Sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa trên toàn nước Mỹ, các bang bắt đầu kiểm phiếu và xác nhận kết quả bỏ phiếu từ ngày 4-11. Quá trình kiểm đếm và xác nhận được thực hiện theo luật và quy định của từng bang. Trong khi cuộc kiểm phiếu tại các bang vẫn chưa khép lại, thống đốc các bang được yêu cầu phải chuẩn bị báo cáo về kết quả tổng số phiếu bầu tại từng bang. Theo luật liên bang, việc xác nhận kết quả bỏ phiếu phải được hoàn thành càng sớm càng tốt.
Cuộc họp báo ở Vườn Hồng Nhà Trắng hôm 13-11 là lần xuất hiện trước công chúng hiếm hoi của Tổng thống Donald Trump kể từ ngày bầu cử 3-11. Ảnh: Reuters
Đến nay, ông Trump vẫn chưa nhận thua trong cuộc bầu cử dù truyền thông dự đoán ông Joe Biden sẽ đắc cử tổng thống.
Thay vào đó, phe ông Trump liên tiếp cáo buộc gian lận bỏ phiếu nhưng không đưa ra được bằng chứng, đồng thời nộp 21 đơn kiện tại các bang kể từ sau ngày bầu cử. Tuy nhiên, nhóm ủng hộ ông Trump vẫn chưa thành công trong bất kỳ cuộc chiến pháp lý nào.
Phe ông Trump đã đệ đơn kiện lên các tòa án địa phương, bang và liên bang ở các bang Arizona, Georgia, Michigan, Nevada và Pennsylvania, những bang mà ông Biden đã thắng hoặc dự kiến sẽ thắng, theo dữ liệu của trang Decision Desk HQ được tờ Business Insider công bố.
Tổng thống Donald Trump
Đội ngũ của ông Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã đệ đơn kiện yêu cầu tòa phúc thẩm bang Pennsylvania bác thông báo của tổng thư ký bang Pennsylvania, trong đó cho rằng các cử tri đã bỏ phiếu qua bưu điện phải xác minh danh tính với hội đồng bầu cử của hạt trước ngày 12-11. Phe ông Trump cho rằng hạn chót nên là ngày 9-11. Phe ông Trump đã thắng kiện trước khi tòa án tối cao của bang Pennsylvania lật lại phán quyết của tòa cấp dưới.
Trong vụ kiện quy mô rộng hơn ở Pennsylvania, đội ngũ của ông Trump cáo buộc hành vi sai phạm trong kiểm phiếu trên toàn bang với lập luận nên hủy 14.000 phiếu bầu bị cho là không hợp lệ. Nhóm của ông Trump đã nộp đơn kiện sửa đổi vài ngày sau khi rút lại nhiều cáo buộc ban đầu. Một thẩm phán tại bang này vẫn chưa đưa ra phán quyết về vụ việc.
Trong vụ kiện thứ 2, phe ông Trump nộp đơn kiện tìm cách hoãn thời hạn yêu cầu bỏ phiếu nhưng bị thẩm phán bác bỏ. Đơn kiện thứ 3 nhằm ngăn hội đồng bầu cử hạt Montgomery cho phép cử tri "sửa lỗi" lá phiếu nhưng ê kíp ông Trump đã rút lại đơn kiện.
Trong vụ kiện ngăn TP Philadelphia kiểm phiếu mà không có mặt của người giám sát thuộc đảng Cộng hòa, thẩm phán đã bác bỏ vụ kiện. Đội ngũ của ông Trump sau đó kháng cáo với nỗ lực yêu cầu kiểm phiếu lại nhưng đến nay thẩm phán vẫn chưa ra quyết định về vụ việc.
Trong một trường hợp khác ở hạt Montgomery, các luật sư của ông Trump đã tìm cách ngăn chính quyền hạt này kiểm đếm các phiếu bầu qua bưu điện. Trong khi vụ kiện đang chờ xử lý thì các luật sư của tổng thống đã rút đơn. Trong khi đó, vụ kiện ở hạt Bucks được nhóm ông Trump kháng cáo vẫn đang chờ xử lý.
Các thành viên đảng Cộng hòa ở hạt Northampton tìm cách ngăn hội đồng bầu cử địa phương tiết lộ danh tính của những cử tri có phiếu bầu bị hủy nhưng thua kiện.
Những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt với những người ủng hộ ông Joe Biden ở TP Harrisburg, bang Pennsylvania - Mỹ hôm 7-11. Ảnh: Reuters
Ê kíp ông Trump đã đệ đơn kiện yêu cầu ngừng kiểm phiếu do lo ngại về công nghệ đối chiếu chữ ký và cáo buộc các quan sát viên bầu cử không được phép giám sát quá trình kiểm phiếu đầy đủ. Tòa án tối cao bang Nevada đã bác đơn kiện này. Trong khi đó, phe ông Trump rút lại đơn yêu cầu ngừng kiểm phiếu ở hạt Clark và một vụ kiện khác với cáo buộc có bất thường trong cuộc bầu cử nhưng nhóm ông Trump không đưa ra được bằng chứng thuyết phục để lật ngược kết quả bỏ phiếu.
Cụ thể, thẩm phán hạt Chatham từ chối yêu cầu loại 53 phiếu bầu bị đảng Cộng hòa cho là được gửi sau khi phòng phiếu đóng cửa lúc 19 giờ (giờ địa phương) ngày 3-11. Các quan chức hạt Chatham làm chứng các lá phiếu được bỏ đúng thời điểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chơi golf tại Sterling, bang Virginia hôm 15-11. Ảnh Reuters
Trong một vụ kiện, ê kíp Tổng thống Trump đưa ra một số điểm bất thường - chẳng hạn như quan sát viên thuộc đảng Cộng hòa được yêu cầu đứng cách quầy bỏ phiếu gần 2m vì dịch Covid-19, cho rằng bang Michigan không nên xác nhận các phiếu bầu nhưng đã rút lại đơn kiện. Thẩm phán Cynthia Stephens cũng bác bỏ yêu cầu ngừng kiểm phiếu tại bang này. Hai vụ kiện còn lại liên quan đến xác nhận kết quả bầu cử ở TP Detroit và "gian lận kiểm phiếu" tại TP Detroit và hạt Wayne.
Hai thành viên đảng Cộng hòa ở hạt Maricopa tuyên bố một lượng đáng kể phiếu bầu của cử tri thuộc đảng Cộng hòa bị vô hiệu vì cử tri sử dụng bút sharpie để lựa chọn. Tuy nhiên, các quan chức bầu cử nói rằng việc sử dụng bút sharpie được ưu tiên và không có bằng chứng cho thấy nó gây ra vấn đề về quét lá phiếu. Ê kíp Tổng thống Trump cũng kiện lên tòa án việc hạt Maricopa từ chối không đúng cách một số phiếu bầu và vụ kiện đang chờ giải quyết.
Theo tờ The Washington Post, một số đồng minh của Tổng thống Trump khuyên ông nên tìm cách thuyết phục các cơ quan lập pháp do phe Cộng hòa kiểm soát ở một số bang chiến trường, gồm Michigan và Pennsylvania, bác bỏ kết quả phiếu phổ thông của cử tri và trao số phiếu đại cử tri của các bang này cho ông thay vì ông Joe Biden, người được truyền thông dự đoán đắc cử.
Tổng thống Donald Trump ngồi tại bàn làm việc trong Phòng Bầu dục sau khi phát biểu tại Vườn Hồng hôm 13-11 Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump dường như đang sử dụng toàn bộ quyền lực của Nhà Trắng nhằm thách thức kết quả bầu cử khi ông và các đồng minh liên hệ riêng với các quan chức bang và địa phương nhằm ngăn chặn việc xác nhận kết quả kiểm phiếu tại các bang chiến trường quan trọng.
Ông Karl Rove, cố vấn chính trị của đảng Cộng hòa, đồng quan điểm với lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, người từng cho rằng ông Trump "100% có quyền" đưa các cáo buộc gian lận ra tòa. Tuy nhiên, nỗ lực của Tổng thống không có khả năng xoay chuyển chiến thắng của ông Biden ở bất cứ bang nào và chắc chắn không đủ để thay đổi kết quả chung cuộc. Ông Rove cho rằng ông Trump phải chứng minh được có gian lận trong hệ thống bầu cử để giành chiến thắng với số phiếu bất hợp pháp lên đến hàng chục ngàn nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào củng cố cho các cáo buộc đó.
Theo hãng tin AP, hơn 2 tuần kể từ cuộc bầu cử hôm 3-11, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn từ chối chia sẻ thông tin tình báo hằng ngày về an ninh quốc gia và kế hoạch ứng phó dịch Covid-19 với đội ngũ của ông Joe Biden. Do đó, ông Biden phải tìm kiếm thêm đồng minh để gia tăng sức ép, buộc Tổng thống Trump nhượng bộ.
Ông Joe Biden họp trực tuyến với các thống đốc ở TP Wilmington, bang Delaware--Mỹ hôm 19-11 Ảnh: Reuters
Theo báo The Straits Times (Singapore), việc đánh bại Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử chỉ là thử thách ban đầu trong hàng loạt thách thức chờ ông Biden. Sẽ không dễ để ông Biden lãnh đạo một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc giữa khủng hoảng Covid-19.
Ông Joe Biden
Hôm 4-11, chỉ một ngày sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, Tổng thống Donald Trump đơn phương tuyên bố chiến thắng đối thủ trong buổi họp báo tại Nhà Trắng.
Chiến dịch tranh cử của ông Biden đã chỉ trích ông Trump vì tuyên bố sai sự thật rằng ông đã thắng cử. Về phần ông Biden, ông chỉ nói rằng mình đang đi đúng hướng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và cảm thấy hài lòng về vị trí hiện tại. Ông kêu gọi mọi người kiên nhẫn khi số lượng phiếu bầu còn lại đang được kiểm đếm.
Hôm 5-11, thời điểm cuộc kiểm phiếu đang diễn ra cho thấy ông Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump ở 4 bang chiến trường Georgia, Nevada, Arizona và Pennsylvania. Trái với cuộc chiến pháp lý ồn ào phía Tổng thống Trump thời điểm đó, ông Biden chỉ nói ngắn gọn với phóng viên: "Tôi mong mọi người bình tĩnh. Quá trình kiểm đếm phiếu vẫn đang diễn ra". Ông Biden nói thêm phải đếm từng lá phiếu vì đó là mong muốn của cử tri. "Chúng tôi chắc chắn khi quá trình đếm phiếu kết thúc, Thượng nghị sĩ Kamala Harris và tôi sẽ được tuyên bố chiến thắng" – ông Biden tự tin phát biểu.
Tổng thống Donald Trump hôm 5-11 lặp lại những tuyên bố rằng số lượng phiếu bầu hợp pháp sẽ cho thấy ông là người chiến thắng trong cuộc bầu cử, đồng thời cho rằng mình sắp thua vì bị gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống mà không đưa ra bằng chứng nào. Phản ứng sau phát biểu của ông Trump, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Biden nhanh chóng đăng trên Twitter: "Không ai lấy đi nền dân chủ của chúng ta. Không phải bây giờ và cũng không bao giờ. Nước Mỹ trải qua quá nhiều trận chiến và chịu đựng quá nhiều thứ để không cho phép điều đó xảy ra".
Ông Joe Biden và gia đình ăn mừng trên sân khấu sau khi truyền thông đưa tin ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 7-11 Ảnh: Reuters
Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi được truyền thông Mỹ dự đoán đắc cử hôm 7-11, ông Joe Biden cam kết nỗ lực đoàn kết đất nước để chống lại khủng hoảng Covid-19, tái thiết kinh tế, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân và loại bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống.
Không nhắc đến Tổng thống Donald Trump, ông Joe Biden đã gửi nhắn nhủ đến hơn 70 triệu cử tri bỏ phiếu ủng hộ ông chủ Nhà Trắng, kể cả những người xuống phố biểu tình phản đối kết quả bầu cử: "Hãy cho nhau một cơ hội. Đây là lúc chữa lành nước Mỹ".
Hôm 9-11, ông Biden thông báo đội chuyên trách Covid-19 sẽ đưa ra kế hoạch chi tiết về việc kiểm soát đại dịch. Ông cũng sẽ triển khai các đội đánh giá, nhóm chuyển giao quyền lực tiếp cận các cơ quan chủ chốt trong chính quyền hiện tại để thu thập và xem xét một loạt thông tin như quyết định ngân sách và nhân sự, các quy định đang chờ xử lý và các công việc khác đang được nhân viên của chính quyền ông Trump thực hiện. Tuy nhiên, quá trình này không thể bắt đầu đầy đủ cho đến khi Cơ quan Dịch vụ công Mỹ (GSA) "bật đèn xanh" cho tiến trình chuyển giao quyền lực bắt đầu.
Hôm 10-11, trong bài phát biểu tại bang Delaware, ông Joe Biden cho biết không có gì có thể ngăn cản quá trình chuyển giao quyền lực ngay cả khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc gian lận bầu cử mà không đưa ra được bằng chứng và một số đồng minh đảng Cộng hòa ủng hộ cuộc chiến pháp lý của ông. Ông Biden cho rằng nhóm của ông đang thúc đẩy việc thành lập một chính quyền mới để tiếp nhận quyền lực vào ngày tuyên thệ nhậm chức dự kiến 20-1-2021 bất kể rào cản nào.
Việt hóa đồ họa: Thanh Long
Theo hãng tin Reuters, ông Biden hôm 17-11 đã chỉ định một số nhân vật thân cận trong đội ngũ vận động tranh cử của ông và một nghị sĩ đảng Dân chủ làm cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng, duy trì ê kíp trong quá trình chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng.
Theo tuyên bố được đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Biden đưa ra, quản lý chiến dịch tranh cử của ông Biden, bà Jen O'Malley Dillon, sẽ được chỉ định làm phó chánh văn phòng Nhà Trắng.
Các cố vấn thân cận lâu năm như Mike Donilon và Steve Ricchetti sẽ vào Nhà Trắng với vai trò lần lượt là cố vấn cấp cao và cố vấn của tổng thống. Bà Dana Remus sẽ trở thành luật sư cấp cao cho ông Biden. Một cố vấn thân cận khác là Ron Klain đã được bổ nhiệm làm chánh văn phòng Nhà Trắng trước đó. Nghị sĩ bang Louisiana Cedric Richmond, đồng chủ tịch chiến dịch vận động tranh cử của ông Biden sẽ trở thành cố vấn cấp cao kiêm Giám đốc Văn phòng Quan hệ công chúng của Nhà Trắng.
Trong lúc chờ chính thức được công nhận thắng cử, ông Biden vẫn đẩy mạnh tiến trình chuyển giao quyền lực bất chấp sự thiếu hợp tác từ chính quyền ông Trump.
Ông Joe Biden hôm 19-11 chỉ trích Tổng thống Donald Trump không hợp tác chuyển giao quyền lực ôn hòa, khiến đội ngũ của ông không nhận được những thông tin cần thiết về cuộc chiến chống Covid-19.
"Thật không may, đội ngũ của tôi chưa thể nhận được mọi thứ cần thiết. Chúng tôi vẫn chưa được chia sẻ thông tin về chương trình phát triển vắc-xin ngừa dịch Covid-19 Operation Warp Speed (OWS)… nhưng chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch riêng" – ông Biden khẳng định tại cuộc họp trực tuyến với thống đốc các bang, đồng thời khẳng định ông tự tin về việc Tổng thống Trump đã biết mình thất bại.
Theo ông Biden, việc Tổng thống Trump không chịu chấp nhận thất bại đã gửi đi một thông điệp nguy hại và sau này, ông Trump sẽ được nhớ đến như là "một trong những tổng thống vô trách nhiệm nhất lịch sử Mỹ".
Ông Joe Biden đến địa điểm diễn ra cuộc họp trực tuyến với các nhân viên y tế tuyến đầu ở Wilmington, bang Delaware hôm 18-11. Ảnh: Reuters
Hôm 19-11, ông Biden cam kết với giới lãnh đạo của các bang rằng ông sẽ đảm bảo họ có nguồn lực cần thiết để đánh bại dịch Covid-19. Ông Biden khẳng định sẽ không áp lệnh phong tỏa toàn quốc bởi mỗi khu vực, mỗi vùng, mỗi cộng đồng có thể khác nhau, khiến việc phong tỏa toàn quốc có thể phản tác dụng.
Ông Biden cam kết không đóng cửa nền kinh tế khi Mỹ tiếp tục chiến đấu với đại dịch Covid-19 nhưng có thể áp lệnh đeo khẩu trang toàn quốc. Nhân vật được dự đoán đắc cử tổng thống này cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc cung cấp vắc-xin ngừa dịch Covid-19 an toàn và miễn phí, đòi hỏi một chiến dịch giáo dục nhận thức cộng đồng rộng lớn.
Ông Joe Biden và bà Kamala Harris, người được dự đoán đắc cử phó tổng thống, gặp Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer hôm 20-11 tại TP Wilmington, bang Delaware. Theo một quan chức hàng đầu trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden chia sẻ với Fox News, ông Joe Biden đang hối thúc quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua biện pháp cứu trợ trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát.