Mỹ thay đổi chiến thuật ở Jerusalem, Trung Quốc ứng biến ra sao?

Lợi ích của Trung Quốc đặc biệt là kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng xung đột lại bùng phát dữ dội ở Trung Đông sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Trước khi Tổng thống Mỹ chính thức đưa ra tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 6/12 đã nhấn mạnh, ông Trump có thể làm bùng phát ngọn lửa căng thẳng ở Trung Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh đang mở rộng mối quan hệ kinh tế và quân sự với Israel cũng như duy trì các mối quan hệ mật thiết với Palestine. 

Mỹ thay đổi chiến thuật ở Jerusalem, Trung Quốc ứng biến ra sao? - 1

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng Bảy. 

“Vấn đề liên quan tới tình trạng của Jerusalem là vô cùng phức tạp và nhạy cảm. Tất cả các bên cần thận trọng để duy trì hòa bình. Tất cả các bên cần tránh làm thay đổi nền tảng lâu nay trong việc giải quyết vấn đề liên quan tới Palestine cũng như tránh gây ra thêm tình trạng chia rẽ trong khu vực”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Cảnh.

Ông Cảnh nói thêm, Trung Quốc ủng hộ Palestine xây dựng một nhà nước độc lập và toàn vẹn chủ quyền dựa trên cơ sở đường biên giới năm 1967 trong đó Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine.

Tuy nhiên, vào cuối ngày 6/12, Tổng thống Trump đã phá vỡ chính sách hàng thập niên qua của Mỹ khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tuyên bố của ông Trump đã làm bùng phát hàng loạt cuộc biểu tình và va chạm trong khu vực.

Trung Quốc và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 nhưng hai bên đã hợp tác quân sự từ năm 1979.

Các trang thiết bị và công nghệ quân sự hiện đại từ Israel đã giúp Trung Quốc phát triển lĩnh vực quân sự trong hàng thập niên qua. Hiện tại, ngoài việc mua các công nghệ quân sự, Bắc Kinh còn quan tâm tới công nghệ nông nghiệp và năng lượng sạch của Israel.

Giá trị thương mại giữa Trung Quốc và Israel cũng đang tăng nhanh chóng. Cụ thể, thương mại hai nước trong năm 2000 mới ở mức 1,1 tỷ USD nhưng đã tăng lên thành 11,4 tỷ USD vào năm 2015. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Israel và chỉ đứng sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, Trung Quốc là điểm đến thứ hai của Israel trong lĩnh vực xuất khẩu.

Nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, ông Li Guofu cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng sang khu vực Trung Đông thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường”, bất cứ căng thẳng nào giữa Israel and Palestine cũng sẽ khiến Bắc Kinh không khỏi lo lắng. Trong đó, sáng kiến "Vành đai và Con đường” của Trung Quốc là một chương trình đầu tư quy mô lớn nhằm xây dựng các mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng dọc khu vực châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.

“Vấn đề không chỉ nằm ở việc người Palestine sẽ tiến hành biểu tình hoặc thậm chí sử dụng vũ lực. Việc chính phủ Mỹ tính chuyện dịch chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem sẽ làm khuấy động phong trào chống Mỹ tại Trung Đông cũng như thôi thúc các tay súng hồi giáo cực đoan hoạt động, gây tác động xấu tới cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu”, ông Li nhận định.

Trong khi Israel tuyên bố nắm quyền kiểm soát toàn bộ thành phố Jerusalem và xem đây là thủ đô không thể bị chia cắt, người dân Palestine lại muống Đông Jerusalem là thủ đô tương lai của nhà nước Palestine. 

Ngay cả các nhà lãnh đạo thế giới cũng đã bày tỏ sự phản đối và quan ngại trước động thái của phía Mỹ. Theo ông Li, các nước châu Âu không vui vẻ gì với kế hoạch của Washington. Do đó, tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ chỉ khiến quan hệ Mỹ và châu Âu thêm bất hòa.

“Tuyên bố từ phía Mỹ đối với tình trạng của Jerusalem gây ảnh hưởng tới lợi ích của châu Âu và làm gia tăng sự chia rẽ trong nội bộ khối NATO”, ông Li nói thêm.

Trung Quốc là nước thuộc nhóm các quốc gia đầu tiên công nhận nhà nước Palestine vào tháng 11/1988 và từng nhiều lần bỏ phiếu ủng hộ  Palestine tại Liên Hợp Quốc. Cụ thể, vào năm 2012, Trung Quốc đã bỏ phiếu đồng thuận để Palestine trở thành nhà nước quan sát viên phi thành viên của LHQ. 

Hồi tháng Bảy, trong cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh ủng hộ “đề xuất 4 điểm” nhằm đảm bảo an ninh cho cả Israel và Palestine cũng như kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay hợp tác và phát triển khu vực.

Theo giới quan sát, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel không thể làm thay đổi quan điểm cũng như quan điểm của Trung Quốc với Israel và Palestine.

“Giờ là thời điểm thuận lợi để ông Trump đưa ra quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Bởi những lời lớn tiếng phản đối của các nhà lãnh đạo Ả Rập đối với động thái của Mỹ cũng dường như không có ý nghĩa khi mà chính các nước lớn Ả Rập đang phải đau đầu tìm cách giải quyết những rắc rối trong nước”, ông Xiao Xian, phó chủ tịch Đại học Vân Nam kiêm chuyên gia về vấn đề Trung Đông nói. 

Vụ Jerusalem: Israel bắn đạn thật vào dân Palestine

Ít nhất hai người chết, hơn trăm người bị thương trong ngày xung đột 8-12 diễn ra giữa hàng ngàn người dân Palestine và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thu - Lược dịch (Infonet)
An ninh thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN