Dự án "điên rồ" của Hải quân Anh: Dùng băng làm tàu sân bay lớn nhất lịch sử

Sâu dưới đáy hồ Patricia (Canada) vẫn ẩn chứa một bí mật của người Anh, từng có khả năng thay đổi cục diện Thế chiến II.

Trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, người Anh đã cho ra đời một ý tưởng “điên rồ”: chế tạo siêu tàu sân bay bằng băng. Siêu tàu được miêu tả là tàu sân bay lớn nhất lịch sử và không thể chìm. Đề xuất nghe có vẻ hoang đường này thực chất đã được thủ tướng nước Anh đương thời Winston Churchill chấp thuận và đi vào triển khai.

Vật liệu chiến lược

Dự án có tên HMS Habbakuk, dựa theo tên nhà tiên tri Habbakuk xuất hiện trong Kinh Cựu Ước – cái tên thể hiện tham vọng thực hiện điều không tưởng của hải quân Anh.

Hoàn cảnh ra đời của dự án này xuất phát từ tình hình chiến trận giữa 2 phe Phát xít và Đồng minh. Khi đó, hạm đội tàu ngầm U-boat của Đức trở thành mục tiêu cần đánh bại khi U-boat càn quét khắp đại dương, đánh chìm nhiều tàu chiến và tàu ngầm của Anh và các nước Đồng minh.

Dự án "điên rồ" của Hải quân Anh: Dùng băng làm tàu sân bay lớn nhất lịch sử - 1

 Hạm đội tàu U-boat của Đức từng là vấn đề gây đau đầu cho các nước đồng minh khi nhấn chìm hàng loạt tàu chiến của phe này.

Năm 1942, tại chi nhánh của Ủy ban Chiến tranh Anh, nhà khoa học “lập dị” Geoffrey Pyke trình lên các tướng lĩnh chỉ huy về kế hoạch bảo vệ lực lượng tàu của phe Đồng minh ở khu vực chuyên bị hạm đội U-boat phục kích và đánh chìm. Thay vì tàu chiến làm từ sắt có sức bền kém, nhà khoa học này đề xuất ý tưởng kéo băng từ Bắc Cực về phía Nam và triển khai máy bay trên đó.

Tại thời điểm đó, băng được coi là vật liệu khó phá hủy. Thậm chí, một số báo cáo trong giai đoạn này còn chỉ ra rằng ngư lôi và bom cháy cũng không thể tác động đến băng. Lập luận này càng được củng cố với sự kiện tàu Titanic chìm vào năm 1912 trước đó.

“Pyke cho rằng băng là vật liệu chiến lược có thể giúp phe Đồng minh giành chiến thắng. Còn thủ tướng Churchill sẵn sàng triển khai dự án này” – một nhà nghiên cứu lịch sử tại Anh cho hay.

Tàu sân bay lớn chưa từng có

Chế tạo một siêu tàu sân bay làm từ băng không phải là điều dễ dàng. Một con tàu có thiết kế như vậy không thể di chuyển. Khi băng tan dần từ trên đỉnh, con tàu sẽ có sự dịch chuyển về hướng khác, gây khó khăn cho việc máy bay hạ cánh. Ngoài ra, một tàu sân bay cũng cần phòng chứa và nhiều thiết bị khác.

Dự án "điên rồ" của Hải quân Anh: Dùng băng làm tàu sân bay lớn nhất lịch sử - 2

​​​​​​​Hình ảnh siêu tàu sân bay Habbukak theo kế hoạch có kích thước “khủng” nhất trong lịch sử.

Sau khi tính toán, đội phụ trách dự án quyết định chế tạo con tàu theo hướng vỏ tàu làm bằng băng còn bên trong thiết kế thông thường, đồng nghĩa với việc xây dựng một hệ thống làm lạnh lớn để giữ đông cho con tàu.

Theo kế hoạch, Habbakuk sẽ là siêu sân bay lớn nhất trong lịch sử với kích thước to gấp đôi tàu Titanic, chiều dài 600m và chiều rộng 70m, tải trọng lên đến 2 triệu tấn và có sức chứa đủ cho 30 máy bay. Được hứa hẹn sẽ là vũ khí bí mật đánh bại hạm đội tàu của Đức, dự án “khủng” này được thủ tướng Churchill ký bút phê duyệt vào tháng 12.1942 với mức độ phân loại tối mật nhất và yêu cầu làm một mô hình mẫu.

Dự án điên rồ của người Anh

Người phụ trách C.J.MacKenzie, thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Anh gọi kế hoạch này là “một trong những dự án điên rồ nhất”. Để hiện thực hóa ý tưởng, Anh phải viện đến sự trợ giúp của Canada – quốc gia có sẵn rất nhiều băng.

Cuối cùng, hồ Patricia thuộc công viên quốc gia Jasper ở khu vực Alberta được lựa chọn bởi hai yếu tố: lượng băng dồi dào và nguồn nhân công giá rẻ. Các nghiên cứu lịch sử cho hay số lao động tham gia vào dự án không bao giờ thật sự biết mình đang xây dựng công trình gì và chỉ biết đó là một nỗ lực cải thiện tình hình chiến tranh.

Dự án "điên rồ" của Hải quân Anh: Dùng băng làm tàu sân bay lớn nhất lịch sử - 3

 ​​​​​​​Theo thiết kế, siêu tàu có lớp vỏ làm từ băng Bắc Cực với số lượng lớn đường ống làm lạnh chạy dọc thân tàu.

Đầu năm 1943, một nguyên mẫu dài 18m được dựng lên. Chính giữa con tàu là lượng băng khổng lồ cùng hệ thống làm lạnh chạy dọc xung quanh. Trên cùng, một mái che được thiết kế để ngụy trang cho Habbakuk nhìn giống một con tàu bình thường và bảo vệ phần cấu trúc bên trong.

Ban đầu, con tàu hoạt động tốt nhưng càng về sau càng bộc lộ nhiều nhược điểm. Một vài ống dẫn thuộc hệ thống làm lạnh bị hỏng hóc và nước không thể đưa được vào hệ thống khiến không khí bị tràn vào. Ngoài ra, sức mạnh của băng và độ bền của cấu trúc cũng bị đặt dấu hỏi lớn. Mặc dù một vài phương án để cải thiện đã được áp dụng, con tàu vẫn không thể hoạt động trơn tru.

Sớm lụi tàn vì không tối ưu

Tham vọng không tưởng của người Anh không hẳn là điều viển vông. Nhưng từ giữa năm 1943, dự án bắt đầu “đóng băng”.

Nguyên nhân khiến Habbakuk “chết yểu” xuất phát từ 3 yếu tố. Thứ nhất, quân đội Anh có thể sử dụng Iceland làm căn cứ lâu dài tại Bắc Đại Tây Dương, khiến nhu cầu sử dụng tàu sân bay không còn quá cần thiết. Thứ hai, Anh đã sản xuất ra các loại máy bay mới có thể bay chiến đấu trong khoảng thời gian lâu hơn. Cuối cùng, với sự ra đời của sóng radar, việc truy quét các tàu chiến U-boat của Đức đã chính xác hơn rất nhiều.

Dự án "điên rồ" của Hải quân Anh: Dùng băng làm tàu sân bay lớn nhất lịch sử - 4

 ​​​​​​​Một phần thân tàu được tìm thấy chìm dưới đáy hồ là minh chứng cho nỗ lực chế tạo siêu tàu của người Anh.

Cục diện cuộc chiến tranh đang diễn ra theo hướng có lợi cho phe Đồng minh và Habbakuk đã trở nên lỗi thời trước khi nó được đưa vào hoạt động.

Tháng 6.1943, mọi hoạt động thử nghiệm ở Canada chấm dứt, các máy làm lạnh được tháo dỡ và con tàu nguyên mẫu bị bỏ không tại vị trí cũ và chìm xuống đáy hồ sau khi lượng băng tan hết.

Năm 1984, một nhà khảo cổ có hứng thú với dự án tuyệt mật này đã quyết định lặn xuống đáy hồ Patricia để kiểm chứng các lời đồn xung quanh con tàu. Cuối cùng, một phần thân tàu đã ở dưới nước 4 thập kỉ được tìm thấy, cho thấy chính phủ Anh đã thực sự bắt tay hiện thực hóa ý định không tưởng này.

2 vạn quân Anh đại phá 20 vạn quân Thanh, TQ ôm nỗi hận ”hèn yếu”

Triều đình nhà Thanh giai đoạn thế kỷ 18 trở nên yếu đuối trước sự trỗi dậy của phương Tây, đánh dấu thời kỳ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo My Lê - Theo CNN ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN