Nhiều doanh nghiệp phương Tây vẫn làm ăn tại Nga

Sau hơn một năm xung đột Nga - Ukraine, chỉ số lượng ít doanh nghiệp phương Tây rời Nga dù ban đầu phần lớn đều tuyên bố “chia tay” thị trường này.

Ngay từ giai đoạn đầu xung đột Nga - Ukraine, một loạt doanh nghiệp (DN) phương Tây tuyên bố sẽ rút khỏi Nga như một cách gây áp lực lên điện Kremlin, trong số đó phải kể đến các ông lớn McDonald’s, Starbucks... Tuy nhiên, nhiều khảo sát và thống kê cho thấy sau hơn một năm, chỉ lượng nhỏ các DN phương Tây rời Nga, phần lớn chọn ở lại với nhiều lý do khác nhau.

Còn rất đông công ty nước ngoài ở Nga

Tờ The Washington Post dẫn nghiên cứu của ĐH St. Gallen (Thụy Sĩ) công bố hồi tháng 2 cho thấy ít hơn 9% các công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm bảy nền kinh tế tiên tiến thế giới (G7) rút khỏi Nga, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 11-2022.

Thống kê của Trường Kinh tế Kiev (KSE-Ukraine) tính tới đầu tháng 6, chỉ có 241 công ty nước ngoài thực sự rút khỏi Nga kể từ đầu chiến sự, 1.362 công ty chọn ở lại và hoạt động bình thường, hơn 1.200 công ty ở lại nhưng thu nhỏ hoạt động.

Một siêu thị Auchan ở Moscow. Chuỗi siêu thị của tập đoàn bán lẻ Pháp vẫn mở 230 cửa hàng ở Nga. Ảnh: EPA/SHUTTERSTOCK

Một siêu thị Auchan ở Moscow. Chuỗi siêu thị của tập đoàn bán lẻ Pháp vẫn mở 230 cửa hàng ở Nga. Ảnh: EPA/SHUTTERSTOCK

Đầu chiến sự Nga - Ukraine, Tập đoàn Coca-Cola (Mỹ) tuyên bố “tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Nga”. Tuy nhiên, tháng 8-2022, Coca-Cola HBC (một công ty đóng chai có trụ sở tại Thụy Sĩ với 23,2% cổ phần do Coca-Cola nắm giữ) đã chuyển đổi công ty con của mình tại Nga là Coca-Cola HBC Eurasia thành công ty khác mang tên Multon Partners.

Multon Partners hiện vẫn vận hành 10 nhà máy sản xuất các loại đồ uống ở Nga có tên Dobry Cola, Rich và Moya Semya. Giám đốc điều hành Coca-Cola HBC Zoran Bogdanovic cho biết “mục tiêu chính của chúng tôi ở đó là tập trung vào việc bảo vệ tài sản, nhân sự”.

Ikea, một thương hiệu mang tính biểu tượng của tầng lớp trung lưu Nga do Tập đoàn Ingka của Thụy Điển điều hành, ngừng sản xuất và bán hàng vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine. Tuy nhiên, một công ty khác của tập đoàn này tại Nga tên là Mega hiện vẫn vận hành 14 trung tâm mua sắm ở nước này. Phía Công ty Mega cho biết các trung tâm mua sắm “vẫn mở cửa để đảm bảo mọi người có thể tiếp cận những thứ cần thiết”. Tập đoàn PepsiCo (Mỹ) dù đã đình chỉ sản xuất Pepsi-Cola, Mirinda và 7-Up song vẫn sản xuất khoai tây chiên tại Nga. PepsiCo cũng duy trì sản xuất các mặt hàng thiết yếu hằng ngày như các sản phẩm từ sữa vì lý do “nhân đạo”.

Các công ty nước ngoài đang bị lạc trong “Tam giác quỷ Bermuda” giữa các lệnh trừng phạt từ Liên minh châu Âu, từ Mỹ và cả từ Nga.

Ông MICHAEL HARMS, Giám đốc Hiệp hội DN Đông Đức

Không dễ rời Nga?

Việc rút khỏi Nga không phải là lựa chọn dễ dàng với các DN phương Tây, theo tờ The Los Angeles Times. Các công ty phương Tây muốn rời thị trường Nga phải đáp ứng nhiều quy định, chẳng hạn phải có sự chấp thuận từ một ủy ban chính phủ và trong một số trường hợp là từ chính Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Putin gần đây thông báo chính phủ sẽ tiếp quản tài sản Công ty năng lượng Fortum của Phần Lan và Công ty tiện ích Uniper của Đức; ngăn hai công ty này bán tài sản nhằm bù đắp cho việc phương Tây tịch thu thêm tài sản của Nga ở nước ngoài. Công ty Unilever (Anh) cũng cho biết không thể rút khỏi Nga vào lúc này, do tài sản của DN này sẽ bị nhà nước Nga tịch thu nếu rời đi.

Điểm khó nữa với các DN nước ngoài là các quy định từ phía Nga về chiết khấu và thuế đối với giá bán công ty. Bộ Tài chính Nga tháng 12 năm ngoái công bố các biện pháp đối với việc bán tài sản từ “các nhà đầu tư không thân thiện”, trong đó quy định chiết khấu 50% trên giá bán và đánh thuế 10%.

Quy định thuế 10% của Nga cũng là vấn đề đặc biệt phức tạp. Bà Maria Shagina, chuyên gia về trừng phạt tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Berlin (Đức), cho biết các công ty Mỹ phải được Bộ Tài chính Mỹ cho phép mới được thanh toán thuế, nếu không sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của Washington.

Tuy thế, ở lại Nga cũng không hẳn hoàn toàn khó khăn với các DN nước ngoài. Theo ghi nhận của The Washington Post, một số DN thậm chí còn giành được thị phần lớn hơn khi các đối thủ cạnh tranh của họ rời đi. Nhiều DN vẫn “ăn nên làm ra” ở Nga.

Theo chuyên gia Ivan Fedyakov thuộc Công ty tư vấn nghiên cứu thị trường INFOLine, nhiều người tiêu dùng Nga vẫn muốn có thể mua được những nhãn hiệu mà họ quen thuộc từ phương Tây, vì với họ “không gì có thể thay thế được một chiếc BMW, Mercedes hay sản phẩm của Tập đoàn công nghệ Apple”.

Kinh tế Nga đầy triển vọng những năm tới

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố đầu tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán tăng trưởng kinh tế Nga trong năm 2023 sẽ ở mức -0,2%. Điều lý giải cho mức tăng trưởng âm này là khối lượng xuất khẩu bị thu hẹp đáng kể, nhu cầu trong nước yếu, các gói trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Năm 2024, tăng trưởng kinh tế Nga dự kiến sẽ chuyển biến tích cực nhưng vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ 1,2%, theo WB. Mức này thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của Moscow trong những năm 2010.

Nguồn: [Link nguồn]

Bốn lý do giúp kinh tế Nga trụ vững sau 1 năm bị phương Tây trừng phạt

Mỹ và hơn 40 quốc gia đồng loạt trừng phạt Nga để đáp trả việc Mátxcơva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2/2022. Các lệnh trừng phạt được mô tả là...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DƯƠNG KHANG ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN