Cách Thành Cát Tư Hãn biến quân Mông Cổ thành nỗi khiếp sợ của mọi quân đội hùng mạnh

Sự kiện: Thành Cát Tư Hãn

Theo War History Online, đội quân Mông Cổ thiện chiến của Thành Cát Tư Hãn được xem là một trong những đội quân hùng mạnh nhất lịch sử nhân loại, chinh phục một vùng đất rộng lớn với diện tích khoảng 23 triệu km vuông ở thế kỷ 13.

Quân Mông Cổ từng là nỗi khiếp sợ của nhiều quốc gia từ Á sang Âu

Quân Mông Cổ từng là nỗi khiếp sợ của nhiều quốc gia từ Á sang Âu

Quân Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn được coi là đế chế hùng mạnh nhất bởi những chiến tích mà họ làm chưa từng xuất hiện trong lịch sử và cũng khó tái hiện một lần nữa. Loạt bài này sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc một số chi tiết ít được đề cập về đội quân Mông Cổ thiện chiến.

Ở thời điểm đó dường như không có vương quốc hay đế chế nào có thể đánh bại quân đội Mông Cổ. Những chiến binh của Thành Cát Tư Hãn giành hết chiến thắng này đến thắng lợi khác, đè bẹp bất cứ đối thủ nào ngáng đường họ. Vậy bằng cách nào quân Mông Cổ có thể trở nên bách chiến bách thắng như vậy?

Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên đội quân Mông Cổ thiện chiến, trong đó cốt lõi nhất vẫn là các cung thủ cưỡi ngựa.

Cung thủ cưỡi ngựa tạo nên sự đáng gờm của kỵ binh Mông Cổ

Cung thủ cưỡi ngựa tạo nên sự đáng gờm của kỵ binh Mông Cổ

Quân Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn sở hữu một lượng lớn kỵ binh hạng nhẹ. Trong số các kỵ binh này có cả lực lượng cung thủ. Mỗi cung thủ được giao cho 4-5 con ngựa để sử dụng luân phiên trong một ngày, đảm bảo lũ ngựa không bị kiệt sức khi xung trận.

Nhờ cách này, quân đội Mông Cổ có thể bao quát khoảng cách lớn trong thời gian ngắn. Một lượng lớn quân Mông Cổ dễ dàng di chuyển được quãng đường dài hơn 100 km trong một ngày. Với lực lượng trinh sát tài hoa, con số này có thể tăng gấp 3 lần.

Sự linh động trong di chuyển chưa từng có ở thế kỷ 13 giúp quân Mông Cổ nắm lợi thế cực lớn trước kẻ thù.

Tuy nhiên, bằng cách nào họ có thể bao quát khoảng cách lớn và có được sự linh động tuyệt vời đến vậy? Câu trả lời nằm ở những con ngựa và người điều khiển chúng.

Những con ngựa được chiến binh Mông Cổ sử dụng nhỏ và nhẹ. Chúng chẳng khác gì ngựa con khi đem so sánh với ngựa của các đội quân khác ở châu Âu.

Tuy nhỏ, nhưng những con ngựa Mông Cổ nhanh và có sức chịu đựng dẻo dai. Chúng có thể tồn tại trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và ăn mọi loại cỏ có sẵn. Điều này đồng nghĩa, quân đội Mông Cổ có thể mang theo số lượng lớn ngựa mà không cần quá lo về việc chăm sóc. Lũ ngựa có thể tới và sống ở bất kỳ vùng đất nào chủ nhân chúng chinh phục.

Thú vị hơn, một sự biến đổi khí hậu ở thế kỷ 13 được cho là góp phần vào sự thành công của kỵ binh Mông Cổ.

Một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) chỉ ra rằng sự trỗi dậy của Thành Cát Tư Hãn và đế chế Mông Cổ xuất hiện ngay sau một thời kỳ biến đổi khí hậu đáng kể với thảo nguyên Mông Cổ.

Thời điểm đó, đợt hạn hán kéo dài được xoa dịu bằng những cơn mưa và nhiệt độ ôn hòa, không còn nóng như trước. Điều này tạo điều kiện cho cỏ ở các thảo nguyên sinh sôi nảy nở, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho hàng nghìn con ngựa của đội quân Mông Cổ đi chinh phạt.

Dĩ nhiên, để tận dụng hết khả năng của một con ngựa, kỵ binh phải là một người cưỡi ngựa xuất sắc. Với các cung thủ cưỡi ngựa, yêu cầu lại càng cao hơn. Sau quá trình khổ luyện, có thể nói các cung thủ Mông Cổ là những kỵ sĩ giỏi nhất thế giới.

Cung thủ cưỡi ngựa Mông Cổ sở hữu kỹ năng điêu luyện

Cung thủ cưỡi ngựa Mông Cổ sở hữu kỹ năng điêu luyện

Sẽ không quá lời khi nói rằng chiến binh Mông Cổ được sinh ra trên lưng ngựa. Với lối sống du mục, người Mông Cổ học cách cưỡi ngựa và đi săn từ khi còn rất nhỏ. Giống như ngựa của mình, người Mông Cổ khỏe mạnh và có thể sống trong những điều kiện khó khăn.

Vì quá quen với cuộc sống trên lưng ngựa, chiến binh Mông Cổ không chỉ không chỉ bao quát được khoảng cách lớn mà còn có thể cơ động nhanh chóng trong trận chiến.

Thêm vào đó, khi xung trận, mọi thứ phải gọn nhẹ nên chiến binh Mông Cổ thường thích áo giáp bằng vải có lớp đệm thép, giúp họ di chuyển nhanh và cơ động hơn.

Ngoài ngựa, cung tên cũng là thứ góp phần rất lớn vào sức mạnh của đội quân của Thành Cát Tư Hãn. Cung của người Mông Cổ có thể được làm từ gỗ, xương và gân động vật. Tuy cung tên khá nhỏ, nhất là khi so sánh với cung tên dài 1,8m của Anh, song nó lại có tầm bắn và độ sát thương ghê gớm.

Với tầm bắn hiệu quả gần 400m và tầm bắn chính xác khoảng 182m, cung tên của người Mông Cổ thực sự là loại vũ khí chết chóc thời đó, đặc biệt là khi chúng rơi vào tay cung thủ được đào tạo bài bản từ thuở nhỏ.

Được trang bị ngựa tốt, vũ khí hay, đội quân Mông Cổ có thể thần tốc bao vây quân của đối phương, trút "mưa tên" xuống để triệt hạ.

Về mặt chiến thuật, quân Mông Cổ được coi là bậc thầy ở khía cạnh này. Họ chủ động nghiên cứu và lựa chọn nơi giao chiến có thể tận dụng triệt để lợi thế địa hình của nơi đó thay vì để bị dẫn dụ vào địa hình không hợp với chiến thuật tác chiến.

Trong trường hợp rơi vào địa hình không phù hợp, họ sẽ rút lui hoặc vờ rút lui để dẫn dụ quân địch tới nơi phù hợp hơn với chiến thuật tác chiến rồi tiêu diệt.

Người Mông Cổ sẵn sàng học hỏi cái hay của đối phương

Người Mông Cổ sẵn sàng học hỏi cái hay của đối phương

Điểm then chốt trong chiến thuật vượt trội của người Mông Cổ nằm ở chỗ họ luôn sẵn sàng học hỏi cái hay của những đối thủ bị họ chinh phục. Nếu nhận thấy bất kỳ ý tưởng và chiến lược nào của đối thủ có lợi, người Mông Cổ sẽ tìm hiểu và áp dụng cho đội quân của mình.

Sự bình đẳng cũng là yếu tố góp phần tạo nên sự thành công của đạo quân Mông Cổ. Mỗi chiến binh đều được quyền chia sẻ chiến lợi phẩm giành được trong các trận chiến. Thậm chí, các chỉ huy cấp cao cũng được yêu cầu phải thực hiện việc mà những người hầu cận thường làm. Bất cứ ai có tài năng, làm việc và chiến đấu hết mình đều có thể được thăng chức mà không câu nệ đến xuất thân hay gia cảnh.

Người Mông Cổ còn đảm bảo mọi chiến binh đều phải trung thành với Thành Cát Tư Hãn, nhất là những người thuộc các bộ lạc bị chinh phục. Họ tách những người đàn ông trong các bộ lạc này khỏi bạn bè và các thành viên khác. Những người này được đưa vào các đơn vị chung với các bộ lạc khác.

Một điểm khác biệt khác của người Mông Cổ là họ cho phép những tộc người thua trận dưới tay họ giữ lại nhiều phong tục bản địa. Tất cả niềm tin tôn giáo được giữ nguyên, không ai bị bắt phải chuyển sang tôn giáo mới. Bằng cách này, các rào cản về văn hóa và bộ lạc được giải quyết.

Các nhà nghiên cứu còn cho rằng cách tổ chức quân đội theo thập phân của Thành Cát Tư Hãn khiến đội quân của ông vô cùng cơ động. Vị chỉ huy của nhóm một vạn quân luôn di chuyển ở trung tâm đơn vị một ngàn quân của ông ta, và đặt chín đơn vị còn lại bao quanh ở tứ phía. Do đó, các đơn vị của Thành Cát Tư Hãn như những vòng tròn đồng tâm, biến ảo linh hoạt.

Trong quân đội, kỷ luật tạo nên sức mạnh và điều này được Thành Cát Tư Hãn áp dụng triệt để cho quân đội của ông. Dù mắc các tội nhẹ nhưng án tử lúc nào cũng chờ sẵn. Điều này khiến các binh sĩ trung thành và không dám phạm tội.

Thành công quân sự vang dội của quân Mông Cổ là một kỳ tích hiếm có trong lịch sử nhưng nếu không có các yếu tố như sự cơ động, khắc nghiệt, kỷ luật và trung thành của các kỵ sĩ, Thành Cát Tư Hãn và những người kế tục ông cũng chẳng thể có những thành tựu vang danh thiên cổ.

______________

Kỵ binh Mông Cổ là lực lượng quan trọng trong đội quân thiện chiến của Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên, đội kỵ binh sẽ không còn nguy hiểm nếu họ không có một vật giúp tận dụng triệt để khả năng của ngựa khi chiến đấu. Vậy vật bí ẩn này là gì? Bài dài kỳ tiếp theo sẽ làm rõ vấn đề này! 

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao khi quân Thành Cát Tư Hãn bỏ chạy lại là lúc họ đáng sợ nhất, khiến địch chết nhiều nhất?

Ngay cả khi bị truy kích, kỵ binh Mông Cổ vẫn có thể bắn tên chính xác khiến kẻ thù khiếp đảm nhờ một vật giúp họ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Thành Cát Tư Hãn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN