những thách thức và lo lắng lớn hơn đối với người trẻ, khiến họ phải lo lắng về những lựa chọn cho sự nghiệp và hôn nhân, cũng như áp lực phải chăm sóc người già trong gia đình”, Tian viết.

Nguồn: [Link nguồn]

Người trẻ thích sống thanh đạm: Nỗi lo mới của Trung Quốc

Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Doris Fu tưởng tượng một tương lai khác cho mình và gia đình: ô tô mới, căn hộ rộng rãi, ăn tối ở nhà hàng sang trọng dịp cuối tuần và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - SCMP, Global Times ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN