Phát triển du lịch kết hợp với giáo dục truyền thống

Học lịch sử không chỉ qua những trang sách, mà còn học từ những chứng tích. Việc tái hiện di tích cách mạng chính là bài học lịch sử sống động, dễ đi vào lòng người nhất. Nhằm chuẩn bị cho công tác đầu tư tái hiện Khu căn cứ (KCC) cách mạng Huyện ủy Hòa Vang, từ đầu tháng 8, lãnh đạo địa phương đã tổ chức nhiều đợt khảo sát thực địa tại KCC cách mạng này...

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng Ô Rây, Tống Cói, Phú Sơn (H. Hiên, Quảng Nam-Đà Nẵng cũ) luôn là địa danh gắn liền với KCC cách mạng Huyện ủy Hòa Vang... Trong ký ức của các già làng Cơ Tu thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang) hôm nay, chỉ trong vòng 3 năm (từ 1965 - 1968) gần như toàn bộ xóm làng miền xuôi đều bị bom đạn Mỹ đánh phá tan hoang. Trước tình hình đó, Huyện ủy Hòa Vang quyết định trở lại Ô Rây, Tống Cói (nay thuộc thôn Phú Túc) để lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương cho đến ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Ngày đó, dải đất chiến khu xưa có địa hình núi non hiểm trở, tất cả gần như đều bị bao phủ bởi đồi rừng, lau lách, đường đi cheo leo, nhiều vách đá dựng đứng. Nếu ai không đi sơ tán mà "bám trụ" phục vụ kháng chiến đều phải ở rất bí mật, chủ yếu sống với núi rừng, chịu thiếu ăn, mặc rét, bị vắt, muỗi rừng "hành hạ".  Những chàng trai Cơ Tu ngày ấy không ngại xông pha lửa đạn, làm du kích, giao liên sát cánh với bộ đội huyện trong mọi gian khổ, hiểm nguy... "Dân làng nơi đây đang mừng vui chờ đợi việc tái hiện di tích lịch sử cách mạng này, để chiến công của đồng bào năm xưa không chỉ là những câu chuyện kể cùng con cháu" - già làng Lê Văn Rời (83 tuổi) bộc bạch.

Phát triển du lịch kết hợp với giáo dục truyền thống - 1

Đồng chí Nguyễn Văn Chi - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm UBKT T.Ư Đảng dừng chân tại "Hòn đá Non Nước" khi về thăm chiến trường xưa

Những địa điểm đứng chân của cơ quan Huyện ủy ngày trước, giờ đã trở thành những di tích có giá trị về lịch sử. "Hòn đá Đà Nẵng", "Hòn đá Non Nước" ở độ cao hơn 300m so với mặt nước biển, được coi là biểu tượng của truyền thống yêu quê hương, đất nước và tấm lòng kiên trung với Đảng và Bác Hồ của nhân dân Hòa Vang. Đây từng là nơi làm việc, sinh hoạt của Huyện ủy, nơi diễn ra các đợt huấn luyện, tập huấn cho cán bộ lãnh đạo phong trào cơ sở. Nơi đây từng chứng kiến quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân TP cùng với một sức mạnh quật cường của tinh thần yêu nước, quân dân Hòa Vang đã tiến hành hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Cũng ở vị trí này, có thể nhìn tổng thể về sự thay da đổi thịt của đất và người Hòa Vang hôm nay... Nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động "Thăm lại chiến trường xưa", "Hướng về cội nguồn" của các thế hệ trên địa bàn nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn đều được tổ chức tại đây. Ông Trần Đình Hồng - Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết: "Tái hiện KCC cách mạng Huyện ủy là một công việc cần thiết phải thực hiện để người dân địa phương nói riêng và TP nói chung hiểu được giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, gian khổ của các thế hệ người Hòa Vang trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Đồng thời, khai thác thế mạnh về di tích, thắng cảnh trên địa bàn huyện vào mục tiêu phát triển du lịch kết hợp với giáo dục truyền thống".

Phát triển du lịch kết hợp với giáo dục truyền thống - 2

Lãnh đạo H. Hòa Vang khảo sát thực địa, chuẩn bị công tác tái hiện KCC cách mạng Huyện ủy

Rồi đây, du khách muốn chiêm ngưỡng các biểu tượng "Hòn đá Đà Nẵng", "Hòn đá Non Nước" sẽ đi bằng đường thủy để thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ, tiếp tục thượng sơn theo các cung đường bậc thang uốn lượn phủ mờ sương; dừng chân trải lòng trong các hang đá lạnh; thăm những căn hầm bí mật, bếp Hoàng Cầm, Trạm phẫu vẫn còn lưu chứng tích... Tất cả những hình ảnh đó đang được phác họa để tái hiện trong chuỗi các địa danh trên KCC cách mạng Huyện ủy Hòa Vang sau này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Dương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN