Anh: Bom giấu trong khoang chứa hàng máy bay Nga
BBC và Telegraph dẫn lời các nhà điều tra Anh đang tham gia giải mã nguyên nhân dẫn tới thảm kịch máy bay Nga khiến 224 người thiệt mạng ngày 31.10 cho rằng, chiếc phi cơ bị rơi xuống bán đảo Sinai, Ai Cập là do một quả bom đã bị gài trong khoang chứa hàng.
Theo BBC, giới chức ở London dù không loại trừ khả năng máy bay Nga bị rơi do lỗi kỹ thuật, song nhấn mạnh rằng, kịch bản này khó xảy ra.
Trong khi đó, theo Telegraph, các nhà điều tra đang tập trung làm rõ giả thiết rằng, một nhân viên bốc xếp hành lý ở sân bay Sharm el-Sheikh đã lén cài bom vào khoang chứa hàng của phi cơ Nga, giết chết toàn bộ 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn sau khi chiếc phi cơ xấu số cất cánh 23 phút hôm 31.10.
Hiện trường vụ máy bay Nga rơi tại sa mạc thuộc bán đảo Sinai, Ai Cập
Theo Telegraph, các nhân viên của sân bay Sharm el-Sheikh không bị bắt buộc phải kiểm tra an ninh, khác với sân bay ở các nước phương Tây. Do đó, ai đó có thể lợi dụng lỗ hổng này để cài lén bom lên máy bay. Ngoài ra, dù sân bay Ai Cập được trang bị máy dò kim loại và máy quét tia X nhưng nhiều khách du lịch từng đi lại tại sân bay này phàn nàn về tình trạng an ninh lỏng lẻo ở đây.
Một trong những dấu hiệu củng cố thông tin giới chức Anh đang điều tra khả năng bom bị cài lén trong khoang hàng là hôm nay (5.11), hành khách tới Anh được yêu cầu mang theo hành lý xách tay lên máy bay và còn các vali hành lý và hàng hóa ký gửi của họ sau khi được kiểm tra kỹ lưỡng sẽ được chuyển riêng bằng các máy bay chở hàng.
Hôm nay, hãng hàng không Hà Lan KLM thông báo rằng, họ cũng thực hiện chính sách như vậy “dựa trên thông tin tình báo trong nước lẫn quốc tế” nhằm đề phòng những trường hợp bất trắc.
Kiểm tra an ninh tại sân bay Sharm el-Sheik.
Ước tính, có khoảng 20.000 du khách người Anh bị mắc kẹt lại tại các khu nghỉ mát ở Biển Đỏ từ hôm 4.11 sau khi Thủ tướng David Cameron ra lệnh hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ khu vực này.
Thủ tướng Anh đã công khai lên tiếng rằng, có khả năng “rất lớn”, máy bay Nga bị rơi vì một quả bom đã bị cài lén trên khoang trước đó.
Ngoài ra, một dấu hiệu khác củng cố giả thiết trên là những lỗ thủng xuất hiện trên các mảnh vỡ máy bay còn sót lại tại hiện trường. Những lỗ thủng trên chỉ ra rằng, máy bay đã bị tác động bởi một lực tấn công “từ trong ra ngoài”, theo Telegraph.
Trong khi đó, báo Nga Komsomolskaya Pravda cũng đăng tải các bức ảnh cho thấy nhiều vết rỗ nhỏ trên thân của chiếc Airbus A321 tại hiện trường trông như "dấu vết do mảnh bom gây ra".
Ở mặt trong của cửa thoát hiểm phía sau phi cơ chi chít những lỗ nhỏ. Tờ báo phỏng đoán rằng đây là hậu quả từ tác động của những viên bi kim loại mà các phần tử khủng bố hay sử dụng để tăng sát thương cho bom.
Lỗ thủng trên một mảnh vỡ của máy bay Nga tại hiện trường vụ tai nạn.
Chưa hết, thông tin liên lạc của các chiến binh IS mà giới tình báo Anh, Mỹ chặn được cũng tiết lộ rằng, tổ chức khủng bố này đã lên kế hoạch tấn công quy mô. Thời gian tiến hành kế hoạch tấn công trùng với thời điểm máy bay Nga gặp nạn.
Tuy nhiên, phía Nga và Ai Cập bác bỏ nghi ngờ của giới chức Anh, Mỹ rằng, máy bay Nga gặp nạn là do bị tấn công khủng bố. Moscow bày tỏ sự phẫn nộ trước thông tin, Anh đã chặn được thông tin liên lạc của IS.
“Nếu Anh có thông tin về một âm mưu đánh bom máy bay nhưng không chia sẻ với Nga thì điều đó thực sự gây sốc”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Nga Maria Zakharova tuyên bố với các phóng viên trong cuộc họp báo ở Moscow.
Đồng thời, Moscow kêu gọi các bên cẩn trọng khi đưa ra các giả thiết liên quan đến thảm kịch hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử nước này và kiên nhẫn chờ đợi kết quả điều tra chính thức.