Loạt tội ác khiến 8 vạn người chết thảm của "bá tước Dracula"

Sự tàn bạo của nguyên mẫu Dracula ngoài đời thực khiến kẻ thù phải chùn bước và thốt lên: "Không thể xâm chiếm đất nước của một kẻ tàn ác đến như vậy".

Nguyên mẫu Dracula ngoài đời thực - Vlad III, người cai trị xứ Wallachia. Ảnh: Ancient Origins

Nguyên mẫu Dracula ngoài đời thực - Vlad III, người cai trị xứ Wallachia. Ảnh: Ancient Origins

Rất ít cái tên gieo rắc nỗi kinh hoàng cho con người như bá tước Dracula, "ma cà rồng" huyền thoại được nhắc đến lần đầu tiên trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Bram Stoker năm 1897. Sau đó, Dracula cũng trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho vô số phim kinh dị, chương trình truyền hình và các câu chuyện đẫm máu về "ma cà rồng".

Dù chỉ là một sự sáng tạo nhưng Stoker đã lấy cảm hứng về Dracula từ một nhân vật có thật, được cho là nguyên mẫu Dracula ngoài đời thực - Vlad III, người cai trị xứ Wallachia, một công quốc ở phía nam Transylvania (Romania ngày nay).

Vlad III sinh năm 1431 ở Transylvania, khu vực vùng núi ở Romania ngày nay. Cha của Vlad III là Vlad II Dracul, quốc vương xứ Wallachia. Vlad II được mang họ Dracul (nghĩa là “Rồng”) sau khi gia nhập Đội quân Rồng, một lực lượng quân đội Thiên chúa do đế chế La Mã bảo trợ. Không có nhiều tài liệu nhắc đến mẹ của Vlad III nhưng một số sử gia cho rằng bà chính là con gái của vua Alexander I, xứ Moldova.

Nằm giữa các vùng đất của người theo Thiên chúa giáo châu Âu và đế quốc Hồi giáo Ottoman, Transylvania cùng Wallachia thường xuyên phải chứng kiến các cuộc chiến đẫm máu giữa hai bên.

Vlad III sống những năm đầu đời cùng gia đình tại thị trấn Sighișoara, Transylvania. Năm Vlad III 11 tuổi, Vlad II Dracul, cha của Vlad III, không ủng hộ cuộc xâm chiếm Transylvania vào tháng 3/1442 của đế chế Ottoman. Murad II, vua Ottoman khi đó, ra lệnh cho Vlad II Dracul phải tới pháo đài Gallipoli để chứng tỏ lòng trung thành. Vlad II Dracul cùng 2 con trai là Radu và Vlad III tới pháo đài của người Ottoman nhưng đây lại là một cái bẫy. Cả 3 cha con đều bị bắt giữ.

Vlad II Dracul chỉ được thả với điều kiện phải để 2 con ở lại làm con tin. Cuối năm 1442, Vlad III và em trai Radu chấp nhận ở lại pháo đài Gallipoli để vua cha được thả.

Hai anh em được người Ottoman huấn luyện để trở thành các chiến binh vô cùng thiện chiến dưới điều kiện khắc nghiệt của cao nguyên Anatolian tại thành cổ Egrigoz. Ngoài ra, cả 2 còn được dạy về khoa học, triết học và nghệ thuật.

Mục đích của vua Ottoman khi giữ 2 hoàng tử xứ Wallachia và huấn luyện là để sau này họ không nổi loạn chống lại người Ottoman khi một trong 2 lên ngôi.

Trong thời điểm bị giam lỏng, Radu tỏ ra thân thiết với Mehmed II, con trai của vua Ottoman Murad II. Vlad III không thích điều này vì hiểu rõ chính người Ottoman đã đẩy ông và em trai vào cảnh này. Khi thù hận dâng cao, hoàng tử xứ Wallachia âm thầm học nghệ thuật chiến đấu chờ thời cơ. Vì vậy, không ngạc nhiên khi Vlad III sớm trở thành một chuyên gia trong việc sử dụng yataghan, một loại kiếm lưỡi cong, và thương. Việc phải chứng kiến quân Ottoman hủy hoại gia đình, tuổi trẻ của mình cũng như thấy được sự tàn nhẫn của họ trên chiến trường, đã thôi thúc Vlad III làm mọi thứ có thể để giành quyền thống trị Wallachia và hủy diệt đế chế Ottoman.

Theo NBC, trong thời gian bị giam cầm, Vlad III cùng em trai còn bị tra tấn và họ được chứng kiến tận mắt cảnh quân Ottoman xiên các tù nhân lên cọc nhọn.

Số phận một số thành viên khác trong gia đình Vlad III cũng không khá hơn. Vua Vlad II Dracul sau khi được thả đã bị các lãnh chúa địa phương lật đổ và giết chết tại khu đầm lầy gần làng Balteni, Wallachia năm 1447. Trong khi đó, anh cả Mircea bị tra tấn, đâm mù và chôn sống.

Sau khi biết được những biến cố với gia đình và cái chết tức tưởi của người thân là do chủ ý một số gia đình quý tộc, Vlad III thề sẽ báo thù khi trở lại cai trị Wallachia và thực tế đã chứng minh lời thề ấy sau khi Vlad III được thả năm 1447.

Năm 1453, thành phố Constantinople, kinh đô của Đông La Mã, rơi vào tay người Ottoman. Việc chiếm giữ Constantinople đánh dấu sự kết thúc của La Mã, một đế chế đã kéo dài gần 1.500 năm. Quân Ottoman sau đó tự do tiến vào châu Âu mà không có đối thủ nào phía sau gây phiền hà.

Vlad III khi đó nhận trách nhiệm dẫn đầu một đội quân để bảo vệ Wallachia khỏi cuộc xâm lược. Và cuộc chiến năm 1456 của Vlad III bất ngờ giành thắng lợi trước người Ottoman.

Sau chiến thắng, Vlad III trở thành người cai trị Wallachia nhưng mảnh đất của ông lại bị tan hoang do chiến tranh liên miên và các cuộc xung đột nội bộ gây ra bởi những kẻ quý tộc liên quan tới mối thù giết cha.

Để củng cố quyền lực, Vlad III mời những kẻ quý tộc tới tham dự một bữa tiệc rồi ra tay sát hại, xiên người họ trên cọc nhọn.

Làm suy yếu sức mạnh của giới quý tộc là bước quan trọng để đảm bảo sự thống trị lâu dài, không bị xáo trộn và cũng là một cách hiệu quả để nói với thế giới rằng Vlad III không chịu cúi đầu trước bất cứ ai.

Cuộc chiến oanh liệt chống đế chế Ottoman

Cuộc chiến với quân Ottoman bắt đầu khi Vlad III từ chối thể hiện lòng kính trọng với đức vua Ottoman. Điều này khiến người Ottoman vô cùng tức giận vì một kẻ được chính họ nuôi dưỡng và huấn luyện thành một chiến binh lại nổi loạn.

Mehmed II (lúc này đã là vua của Ottoman) quyết định ra tay dẹp loạn. Ông cử 2 người thân tín tới Wallachia và lên kế hoạch ám sát Vlad III. Tuy nhiên, mọi chuyện bị bại lộ và 2 người này cùng một số lính bị xiên trên cọc. Kể từ đó, biệt danh Vlad "kẻ xiên người" trở nên nổi tiếng.

Trận kịch chiến được ghi nhận là nổi tiếng nhất giữa Vlad III và vua Mehmed II diễn ra năm 1462 khi nhóm quân 3 vạn người, gồm cả thiếu niên, của Vlad "kẻ xiên người" đã đánh bại đội quân hùng mạnh đông hơn của người Ottoman.

Vlad III quấy rối quân của Mehmed II bằng nhiều cuộc đột kích bất ngờ vào ban đêm và liên tục phá hủy các nguồn cung cấp thực phẩm cũng như đầu độc nguồn nước. Điều này khiến quân Ottoman dần mất nhuệ khí chiến đấu.

Đêm ngày 16/6/1462, Vlad "kẻ xiên người" dẫn đầu nhóm quân tinh nhuệ tấn công quân đội Ottoman. Họ đóng giả thành người Ottoman trà trộn vào doanh trại địch để bắt hoặc ám sát Mehmed II. Dù không thành công nhưng họ lại gieo mối nghi kỵ và hoang mang trong quân đội Ottoman.

Sau nhiều lần bị quấy nhiễu, đội quân của vua Mehmed II vẫn tiếp tục tiến về thị trấn Târgoviște nhưng một sự kiện kinh hoàng khiến họ phải rút lui ngay lập tức.

Khi tới thị trấn Târgoviște, quân Ottoman phát hiện nơi đây bị bỏ hoang. Sau khi tìm kiếm trong khu rừng gần đó, họ phát hiện xác của 2 vạn người bị xiên trên cọc, bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Cảnh tượng kinh hoàng khiến vua Mehmed II chùn bước và quyết định rút quân. "Không thể xâm chiếm đất nước của một kẻ tàn ác đến như vậy", vua Mehmed II thốt lên.

Tuy nhiên, người đứng đầu đế chế Ottoman lại có một âm mưu thâm hiểm hơn. Mehmed II kích động Radu, em trai của Vlad III, để 2 anh em bị cuốn vào cuộc chiến tranh giành ngôi vị ở Wallachia.

Có nhiều trận chiến giữa 2 anh em Vlad III và Radu nhưng phần thắng hầu hết đều nghiêng về "kẻ xiên người". Hơn 3 vạn quân Ottoman dưới sự chỉ huy của Radu đã bị Vlad III cho xiên trên cọc nhọn. 

Theo NBC News, Vlad III được cho là đã sát hại hơn 8 vạn người bằng nhiều cách thức khác nhau nhưng chủ yếu là xiên người trên cọc.

Năm 1476, khi đang hành quân tới một trận chiến khác với người Ottoman, Vlad "kẻ xiên người" và đội quân tiên phong bị phục kích. Vua xứ Wallachia bị giết chết và chặt đầu. Đầu của Vlad "kẻ xiên người" được đưa tới chỗ vua Mehmed II và sau đó bị treo lên cổng thành.

---------------------

Thành Cát Tư Hãn, vị khả hãn Mông Cổ lên nắm quyền bằng cách hợp nhất nhiều bộ lạc du mục ở vùng Đông Bắc Á và thực hiện hàng loạt cuộc xâm lược chinh phục hầu hết lục địa Á - Âu. Các chiến dịch xâm lược của Thành Cát Tư Hãn thường áp dụng chiến thuật tàn nhẫn, khiến nhiều người coi ông là kẻ thống trị độc ác và bạo lực.

Tiếng tăm đó của Thành Cát Tư Hãn lẽ ra phải là điều khiến người đứng đầu thành phố Otrar và hoàng đế Muhammad II của đế chế Khwarazmia phải dè chừng. Tuy nhiên, họ lại mắc sai lầm nghiêm trọng khi thách thức Thành Cát Tư Hãn.

Mời quý độc giả đón đọc phần tiếp theo của loạt bài Những cuộc báo thù lưu danh sử sách thế giới, đăng vào  19h ngày 31.8. 2020 trên mục Thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Sứ giả bị giết dã man, Alexander đại đế nổi trận lôi đình ”tắm máu” 8.000 người

Thời cổ đại, khi 2 bên giao chiến, luật bất thành văn là không được giết sứ giả của nhau. Tuy nhiên, một đội quân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN