Hành trình tháo chạy đầy "sóng gió" của cựu Tổng thống Sri Lanka

Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức an ninh cấp cao của Sri Lanka cho biết cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã trở về nước.

Hành trình sóng gió

Ông Rajapaksa chạy trốn sang Maldives từ 13/7, chỉ vài ngày sau khi đám đông biểu tình tràn vào Dinh tổng thống yêu cầu ông từ chức do bất mãn trước cách ông Rajapaksa điều hành đất nước trong cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất tại Sri Lanka trong nhiều thập kỷ. Sau thời gian ngắn ở tại Maldives, ông Rajapaksa đã tới Singapore và Thailand rồi quyết định quay về nước.

Tuy cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa chưa giải thích lý do tới 3 nước châu Á sau khi chạy trốn khỏi đất nước hay lý do quay trở về nhưng hãng tin CNN dẫn lời các nhà phân tích cho rằng sau thời gian ở tại 3 quốc gia trên, có thể không còn quốc gia nào khác sẵn sàng cho ông Rajapaksa lưu lại.

Cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa

Cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa

Chưa kể, theo hãng tin Reuters, chi phí duy trì cuộc sống của ông Rajapaksa tại nước ngoài, bao gồm máy bay riêng, đội ngũ an ninh rất tốn kém, có thể lên tới hàng trăm nghìn USD.

Điểm đến đầu tiên của ông Rajapaksa là Malé, thủ đô Maldives cách Colombo khoảng 90 phút di chuyển bằng máy bay. Ban đầu, máy bay của ông Rajapaksa không được phép hạ cánh cho tới khi cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed can thiệp, theo lời quan chức an ninh cấp cao của Maldives.

Tuy nhiên, nhiều người dân Sri Lanka đang sống tại Male đã xuống đường phản đối việc ông Rajapaksa được cho phép ở lại Maldives.

Do đó, chưa đầy 48 giờ sau khi tới Maldives, ông Rajapaksa lên chuyến bay tới Singapore. Ngày 14/7, Bộ Ngoại giao Singapore xác nhận ông Rajapaksa được cấp phép vào Singapore dưới dạng chuyến đi cá nhân.

“Ông Rajapaksa không xin được tị nạn và chưa được cấp quy chế tị nạn”, Bộ Ngoại giao Singapore cho hay.

Tại Singapore, Rajapaksa chính thức thông báo từ chức Tổng thống Sri Lanka.

Trong thời gian ở Singapore, ông Rajapaksa đối mặt với cáo buộc vi phạm nhân quyền khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng trong cuộc nội chiến kéo dài 26 năm tại Sri Lanka dù ông Rajapaksa phủ nhận cáo buộc.

Ngày 23/7, các luật sư thuộc dự án Sự thật và Công lý Quốc tế (ITJP) đề nghị Singapore bắt giữ ông Rajapaksa dựa trên thông tin trong báo cáo năm 2011 của Liên Hợp Quốc về việc binh sĩ thuộc Chính phủ Sri Lanka sát hại, cưỡng hiếp dân thường, cản trở vận chuyển thực phẩm, thuốc men tới các cộng đồng bị ảnh hưởng trong cuộc nội chiến kết thúc vào năm 2009. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy một số nguồn tin đáng tin cậy ước tính có tới 40.000 dân thường bị sát hại trong những giai đoạn cuối của cuộc chiến.

Một phát ngôn viên thuộc văn phòng tổng chưởng lý Singapore xác nhận với hãng tin CNN rằng đã nhận được đơn khiếu nại từ ITJP nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin.

Tới ngày 11/8, ông Rajapaksa rời Singapore tới Thái Lan bằng máy bay riêng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết với hộ chiếu ngoại giao, ông Rajapaksa được phép ở lại Thái Lan mà không cần thị thực trong 90 ngày. Người phát ngôn cũng cho biết ông Rajapaksa chỉ ở lại Thái Lan trong thời gian ngắn và không xin được tị nạn chính trị.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (hiện đang bị đình chỉ công tác) cho biết ông Rajapaksa được phép nhập cảnh Thái Lan vì lý do nhân đạo nhưng được khuyến cao tránh thu hút sự chú ý trong thời gian lưu trú.

Lo ngại sự trở về của cựu Tổng thống có thể thổi bùng biểu tình

Trong khi đó, tại Sri Lanka, những người ủng hộ ông Rajapaksa tìm cách thuyết phục Tổng thống mới nhậm chức Ranil Wickremesinghe - một đồng minh của ông Rajapaksa, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho cựu tổng thống về nước.

Hôm 19/8, em trai của ông Rajapaksa là ông Basil Rajapaksa, cựu Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka, đề nghị Tổng thống Wickremesinghe hỗ trợ bảo vệ để đưa ông Rajapaksa về nước.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đang nghi ngại về việc ông Rajapaksa quay trở về đất nước có thể thổi bùng biểu tình tại quốc gia này. Một số nhà hoạt động đang kêu gọi cáo buộc tội hình sự đối với ông Rajapaksa nhưng các nhà phân tích cho rằng điều này là ít có khả năng khi đồng minh của cựu Tổng thống vẫn nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền Sri Lanka.

Sau khi nhậm chức hôm 21/7, Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã yêu cầu cảnh sát dẹp các cuộc biểu tình, một số người biểu tình bị bắt vì phát hoại tài sản công cùng một số cáo buộc khác.

Về tình hình hiện tại ở Sri Lanka, ngày 1/9, quốc gia này đã đạt thỏa thuận về khoản vay 2,9 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chương trình 4 năm này nhằm khôi phục tình hình tại nước này qua các biện pháp tăng nguồn thu chính phủ và dự trữ ngoại hối nhà nước sau một thời gian thiếu thuốc men, nhiên liệu, thực phẩm trầm trọng.

Song, IMF vẫn chưa thông qua khoản vay và Sri Lanka vẫn còn chặng đường dài để hồi phục kinh tế.

Nguồn: [Link nguồn]

Hơn 50 ngày cựu Tổng thống Sri Lanka rời khỏi đất nước, vì sao quay trở lại?

Sau hơn 50 ngày, cựu Tổng thống Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa đã quay trở về nước vào sáng sớm ngày 3/9, một động thái có thể thổi bùng thêm căng thẳng ở quốc gia Nam Á này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh (CNN) ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN