Kỹ năng vàng cho sinh viên ngành Luật
Khả năng tự nghiên cứu là yếu tố then chốt trong việc nâng cao trình độ chuyên môn của nhân sự ngành Luật, tuy nhiên hầu hết sinh viên hiện giờ còn yếu kém ở kỹ năng này.
Trình độ chưa cao do kỹ năng kém – nguyên nhân từ đâu?
“Tự nghiên cứu là kỹ năng cần thiết nhất cho người học luật bởi hoạt động này đòi hỏi kết hợp giữa khả`năng đánh giá, chọn lọc thông tin và vận dụng tri thức. Trong quá trình tìm đọc và phân tích tài liệu pháp lý, sinh viên được rèn luyện tư duy logic, tư duy lập luận và bảo vệ quan điểm; được tiếp cận những phương pháp xử lý vấn đề một cách chặt chẽ, từ đó áp dụng vào từng trường hợp để tìm ra giải pháp.” - Anh Tống Trần Lê Thành, cựu sinh viên ngành Luật, chia sẻ.
Nguồn: Internet
Theo chuyên trang Pháp luật của Tuần báo Phố Wall (Wall Street Journal), kỹ năng này cũng là tiền đề hình thành những phẩm chất, thói quen nghề nghiệp tích cực, luôn được các nhà tuyển dụng ngành Luật đánh giá cao: khả năng đánh giá vấn đề toàn diện và tinh thần chủ động làm việc.
Tuy nhiên, sinh viên ngành Luật nước ta thường gặp khó khăn trong việc tự nghiên cứu. Nguyên nhân khách quan là do chương trình đào tạo hiện nay chưa cập nhật pháp điển hóa hoặc chuyên trang chính thống nhằm cung cấp hệ thống các văn bản pháp luật, các bài báo liên quan, giúp người học dễ dàng truy cập. Nguyên nhân chủ quan nằm ở chính phương pháp học tập thụ động, quá phụ thuộc vào kiến thức do giảng viên cung cấp trên lớp và giáo trình có sẵn.
Thiếu vốn ngoại ngữ chuyên ngành cũng cản trở sinh viên tiếp cận với tài liệu nước ngoài, vốn là nguồn thông tin phong phú giúp cập nhật tình hình quốc tế và tham khảo các phương pháp phân tích tình huống có tính áp dụng. Thêm vào đó, sự lạm dụng các công cụ tra cứu trực tuyến làm hạn chế tư duy nghiên cứu của người học bằng chính những tiện ích mà nó đem lại, trong khi các nội dung trên mạng không đảm bảo tính chính xác.
Mô hình đào tạo mới nhằm nâng cao chất lượng nhân lực ngành Luật
Lễ tốt nghiệp của các cử nhân khoa Luật Kinh Tế - Trường ĐH Luật – ĐH Huế
Hướng tới giải quyết tình trạng thiếu nhân lực ngành, các đơn vị đào tạo luật ở nước ta hiện nay đang bắt đầu đổi mới trong phương pháp giáo dục nhằm thúc đẩy ý thức và nhu cầu tự nghiên cứu của sinh viên. Thầy Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật – Đại học Huế cho biết: “Nhà trường tập trung hoàn thiện mọi mặt hệ thống đào tạo nhằm rèn luyện cho sinh viên các kỹ năng chuyên môn để phát hiện, tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý khi làm việc thực tế.
Về chương trình giảng dạy, giáo viên chủ yếu hướng dẫn sinh viên tự học thông qua các bài tập phân tích án lệ áp dụng. Nhờ đó các em chủ động xây dựng, đọc, hiểu và thực hiện các văn bản pháp luật. Các lớp ngoại ngữ chuyên ngành do giáo viên nước ngoài giảng dạy cũng được tăng cường, đảm bảo cho sinh viên có vốn tiếng Anh ứng dụng trong giao tiếp và tham khảo tài liệu quốc tế. Dự kiến sắp tới, chương trình sẽ bổ sung thêm nhiều hội thảo trao đổi chuyên đề cho các em tham dự, học hỏi.
Bên cạnh đó, Nhà trường đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại với khu chức năng Phiên tòa giả định cho các giờ thực hành và thư viện với hàng nghìn đầu sách, tài liệu phục vụ nghiên cứu.
Nhờ vậy mà trong những năm qua, Đại học Luật – Đại học Huế đã bổ sung một đội ngũ luật sư trẻ có trình độ cao cho xã hội, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp của đất nước.”
Nhằm giải quyết nhu cầu nhân sự chất lượng cao của xã hội, cần có sự đổi mới mang tính đồng bộ như mô hình đang được áp dụng tại trường Đại học Luật – Đại học Huế để thực sự tạo cho sinh viên một môi trường học tập phù hợp với việc phát triển kỹ năng chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng tự nghiên cứu.