Nhập cảnh theo visa hoạt động thương mại

Nhiều đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng tới các nước trên thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thuận lợi hơn cho việc giao lưu, hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, nếu không làm tốt công tác quản lý, xuất nhập cảnh thì sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Thực tế, thời gian qua Đà Nẵng đã phát hiện những trường hợp người nước ngoài với hộ chiếu dạng B3 “núp bóng” người quen để kinh doanh, làm du lịch không lành mạnh.

Kết thân với người bản địa làm bình phong

Những vụ việc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để kinh doanh trái phép mà CATP Đà Nẵng phát hiện và xử lý trong thời gian gần đây đều cho thấy: các trường hợp vi phạm đều vào Việt Nam theo diện mời bảo lãnh theo visa hoạt động thương mại, du lịch từ các Cty dịch vụ mà không qua Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ CA).

Sau khi nhập cảnh với thời gian quy định là 3 tháng, những người này thường không hoạt động theo đăng ký trong hộ chiếu mà lợi dụng để làm những việc khác như kinh doanh trong lĩnh vực CNTT, làm du lịch chui, thậm chí là đi... khất thực. Cứ hết thời hạn, họ lại trở về nước rồi làm thủ tục quay lại với hình thức như trên.

Nhập cảnh theo visa hoạt động thương mại - 1

He Dechao (quốc tịch Trung Quốc) bị cơ quan CA phát hiện nhập cảnh
vào Việt Nam với mục đích thương mại nhưng lại đi... khất thực;...

Cho đến nay, mặc dù đã có với nhau một đứa con nhưng cô N.T.Q.N (1991, trú đường Nguyễn Duy Hiệu, TP Đà Nẵng) và ông Li Muzi (1984, quốc tịch Trung Quốc) vẫn chưa có đăng ký kết hôn. Sau khi bị phát hiện hoạt động du lịch trái phép, Li Muzi đã bị trục xuất về nước, Cty du lịch do N. đứng tên và ông chồng hờ núp bóng điều hành đã bị rút giấy phép kinh doanh.

Trước khi bị phát hiện, Li Muzi đã nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích hoạt động thương mại theo số hộ chiếu G27535616. Thông qua một số mối quan hệ, Li Muzi đã lân la làm quen và sống như vợ chồng với N.

Không biết bị thuyết phục thế nào mà N. đã đứng tên thành lập Cty TNHH MTV Phát triển du lịch Hiện Mỹ Hoàn Á Việt Nam và thuê một căn nhà tại P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà làm trụ sở. Theo lãnh đạo phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (QLXNC) CATP Đà Nẵng, mặc dù N. đứng tên nhưng mọi hoạt động điều hành, hình thành các tour trái phép để đưa người Trung Quốc đi du lịch tại Đà Nẵng, Hội An đều do Li Muzi đảm nhiệm.

Với những lời quảng bá gửi về nước, nhiều khách du lịch khi đến Đà Nẵng đã được người của Li Muzi đón tại sân bay và đưa đi tham quan. Không theo đường chính ngạch, hầu hết du khách đều bị chặt chém với giá dịch vụ cũng như quà lưu niệm theo kiểu “cắt cổ”.

“Khách thường bị dẫn đến những địa điểm lẻ đã được móc nối, quy định ăn chia từ trước nên phải chịu với giá gấp nhiều lần so với các tour lữ hành chính thống. Có nơi Cty của Li Muzi được chia tới 40% giá tham quan và mua hàng lưu niệm. Việc làm này đã gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường du lịch của thành phố” - một cán bộ phòng QLXNC cho biết. Để trọn gói, Li Muzi còn kết hợp với một “cộng sự” khác là Xu Xiape (1985, quốc tịch Trung Quốc) đã từng học tại ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng làm phiên dịch, hướng dẫn.

Nhập cảnh theo visa hoạt động thương mại - 2

...và DNTN Taran có Giám đốc là người Đà Nẵng, thuê trụ sở tại Đà Nẵng
nhưng đứng sau điều hành kinh doanh trái phép lại là người Hàn Quốc.

Cũng với hình thức núp bóng người địa phương để kinh doanh bất hợp pháp, ông Kang Buseok (quốc tịch Hàn Quốc) đã nhập cảnh vào Việt Nam để du lịch nhưng đã thuê Nguyễn Minh Nhật (trú P. Chính Gián) đứng tên để đăng ký kinh doanh nhưng sau đó hoạt động trái phép. Sự việc được xử lý trong tháng 8 vừa qua, Phòng QLXNC cùng CAQ Thanh Khê phát hiện Cty này đã thuê 19 sinh viên Đà Nẵng “cày” game online Lineage1 tại DNTN Taran (45-Điện Biên Phủ) để tăng cấp độ theo yêu cầu của khách hàng bên Hàn Quốc. Trước khi đến Đà Nẵng, các đối tượng này cũng đã hoạt động với hình thức tương tự tại TPHCM nhưng bị phát hiện và xử lý.

VISA B3 - sau khi nhập cảnh là... thả nổi?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các vụ việc nói trên, Phòng QLXNC cũng đã xử lý một số trường hợp tương tự như ngăn chặn 2 người Trung Quốc buôn bán trái phép các vật phẩm tôn giáo theo hình thức vừa bán vừa xin tiền, buộc xuất cảnh 2 người khác vì đã vào Việt Nam với mục đích thương mại nhưng sau đó thuê khách sạn ở rồi đi... khất thực. Đơn vị cũng đã phối hợp với chính quyền TP Hội An xử phạt một số người Trung Quốc và Hàn Quốc 90 triệu đồng về hành vi đưa người nước ngoài đi du lịch trái phép tại Cù lao Chàm.

Nhập cảnh theo visa hoạt động thương mại - 3

Giấy phép kinh doanh của Cty TNHH MTV Phát triển du lịch Hiện Mỹ Hoàn Á Việt Nam đã được gia hạn lần 2 nhưng không được quản lý về hoạt động.

Cũng theo Phòng QLXNC, việc người nước ngoài, phần lớn là người Trung Quốc lợi dụng visa B3 của các Cty dịch vụ bảo lãnh vào Việt Nam hoạt động trái phép ngày càng nhiều, nhưng công tác quản lý còn chưa chặt chẽ.

Nếu nhập cảnh thông qua Cục QLXNC thì việc khai báo, đăng ký hoạt động sẽ được theo dõi trong thời gian đăng ký, ngược lại diện mời bảo lãnh theo visa hoạt động thương mại từ các Cty dịch vụ thì gần như không có kiểm soát của cơ quan chức năng. Việc Peng Yurui và He Dechao (quốc tịch Trung Quốc) bị cơ quan CA phát hiện khi đi khất thực trên đường phố Đà Nẵng vào ngày 29/8 là một ví dụ. 2 người này đã nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu Hữu Nghị với việc bảo lãnh của Cty CP Xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam.

Dù khai báo là hoạt động thương mại nhưng bộ đôi này đã di chuyển vào Đà Nẵng để thuê khách sạn lưu trú và đi... ăn xin. Mặc dù thời hạn nhập cảnh của visa B3 là 3 tháng, nhưng các đối tượng này có thể ở gần như cả năm tại Việt Nam vì sau khi hết hạn, họ xuất cảnh và làm lại thủ tục rất nhanh chóng. Sau khi vào nước, họ hoạt động gì, đi đâu thì gần như các Cty dịch vụ không hề hay biết.

Ngoài việc mở nhiều đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng tới các nước trên thế giới, tạo điều kiện cho người nước ngoài dễ dàng trong việc đến và đi thì thủ tục đăng ký kinh doanh nhanh chóng cũng vô tình tạo lợi thế cho các đối tượng kinh doanh trái phép từ nước ngoài. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cty TNHH MTV Phát triển du lịch Hiện Mỹ Hoàn Á Việt Nam có trụ sở đóng tại một gia đình ở P. An Hải Bắc. Chủ ngôi nhà này nói cho thuê để Li Muzi và N.T.Q.N. ở và không hề biết đó là trụ sở của Cty. Không hiểu vì sao cơ quan chức năng lại có thể cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho Cty này, thậm chí có gia hạn lần 2, mà không có hợp đồng thuê nhà giữa Cty với chủ nhà?

Theo cơ quan chức năng, việc “mọc” ra các Cty dịch vụ bảo lãnh nhập cảnh đã tạo nhiều kẽ hở cho các đối tượng xấu có cơ hội hoạt động. Điểm b, Khoản 5, Điều 20 Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Người nước ngoài nhập cảnh có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng và bị buộc xuất cảnh. Đó là chế tài đối với người trực tiếp vi phạm. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc có những quy định nghiêm và chế tài mạnh đối với các Cty làm dịch vụ bảo lãnh. Bởi vì hầu hết các phiền phức đều bắt nguồn từ đây. Có như vậy mới có thể quản lý được người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam nhằm đảm bảo ANQG và TTATXH.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Khanh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN