Iran sẽ đi theo ‘con đường mới’ Mỹ gợi ý?

Hai bên gần đây phát nhiều tín hiệu muốn xuống thang sau hơn 10 ngày căng thẳng, tuy nhiên diễn biến sắp tới không dễ đoán.

Biểu tình trong nước là một áp lực lớn với chính phủ Iran. Ảnh: AP

Biểu tình trong nước là một áp lực lớn với chính phủ Iran. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn để mở khả năng đối thoại với chính phủ Iran “mà không cần điều kiện tiên quyết”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết trên đài CBS ngày 12-1 (giờ Mỹ).

Ông Esper nhấn mạnh thiện chí mở “con đường mới” với Iran đã được bản thân ông và ông Trump tuyên bố công khai. Ý ông Esper muốn nói đến phát biểu trước toàn dân của ông Trump ngày 8-1 sau khi Iran nã hàng chục tên lửa sang hai căn cứ Mỹ ở Iraq. Với bài phát biểu này, ông Trump đã làm dịu nỗi lo về một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông khi không đánh giá nghiêm trọng vụ nã tên lửa của Iran.

Các động thái từ Mỹ cho thấy căng thẳng Mỹ-Iran sau hàng loạt vụ trả đũa qua lại đang có cơ hội xuống thang và thậm chí nhiều nhà quan sát còn lạc quan đến khả năng sẽ có đối thoại. Vậy liệu khả năng Iran sẽ đi theo “con đường mới” mà Mỹ đề cập tới hay không?

Nhiều lạc quan

Nhìn toàn cảnh có thể thấy đang có rất nhiều dấu hiệu về một cơ hội “hòa bình”. Trước hết, trừng phạt của Mỹ đang khiến chính phủ Iran phải chịu nhiều áp lực. Đợt biểu tình nhiều tháng nay của người dân Iran quanh vấn đề kinh tế chưa chấm dứt thì lại nối tiếp biểu tình vì vụ quân đội nước này bắn nhầm máy bay chở khách Ukraine. Bên cạnh đó, có vẻ Iran cũng không muốn chiến tranh khi quyết định dùng tên lửa đạn đạo, không sát thương lính Mỹ trong vụ tấn công hai căn cứ Mỹ để ông Trump không phản ứng mạnh. Nhớ lại lúc Mỹ mới giết tướng Qasem Soleimani ngày 3-1, Iran dù tuyên bố không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân nhưng vẫn thòng thêm một câu rằng sẽ nối lại tuân thủ nếu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt.

Một dấu hiệu nữa cho thấy Iran cũng muốn hạ nhiệt sau hơn 10 ngày căng thẳng với Mỹ. Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani với quốc vương Qatar Sheikh Al-Thani đang thăm Tehran hôm 12-1, hai bên đã nhất trí rằng giảm leo thang là “giải pháp duy nhất” cho khủng hoảng khu vực.

Về phần Mỹ, trả lời phỏng vấn của trang tin Axios ngày 12-1, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nhận định cơ hội đàm phán cao hơn rất nhiều khi một nhân vật bảo thủ như tướng Soleimani không còn ảnh hưởng việc hoạch định chính sách của Iran. Ông O’Brien cho rằng sau vụ không kích làm tướng Soleimani thiệt mạng, nhiều khả năng Iran đã nhận ra việc tiến hành chiến tranh toàn diện với Mỹ là “không phù hợp” và chắc chắn bất kỳ động thái leo thang căng thẳng nào cũng sẽ buộc Washington kéo dài các đối sách gây áp lực tối đa.

Mỹ cần chứng minh một cách đáng tin cậy rằng chính sách của nước này đối với Iran không phải là kế hoạch của một cuộc xung đột bất tận.

Chuyên gia SETH G. JONES thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) 

Nhưng không dễ đoán

Tuy nhiên, diễn biến không dễ đoán khi thực tế lãnh đạo Iran tới lúc này có các tuyên bố cứng rắn. Ngày 13-1, phía Iran cứng rắn dù Mỹ có nói thế nào thì Iran cũng sẽ không quên thực tế tướng Soleimani đã chết dưới tay Mỹ. Nhiều quan chức cấp cao Iran chỉ trích ông Trump giả dối khi lên Twitter nói ủng hộ người biểu tình Iran.

Nhiều nhà quan sát cho rằng dù kinh tế Iran hiện đang gặp nhiều khó khăn vì cấm vận của Mỹ, chưa kể sức ép từ biểu tình trong nước, chính phủ Tehran sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền lực, từ bỏ lập trường đối địch với Washington. Bên cạnh đó, các lực lượng như Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cũng vẫn còn rất mạnh và sẽ kiểm soát tình hình trong nước, đẩy lùi sức ép của Mỹ.

Và cần nhớ rằng mục tiêu chiến lược của Iran về lâu dài là đẩy Mỹ ra khỏi Trung Đông hoặc ít nhất là ra khỏi Iraq. Iran có lẽ đã tiến gần hơn tới mục tiêu này so với thời điểm trước vụ không kích ngày 3-1. Từ góc nhìn của giới chức Iran, chính sách của nước này đã có những thành công đáng kể. Iran đã “cứu” chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria và cho phép nước này mở thêm một mặt trận mới chống lại Israel. Iran cũng duy trì được tầm ảnh hưởng lớn ở Iraq khi Quốc hội Iraq sẵn sàng yêu cầu Mỹ rời khỏi lãnh thổ.

Ngoài ra, Iran còn phải chịu áp lực từ các đồng minh trong khu vực đòi phải trả thù cho tướng Soleimani. Các lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn trong khu vực chưa cho thấy có dấu hiệu muốn hạ nhiệt với Mỹ. Trong bài phát biểu dài 90 phút hôm 12-1, ông Hassan Nasrallah, lãnh đạo nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon, kêu gọi các lực lượng đồng minh của Iran trong khu vực đoàn kết lại cùng hành động trả thù cho tướng Soleimani, bắt đầu “chặng đường dài” đuổi Mỹ khỏi Trung Đông.

Đó là lý do mà nhiều nhà quan sát vẫn bi quan cái gọi là “hạ nhiệt” chỉ là trạng thái tạm thời.

Trên Twitter ngày 12-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết rằng có đàm phán với Mỹ hay không là chuyện của Iran, tùy thuộc vào Iran nhưng nhất định “sẽ không có vũ khí hạt nhân và không giết người biểu tình”. Tuyên bố của ông Trump được đưa ra ngay sau khi Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien trước đó nói rằng Tehran không còn lựa chọn nào khác ngoài đàm phán, kết quả từ chiến lược gây sức ép tối đa của Washington. Ông O’Brien cũng nói rõ nếu muốn đàm phán với Mỹ, Iran trước hết phải sẵn sàng nhượng bộ lập trường cứng rắn lâu nay, vì không phải Mỹ mà Iran mới là bên đang cần đàm phán.

Tuy thế, trang tin The Business Insider dẫn lời một số chuyên gia lo ngại chủ trương cứng rắn về trừng phạt hay nói cách khác chiến dịch tối đa hóa áp lực của Mỹ sẽ không khiến Iran thay đổi thái độ. 

Nguồn: [Link nguồn]

Kịch bản nào cho cuộc đối đầu Mỹ - Iran?

Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei gọi vụ tấn công tên lửa là "cú tát vào mặt nước Mỹ" và cho rằng binh sĩ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Căng thẳng Mỹ - Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN