Lý do nữ Thủ tướng Iceland tham gia cuộc đình công lớn nhất trong nhiều thập kỷ

Hôm 24-10, Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir ngừng các công việc chính thức và cùng phụ nữ trên khắp đất nước đình công. Iceland được coi là quốc gia đứng số 1 về chỉ số khoảng cách giới tính do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố trong 14 năm liên tiếp. Vậy tại sao lại xảy ra việc này?

Nữ Thủ tướng Katrin Jakobsdottir tham gia đình công để thể hiện tình đoàn kết với phụ nữ Iceland trong việc đòi bình đẳng giới thực sự

Nữ Thủ tướng Katrin Jakobsdottir tham gia đình công để thể hiện tình đoàn kết với phụ nữ Iceland trong việc đòi bình đẳng giới thực sự

Ban tổ chức cuộc đình công cho biết, hôm đó, khoảng 25.000 phụ nữ Iceland đã tập trung tại quảng trường ở Thủ đô Reykjavik. Người lao động của hầu hết các ngành đều tham gia: nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên ngành dịch vụ, tài chính, năng lượng…

Được coi là cuộc đình công lớn nhất của phụ nữ trong nhiều thập kỷ, cuộc tuần hành chứng kiến phụ nữ bỏ tất cả công việc được trả lương và không được trả lương - bao gồm cả công việc nội trợ - trong ngày, giơ cao các biểu ngữ ghi “Kallarou þetta jafnretti?” (“Bạn gọi đây là sự bình đẳng?”). Các cửa hàng và trường học đều đóng cửa ở Iceland. Các bệnh viện ngừng tiếp nhận bệnh nhân thông thường, trừ cấp cứu.

Trong số 25.000 phụ nữ biểu tình lần này còn có nữ Thủ tướng Katrin Jakobsdottir. Bà Jakobsdottir nói với truyền thông địa phương rằng bà không đi làm và kêu gọi các đồng nghiệp trong nội các cũng như vậy. “Đầu tiên và quan trọng nhất, tôi thể hiện tình đoàn kết với phụ nữ Iceland trong việc này”, nữ Thủ tướng nói.

Lãnh đạo cao nhất của Iceland hiện là phụ nữ - Thủ tướng Katrin Jakobsdottir. Phụ nữ chiếm 48% số thành viên quốc hội. Tỷ lệ nữ giới giữ các vị trí quản lý và điều hành cũng được cho là lý tưởng. Điều kiện hỗ trợ giai đoạn sinh con tốt đến mức gần 90% phụ nữ trong độ tuổi lao động có việc làm. Vậy tại sao họ lại cảm thấy cần phải phản đối?

Mặc dù Iceland được coi là “thiên đường bình đẳng”, nhiều phụ nữ cảm thấy vẫn còn nhiều điều cần cải thiện. Phụ nữ vẫn tụt hậu so với nam giới về thu nhập mặc dù có quy định trả lương bình đẳng từ năm 1961. Năm 2018, các nhà lập pháp còn tiến xa hơn, yêu cầu các công ty phải chứng minh rằng họ không trả lương cho phụ nữ ít hơn nam giới. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng vẫn tồn tại.

Theo Tổng cục Thống kê Iceland, khoảng cách lương tổng thể giữa hai giới là 10,2% vào năm 2021, đặc biệt trong các công việc tài chính và bảo hiểm thì tỷ lệ này tăng lên tới 29,7%. Phụ nữ cũng có nhiều khả năng làm những công việc bị đánh giá thấp và được trả lương thấp hơn, chẳng hạn như dạy học hoặc chăm sóc sức khỏe.

Cùng với đó, hơn 40% phụ nữ đã từng bị bạo lực trên cơ sở giới hoặc tình dục. Một nghiên cứu của Đại học Iceland vào năm 2018 cho thấy, cứ 4 phụ nữ thì có một người đã bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục, với hầu hết các trường hợp được báo cáo đều không được đưa ra xét xử.

“Như bạn đã biết, chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu bình đẳng giới hoàn toàn và vẫn đang giải quyết khoảng cách tiền lương dựa trên giới tính, điều không thể chấp nhận được vào năm 2023”, Thủ tướng Iceland nói.

Bà Jakobsdottir, người nhậm chức từ năm 2017, đã giành được nhiều lời khen ngợi vì tài năng chèo lái vững vàng trong thời kỳ đại dịch. Vào thời điểm đó, bà cho rằng thành công của mình là nhờ sự sẵn sàng học hỏi và phạm sai lầm để rút kinh nghiệm, một khả năng mà theo bà, “phụ nữ dễ dàng hơn nam giới”.

Nhưng đây không phải là sự kiện chưa có tiền lệ. Trong lịch sử, vào ngày 24-10-1975, 90% phụ nữ ở Iceland từ chối nấu nướng, dọn dẹp hoặc chăm sóc con cái. Việc này làm tê liệt đất nước, khiến các nhà máy, cửa hàng, trường học buộc phải đóng cửa. Nó còn được gọi là ngày Iceland hết xúc xích, bởi khi phải đối mặt với việc cho con ăn, các ông bố phải dùng đến xúc xích là thực phẩm dễ kiếm nhất.

Chính “Ngày phụ nữ đình công” này đã mang lại sự thay đổi to lớn trong tư duy của người Iceland. 5 năm sau, Iceland trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bầu nữ Tổng thống. Là người mẹ đơn thân đã ly hôn, bà Vigdis Finnbogadottir đã đảm nhiệm chức vụ này trong suốt 16 năm.

Đến năm 2010, Iceland ghi nhận thêm dấu mốc mới, bầu bà Johanna Sigurdardottir làm nữ Thủ tướng đầu tiên, cũng là nguyên thủ đầu tiên trên thế giới công khai mình là người đồng tính. Nhưng hàng chục tổ chức đằng sau cuộc đình công hôm 24-10 nói rằng, những mục tiêu đề ra từ năm 1975 vẫn chưa được đáp ứng.

Nguồn: [Link nguồn]

Nữ Thủ tướng Ý cảnh báo vấn đề đe dọa ”tương lai toàn châu Âu”

Lời cảnh báo của nữ Thủ tướng Ý được đưa ra khi bà cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tới thăm một hòn đảo ở vùng Sicily.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Vũ - Time ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN