Mỹ: Biến cánh đồng cô quạnh thành nơi nuôi cá biển

Giữa cánh đồng cô quạnh ở Iowa (Mỹ), trang trại của gia đình Nelson không thu hoạch ngô hay chăn nuôi gia súc, mà là cá biển.

Mỹ: Biến cánh đồng cô quạnh thành nơi nuôi cá biển - 1
Trang trại nằm giữa cánh đồng

5 năm trước, gia đình Nelson - đã có 3 đời kinh doanh bằng việc chăn nuôi thực vật hoặc trồng cấy cây ăn quả - chuyển sang nuôi cá. Những con cá hồng và cá chẽm (thuộc họ cá vược, sinh sống cả ở sông lẫn biển) nở được 17 ngày thì được chuyển tới Iowa, trong những thùng nước bên của trang trại.

Cá chẽm dễ dàng thích nghi với môi trường và có chế độ ăn uống linh hoạt. Khi được khoảng 1kg, chúng được đem tới những nơi tiêu thụ hải sản trên toàn quốc hay các nhà phân phối thực phẩm để chế biến. 

Trang trại này hoạt động hiệu quả đến mức hai nhà đầu tư Canada đã mua lại và đổi tên thành VeroBlue hồi năm 2014. VeroBlue trở thành trang trại cá lớn nhất trên đất liền khu vực Bắc Mỹ và sản xuất nhiều cá chẽm nhất, khoảng 450 tấn/năm, gấp đôi toàn bộ năng suất các đối thủ cạnh tranh.

Giới khoa học và bảo vệ biển ủng hộ những trang trại kiểu này, vì từ năm 1970 tới nay đã có hơn một nửa loài động vật có xương sống dưới biển đã tuyệt chủng do ô nhiễm, biến đổi khí hậu và đánh bắt vô tội vạ.

Mỹ: Biến cánh đồng cô quạnh thành nơi nuôi cá biển - 2
Thành viên gia đình Nelson vẫn quản lý trang trại. Trên hình là Grace Nelson trong khu vực chuồng heo cũ, giờ đã dùng để nuôi cá 

Nhưng tại sao một gia đình nằm giữa đất liền lại có ý tưởng nuôi cá? Vào năm 2009, Mark Nelson cùng anh họ Jeff nhìn thấy một thiết bị cho cá ăn tự động trên hồ nuôi cá rô phi. Cả hai ngay lập tức thấy cơ hội cải thiện tình trạng làm ăn của gia đình khi thị trường chăn nuôi xấu đến mức họ phải tạm dừng hoạt động.

Năm 2012, khi đã có nguồn cầu ổn định là cá vược (sea bass) cho nhà hàng và các cửa hàng tạp hóa địa phương, họ bắt đầu chuyển sang nuôi các giống mới để đáp ứng thị trường toàn quốc.

Theo tính toán của họ, nửa cân thịt bò có chi phí sản xuất là 3kg thực phẩm và 6.800 lít nước. Đối với heo tương tự là 2kg và 2200 lít. Riêng cá chẽm chỉ có nửa cân thực phẩm và tối đa 26 lít. Chúng cũng quen thuộc với môi trường ít oxy trong nước tại quê hương ở Úc, nên dễ dàng sống trong các thùng nhỏ.

Mỹ: Biến cánh đồng cô quạnh thành nơi nuôi cá biển - 3
Vị trí Iowa trên bản đồ 

Gia đình Nelson mua lại hệ thống tuần hoàn nước Oppossing Flows này từ một nhà phát minh tại Maryland là Rick Sheriff. Ông đã thiết kế sao cho máy thổi khí vừa luân chuyển nước, bơm oxy, vừa có thể đẩy phân cá lên trên bề mặt để dễ dàng đưa xuống bể chứa. Chi phí thấp cũng là điểm mạnh. Oppossing Flows dùng năng lượng ít hơn 8 lần và chi phí ít hơn 10 lần thông thường. 

Nước được đưa vào bộ lọc liên tục, nơi các vi khuẩn có lợi chuyển hóa amoniac thành nitrat, rồi tuần hoàn trở lại bể. Chất thải được tập trung vào bể chứa phía sau chuồng để tưới cây. Không như phân heo, phân cá không gây ô nhiễm do nồng độ nitrat thấp. VeroBlue dự định sau khi mở rộng trang trại sẽ có đủ phân cá để tái chế và sản xuất cả phân bón.

Mỹ: Biến cánh đồng cô quạnh thành nơi nuôi cá biển - 4
Hệ thống ánh sáng tự nhiên 

Bên trong trang trại là 24 thùng nước dung tích 37.000 lít. Nước được giữ ấm ở 27 độ C, hệ thống ánh sáng mô phỏng bình minh cho tới hoàng hôn để cá phát triển nhanh chóng. Thức ăn làm từ bột mì, thịt giúp cá tăng cân từ vài lạng lên 1kg trong vài tháng, quá trình mất tới cả năm trong tự nhiên.

Ngoài năng suất và lợi nhuận, VeroBlue còn quan tâm tới môi trường. Khí thải carbon từ cá chỉ bằng một nửa bò và heo. Ngoài ra, họ dự tính sẽ lắp đặt pin mặt trời và chỉ dựa trên nguồn năng lượng này. Gia đình Nelson đã khiến những trang trại khác quan tâm và cân nhắc việc chuyển sang nuôi hải sản.

Mỹ: Biến cánh đồng cô quạnh thành nơi nuôi cá biển - 5

Tuy nghe có vẻ dễ dàng nhưng thách thức lớn nhất của các ngư dân trên đất liền này là tiếp thị. Đa số những người sành ăn không ưa hải sản kém tự nhiên, do tiếng xấu của nó. Việc vội vàng bỏ đồng ruộng để nuôi tôm và cá hồi tại châu Á khiến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vì ăn chất thải, sống trong môi trường bẩn và dễ nhiễm dịch bệnh.

Dù vậy, thì đây vẫn là hy vọng sống còn của đại dương, khi mà các nhà dinh dưỡng đòi hỏi cần phải tiêu thụ hải sản gấp đôi trong lúc nguồn tài nguyên này đang dần có dấu hiệu cạn kiệt. Bằng việc đi tiên phong, VeroBlue hy vọng sẽ sớm tạo ảnh hưởng và lấp đầy nhu cầu thị trường, dù hiện tại họ chỉ mới đáp ứng được 1% trong số 3,5 triệu tấn cá người Mỹ tiêu thụ mỗi năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mẫn Di - Motherjones ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN