Iran trước thời khắc chuyển giao

Cuộc bầu cử Quốc hội cùng bầu Hội đồng Chuyên gia của Cộng hòa Hồi giáo Iran đã kết thúc thành công báo hiệu một giai đoạn chuyển giao quan trọng đang tới gần.

Cuộc bầu cử quan trọng

Ngày 1/3 vừa qua, cử tri Iran đã thực hiện quyền công dân của mình tại 59.000 điểm bỏ phiếu để bầu chọn các thành viên của Hội đồng Tư vấn Hồi giáo, tức Quốc hội khóa 12 gồm 290 ghế và Hội đồng Chuyên gia gồm 88 ghế. Quốc hội là cơ quan lập pháp của Iran được bầu ra 4 năm một lần. Các thành viên của quốc hội chịu trách nhiệm soạn thảo luật, phê duyệt ngân sách hằng năm và thông qua các hiệp định hoặc thỏa thuận quốc tế.

Trong khi đó, Hội đồng Chuyên gia có nhiệm kỳ 8 năm và tuân theo Hiến pháp Iran để giám sát, bãi nhiệm và bầu chọn lãnh đạo tối cao của đất nước. Lãnh đạo tối cao hiện nay của Iran là Đại Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, vừa bước sang tuổi 85, đã trải qua nhiều lần đau ốm trong những năm gần đây, vì thế kỳ bầu cử lần này rất được quan tâm vì có thể sẽ thực hiện trách nhiệm giúp chọn ra Lãnh đạo tối cao tiếp theo của đất nước.

Sự ủng hộ của người dân đã giúp kỳ bầu cử thành công.

Sự ủng hộ của người dân đã giúp kỳ bầu cử thành công.

Theo quy định của Hiến pháp, các ứng cử viên chạy đua chức tổng thống hay thành viên quốc hội và Hội đồng Chuyên gia đều phải được Hội đồng Giám hộ xem xét, lựa chọn. Hội đồng Giám hộ là cơ quan gồm 12 giáo sĩ và luật gia Hồi giáo do Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei bổ nhiệm. Hội đồng Giám hộ thường loại bỏ các ứng viên ngoài tiêu chuẩn theo các quy định Hồi giáo. Năm nay, trong tổng số 49.000 người đăng ký chạy đua trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này, chỉ có 15.200 ứng cử viên được Hội đồng Giám hộ cho phép ứng cử vào hôm 1/3 vừa qua. Trong khi đó, số ứng viên tham gia ứng cử vào Hội đồng Chuyên gia là 144 và chắc chắn một trong số những người được chọn sẽ là ứng viên cho vị trí Lãnh đạo tối cao tiếp theo của Iran. Với vị trí lãnh đạo tinh thần của một quốc gia Hồi giáo, vị trí Lãnh đạo tối cao thậm chí còn quan trọng hơn cả tổng thống, vì thế danh sách ứng cử vào Hội đồng Chuyên gia rất được quan tâm.

Ngay từ khi cuộc bầu cử chưa bắt đầu, việc cựu Tổng thống Hassan Rouhani, nhân vật được đánh giá có quan điểm ôn hòa, thân thiện với phương Tây bị loại khỏi các danh sách ứng viên đã gây chú ý. Ông Rouhani có mặt ở Quốc hội từ năm 2000 và gia nhập Hội đồng Chuyên gia năm 2007. Ông cũng được coi là một ứng viên cho vị trí Lãnh đạo tối cao tiếp theo của Iran vài năm trước. Việc loại ông Rouhani khỏi danh sách cho thấy giới lãnh đạo tôn giáo Iran vẫn sẽ tiếp tục bảo lưu quan điểm cứng rắn với phương Tây trong thời gian tới.

Lãnh đạo tối cao Iran Khamenei đi bỏ phiếu hôm 1/3.

Lãnh đạo tối cao Iran Khamenei đi bỏ phiếu hôm 1/3.

Bối cảnh khó khăn

Cuộc bầu cử của Iran năm nay diễn ra trong bối cảnh đất nước này đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Nền kinh tế của quốc gia này chưa vượt qua được những ảnh hưởng từ sau đại dịch COVID-19 và làn sóng biểu tình bạo lực lan rộng khắp đất nước kéo dài từ tháng 9/2022 đến mùa xuân năm 2023. Các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của một thiếu nữ Iran khi bị giam giữ tại nhà tù của Cảnh sát Đạo đức đã làm bùng phát một phong trào phản đối trong giới trẻ, sau đó bị đàn áp đã để lại những hậu quả nghiêm trọng với nền kinh tế đất nước.

Lạm phát tăng vọt và sự mất giá kỷ lục của đồng Rial so với đồng USD đã và đang ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Người dân Iran đang phải vật lộn với giá lương thực cao. Số liệu của Trung tâm Thống kê quốc gia Iran cho thấy tỷ lệ lạm phát trung bình tại nước này trong giai đoạn 12 tháng kết thúc vào ngày 20/1/2024 đã ở mức 42,5%. Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ lạm phát trong 2 năm qua ở Iran lần lượt là 49% và 42%. Tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức rất cao là 20%.

Iran tiếp tục gặp khó khăn do lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây khi theo đuổi chính sách đối đầu với Mỹ. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018, Iran đã tái khởi động lại chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình từ tháng 11/2022 làm gia tăng gánh nặng cho nền kinh tế cũng như áp lực của các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, xung đột ở khu vực Trung Đông đang lan rộng với những cuộc “chiến tranh nóng” giữa Hamas, Houthi và Hezbollah với Israel và phương Tây. Sự ủng hộ của Iran dành cho những lực lượng này cũng góp phần gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Một cuộc thăm dò của Gallup ngay trước cuộc bầu cử cho thấy, chỉ khoảng 43% số người được hỏi ủng hộ chính sách điều hành của giới lãnh đạo hiện nay. Số người phản đối trong giới trẻ dưới 30 tuổi là hơn 65%, cho thấy sự bất mãn của giới trẻ trong bối cảnh cuộc sống khó khăn hiện tại. Cuộc thăm dò cho thấy khả năng giới trẻ sẽ “tẩy chay” cuộc bầu cử với dự đoán chỉ dưới 30% trong tổng số 61 triệu cử tri đi bầu.

Giáo sĩ Mojtaba Khamenei được cho là sẽ sớm kế nhiệm cha.

Giáo sĩ Mojtaba Khamenei được cho là sẽ sớm kế nhiệm cha.

Cuộc chuyển giao được báo trước

Kết quả sơ bộ được công bố hôm 2/3/2024 cho thấy chiến thắng tuyệt đối của phe bảo thủ như dự báo. Tại tỉnh Tehran, các lãnh đạo bảo thủ như Mahmoud Nabavian và Hamid Resaee dẫn đầu danh sách, tiếp theo là người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Amir Hossein Sabeti. Ông Sabeti có khả năng trở thành đại biểu quốc hội trẻ nhất trong khóa 12 khi mới 35 tuổi. Ali Motahari, một giáo sĩ ôn hòa đã thất bại tại cuộc bầu cử được chú ý ở thủ đô đất nước này. Nhà lập pháp kỳ cựu Masoud Pezeshkian là một trong số ít người ôn hòa đã được Hội đồng Giám hộ chấp thuận đã dành chiến thắng ở tỉnh Tabriz.

Trong khi đó, tổng thống đương nhiệm Ebrahim Raisi đã giành chiến thắng ấn tượng nhất trong cuộc bầu cử vào Hội đồng Chuyên gia của tỉnh Nam Khorasan nằm ở miền Đông Iran với 82% phiếu bầu. Các nhân vật bảo thủ nổi tiếng khác cũng giành được những chiến thắng quan trọng để tiếp tục đại diện cho tỉnh của mình trong nhiệm kỳ tới.

Kết quả vẫn chưa phải là cuối cùng, nhưng các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, khoảng 25 triệu người Iran đã bỏ phiếu. Con số đó đưa tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vào khoảng 40%, gần ngang bằng với cuộc bầu cử năm 2020, cao hơn nhiều so với dự đoán. Dù ở Tehran, nơi có nhiều người trẻ bất mãn với chính quyền Hồi giáo tập trung lớn lượng cử tri đi bỏ phiếu chỉ khoảng 25% thì sự ủng hộ của người dân ở các địa phương vẫn là rất lớn. Đài truyền hình quốc gia Iran gọi đó là một “thất bại nặng nề” cho cái gọi là “chiến dịch tẩy chay cuộc bầu cử do các phần tử chống chính quyền điều hành”.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã ra thông báo cảm ơn người Iran vì sự tham gia “vinh quang” của họ trong cuộc bầu cử trong một tuyên bố, nói rằng đây là một “phản ứng quyết đoán đối với kẻ thù”. Tỷ lệ đi bỏ phiếu này đã đảm bảo sự lãnh đạo tiếp tục của các lực lượng Hồi giáo bảo thủ cũng như sự ổn định của đất nước trong thời gian tới.

Chiến thắng được dự báo của các lãnh đạo bảo thủ gần gũi với Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei cho thấy kế hoạch chuyển giao quyền lãnh đạo của ông đang diễn ra thuận lợi. Với rất nhiều đồn đoán, ông Khamenei được cho là sẽ chỉ định chính con trai thứ ba của mình là giáo sĩ Mojtaba Khamenei làm người kế nhiệm.

Có sự thờ ơ nhất định trong giới trẻ Iran về cuộc bầu cử.

Có sự thờ ơ nhất định trong giới trẻ Iran về cuộc bầu cử.

Đại Giáo chủ Khamenei cầm quyền từ năm 1989, mười năm sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran. Ông được coi là nhà lãnh đạo cứng rắn đã giúp cho đất nước Iran vượt qua những thử thách to lớn trong suốt 35 năm qua. Tuy nhiên, tin đồn về căn bệnh ung thư từ năm 2014 và đợt vắng mặt kéo dài vào năm 2020 đã làm dấy lên lo lắng về sức khỏe của ông. Người được cho là có khả năng kế nhiệm ông Khamenei vào thời điểm đó được coi là cựu Tổng thống Hassan Rouhani, người học trò của Đại Giáo chủ. Tuy nhiên, thất bại trong mối quan hệ với phương Tây vào năm 2018 đã khiến vị thế của ông Rouhani bị lung lay. Chính vì thế, tiến trình lựa chọn người kế nhiệm mới đã được tiến hành. Một trong những yêu cầu đặc biệt của nhà Lãnh đạo tối cao kế nhiệm sẽ là người trẻ để đủ tuổi lãnh đạo lâu dài, duy trì sự ổn định của đất nước (lý do đã loại hầu hết những cái tên nổi tiếng khác vốn cùng thời với Đại Giáo chủ hiện tại).

Giáo sĩ Mojtaba Khamenei năm nay mới 51 tuổi và được coi là một gương mặt trẻ sáng giá nhất của Hội đồng Chuyên gia từ nhiều năm qua. Ông cũng được coi là một nhân vật có đường lối cứng rắn, bảo thủ (thậm chí còn cứng rắn hơn cả cha mình), đồng thời có mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với IRGC, điều sẽ hết sức cần thiết cho việc duy trì quyền lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, để đảm bảo giáo sĩ Mojtaba Khamenei có cơ hội thắng cử, ông cần được Hội đồng Chuyên gia ủng hộ. Chiến thắng của phe bảo thủ trong cuộc bầu cử lần này đưa cơ hội đó đến gần hơn bao giờ hết.

Trong vòng 3 tuần, các ứng viên sẽ tuyên bố thắng cử và cuộc họp của Hội đồng mới sẽ được tiến hành. Người ta dự đoán khả năng Đại Giáo chủ Khamenei sẽ từ chức trong thời gian tới để giữ được sự ủng hộ cho người con trai của mình cũng như giám sát được một cuộc chuyển giao êm đẹp khi ông còn sống. Cho dù thế nào thì đây vẫn sẽ là một bước chuyển quan trọng trong lịch sử của quốc gia Hồi giáo lớn nhất khu vực Trung Đông này.

Nguồn: [Link nguồn]

Iran gây sức ép để buộc Sudan cho phép họ xây dựng căn cứ hải quân lâu dài trên bờ biển Đỏ của Sudan nhưng bất thành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiểu Phong ([Tên nguồn])
Tin tức Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN